Hiển thị các bài đăng có nhãn quan-trong. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn quan-trong. Hiển thị tất cả bài đăng

Lãnh đạo TP Vũng Tàu khảo sát thực địa trước khi thu hồi 1,5km đường Vi Ba do Hồ Mây park lấn chiếm

 
Dự án lấp biển bãi Trước (bãi Thùy Dương) xây dựng Thủy Cung của chủ đầu tư Hồ Mây Park được khởi công từ năm 2019

 

Thành phố Vũng Tàu: Dự án đường Thống nhất nối dài có 12 hộ dân phường 3 không đủ điều kiện tái định cư

 
(Xây dựng) – Theo Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Vũng Tàu, dự án đường Thống Nhất nối dài có tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 55.613,80m2 với 224 hộ dân, đơn vị bị thu hồi đất.
Có 12 hộ không đủ điều kiện tái định cư, do nguồn gốc đất nông nghiệp và diện tích nhỏ, trong đó có hộ La Nghĩa – Nguyễn Thị Nga địa chỉ 176/40/31/1 đường Trương Công Định, phường 3, có đơn kiến nghị nhưng đã bị UBND thành phố bác bỏ.

Dự án ảnh hưởng tới 03 phường của thành phố, trong đó, phường 3 có số lượng hộ dân bị thu hồi đất nhiều nhất, gồm 210 hộ, đơn vị (gồm 198 hộ, đơn vị và 12 hộ Ban Quản lý dự án 1 đề xuất không thu hồi do diện tích thu hồi nhỏ quá nhỏ chỉ từ 0,1m – 0,3m). Đặc biệt, có 12 hộ không đủ điều kiện tái định cư, do nguồn gốc đất nông nghiệp và diện tích nhỏ, trong đó có hộ La Nghĩa – Nguyễn Thị Nga địa chỉ 176/40/31/1 đường Trương Công Định, phường 3, có đơn kiến nghị nhưng đã bị UBND thành phố bác bỏ;

Phường 1 có 08 hộ, đến nay đã ban hành Quyết định phê duyệt: 08/08 hộ dân; phường Thắng Tam 04 hộ và 02 đơn vị: Đã ban hành Quyết định 04 hộ và 01 đơn vị - Công ty Hải Sản đang niêm yết tại UBND phường.

Lãnh đạo Trung tâm quỹ đất cũng cho biết, hiện đã ban hành Quyết định phê duyệt cho 92 hộ, đơn vị (đợt 1 đến đợt 10). Dự kiến trong tháng 3 sẽ họp Hội đồng bồi thường giải quyết 40 hộ.

63 hộ còn lại, Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức xác minh và họp xét Hội đồng bồi thường trình UBND thành phố ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường trong tháng 8/2021 (theo đúng kế hoạch ngày 08/3/2021).

Theo tiến độ giải ngân trong năm 2020, UBND thành phố Vũng Tàu ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường (từ đợt 1 đến đợt 10) là 105 hộ, đơn vị với diện tích thu hồi khoảng 12.2040m2 và tổng kinh bồi thường 335 tỷ đồng.

Trong tiến độ này, UBND thành phố Vũng Tàu đã đồng ý giao 29 lô tái định cư và 03 lô đất ở mới và 01 lô chung cư tái định cư tại phường Thắng Tam.

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, dự án đường Thống Nhất (nối dài) có chiều dài 1.825,47m, trong đó tuyến chính dài 1.492,67m, có điểm đầu giao với đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối giao với đường Lê Hồng Phong; tuyến nhánh dài 332,8m, có điểm đầu giao với tuyến chính của tuyến đường và điểm cuối giao với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đi qua 3 phường 1, 3 và Thắng Tam.

Mạnh Cường

Phản hồi thông tin của TTXVN: Vũng Tàu thu hồi đoạn đường công ở Núi Lớn

 
Phản hồi thông tin của Thông tấn xã Việt Nam, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và UBND thành phố Vũng Tàu sẽ tiến hành các bước để thu hồi đoạn đường Viba trên đỉnh Núi Lớn, thành phố Vũng Tàu.
Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu đang tiến hành san gạt, làm mặt bằng 2 khu đất khác dù chưa được cấp phép. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Ngày 22/3, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Tạ Quốc Trung cho biết, đơn vị giao cho phòng chuyên môn rà soát, chuẩn bị để phối hợp với UBND thành phố Vũng Tàu tiến hành các bước để thu hồi đoạn đường Viba (là đoạn đường công cộng xuyên qua Khu du lịch Hồ Mây của Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu) trên đỉnh Núi Lớn, thành phố Vũng Tàu.

Trước đó, ngày 15/11/2019, Báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam có bài viết “Cần làm rõ Dự án Cáp treo Vũng Tàu có chiếm dụng, sử dụng trái phép đất công” phản ánh việc Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu tự ý xây cổng chặn một đoạn đường Viba trên đỉnh Núi Lớn và biến đoạn đường công cộng này thành đường nội bộ của Dự án Hồ Mây Park Vũng Tàu, khiến việc lưu thông qua tuyến đường bị gián đoạn.

Thông tin của Báo Tin Tức được dư luận xã hội ở địa phương đồng tình, ủng hộ.

Đến ngày 26/2/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ ký công văn số 1731/UBND-VP giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Vũng Tàu thu hồi đoạn đường trên để phục vụ mục đích công cộng.

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại công văn số 628/STNMT-CCQLĐĐ gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án Hồ Mây Park Vũng Tàu (Khu du lịch Hồ Mây trên đỉnh Núi Lớn, thành phố Vũng Tàu) được tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết với tỉ lệ 1/500 ngày 12/4/2018 có quy mô 41,31ha.

Theo đó, đến nay tỉnh đã cho Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (chủ dự án Hồ Mây Park Vũng Tàu) thuê 9,99ha đất để thực hiện dự án. Trong dự án Hồ Mây Park Vũng Tàu có hơn 8.100m2 đất giao thông thuộc các tuyến đường hiện hữu đã tồn tại từ trước khi dự án hình thành, hoàn toàn là đất công và đến nay tỉnh cũng chưa giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu thuê.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất với kiến nghị của Thành ủy Vũng Tàu và đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao các đơn vị có liên quan phối hợp với UBND thành phố Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu rà soát, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Hồ Mây Park Vũng Tàu, tách phần diện tích đất của các tuyến đường công cộng trên ra khỏi dự án, giao về cho các phường quản lý theo quy định về đất đai.

Nhà nước sẽ không thực hiện việc giao diện tích đất công cộng này cho Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu.

Theo UBND thành phố Vũng Tàu, đường Viba dài khoảng 10km (xuất phát từ đường Lê Lợi men theo triền núi, vắt qua đỉnh Núi Lớn nối sang ngõ 444 đường Trần Phú, rộng trung bình khoảng 5m, được rải bê tông nhựa và bê tông xi măng) không chỉ là con đường dân sinh mà còn có công năng là đường cứu hỏa, quân sự rất quan trọng.

Bên cạnh đó, tuyến đường đi xuyên qua không gian xanh hoang sơ của rừng cảnh quan Núi Lớn và các di tích lịch sử như trận địa pháo cổ, hầm thủy lôi, phía bên dưới là biển xanh, vịnh Gành Rái, bến cảng, làng chài Sao Mai-Bến Đình. Tuyến đường là một sản phẩm du lịch độc đáo danh cho du khách cũng như người dân Vũng Tàu./.

Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Chặt hạ cây xanh cổ thụ thi công đường Thống Nhất, Vũng Tàu: Đôi khi, chúng ta buộc phải hy sinh

 
51 cây xanh lâu năm đã được chặt hạ, phục vụ thi công đường Thống Nhất (nối dài). Việc làm này đương nhiên dẫn đến ý kiến trái chiều, nhưng theo khảo sát của Báo BR-VT, đa số đều đồng thuận. Nhiều người cho rằng, đôi khi chúng ta vẫn buộc phải hy sinh để đổi lại những giá trị lớn lao hơn.
ÔNG LÊ HUY HỮU HIỆP, TỔNG GIÁM ĐỐC UPC

Nhiều cây đã ngừng sinh trưởng, “sức khỏe” yếu

Theo số liệu khảo sát trên các đoạn đường Lý Thường Kiệt đến đường Trương Công Định trong phạm vi thi công xây dựng công trình đường Thống Nhất (nối dài) có tổng cộng 28 cây xanh lớn (lộc vừng, xà cừ, bàng, xoài, nhạc ngựa, sanh...). Số cây này đều là cây lâu năm và không cùng chủng loại. Nhiều cây có bộ rễ lớn, ăn vào mặt đường hiện hữu. Có cây đã bị mục một phần thân. Nhiều cây đã đến giai đoạn ngưng sinh trưởng. Ngoài ra, theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị về hệ thống cây xanh lớn bị đổ, gãy qua các đợt mưa, bão trên địa bàn TP. Vũng Tàu cũng cho thấy, “sức khỏe” của nhiều cây xanh không tốt, dễ gãy đổ qua các đợt mưa bão. Cụ thể, cơn bão năm 2006, trên đường Thống Nhất (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Trương Công Định) có 18 cây xanh lớn bị đổ gãy. Và gần nhất vào mùa mưa bão năm 2019 tại đường Trương Công Định đoạn từ ngã sáu Trần Đồng đến đường Quang Trung có 2 cây xanh bị đổ gãy.

Với hiện trạng cây xanh như vậy, cộng với nhu cầu về việc thi công đường, có thể khẳng định, chúng ta chỉ có thể lựa chọn “1 trong 2”, không thể lựa chọn cả hai.

ÔNG MAI TRUNG HƯNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG

Xét đến cùng đó cũng là việc làm cần thiết phục vụ dân sinh

Trước đây, để giữ lại cây xanh trên đường Trương Công Định, đơn vị thi công phải đổ bê tông thép để gia cố, ghìm xuống nhưng rễ cây vẫn bung lên làm hỏng mặt đường gây mất mỹ thuật và mất an toàn. Do đó, khi thi công tuyến đường Thống Nhất (nối dài), tôi nghĩ chủ đầu tư đã tính toán kỹ về hạng mục cây xanh. Theo đó, nếu giữ lại 28 cây xanh lớn trên các đoạn tuyến liên quan đến công trình này sẽ làm giảm khả năng thông hành, chỉ có thể bố trí được 4 làn xe chạy so với 6 làn xe chạy với phương án chặt hạ. Còn việc sử dụng giải phân cách 2 bên tuyến đường để giữ lại hàng cây xanh sẽ gây bất tiện cho việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân sinh sống dọc 2 bên tuyến; ngoài ra còn gây khó khăn cho việc tổ chức giao thông, bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến. Ngoài ra, do các cây xanh đã được trồng từ lâu, trong quá trình thi công các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của công trình sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến hệ thống rễ cây hiện hữu và có thể làm cho các cây xanh dễ bị đổ, gãy vào mùa mưa bão; gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân sinh sống dọc hai bên tuyến và cho các phương tiện khi lưu thông qua đoạn đường này. Theo phương án được duyệt, khi hoàn thành công trình, thành phố cũng sẽ trồng loại cây quý, có giá trị hơn và phù hợp với quy hoạch hơn đó là cây cẩm lai Bà Rịa.

Xét cho thấu đáo thì việc chặt cây xanh để mở rộng đường Thống Nhất liền mạch cũng là vì mục đích dân sinh, vì mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Không có gì là mãi mãi và cây xanh cũng vậy

ÔNG ĐINH CÔNG TIẾN, NGƯỜI DÂN SINH SỐNG Ở ĐƯỜNG TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH (PHƯỜNG 3, TP.VŨNG TÀU)

Cần sớm trồng cây thay thế khi tuyến đường hoàn thành

Việc chặt hạ hàng cây xà cừ để mở rộng đường Thống Nhất nối dài là phù hợp với sự phát triển của TP. Vũng Tàu. Khi đường Thống Nhất nối dài được mở rộng sẽ giải tỏa vấn đề ùn tắc giao thông cho các tuyến đường như: Lý Thường Kiệt, Lê Lai, Trương Công Định… Khi đường mở rộng, chúng tôi cũng đề nghị cơ quan chức năng tích cực trồng những cây mới, để tuyến đường được khang trang. 

BÀ LÊ THỊ NGA, CHỦ TỊCH HỘI SINH VẬT CẢNH TỈNH

Đôi khi chúng ta phải hy sinh

Dù rất quý giá, nhưng nếu các cơ quan chức năng cho rằng việc chặt bỏ để thi công tuyến đường là cần thiết và an toàn thì tôi nghĩ chúng ta cũng phải hy sinh. Hơn nữa, theo tôi, đó cũng không phải là nhóm cây di sản cần được đặc biệt bảo vệ. Hiện nay, tại BR-VT chỉ có 79 cây xanh (gồm bàng, bằng lăng, cây thị, điệp bèo) tại Côn Đảo được công nhận là cây di sản. Do đó, chúng ta chặt bỏ thì có thể trồng mới lại, để sớm có một hàng cây đẹp cho thế hệ mai sau.

NHÓM PV NỘI CHÍNH-BẠN ĐỌC
(Lược ghi)
Báo Bà Rịa Vũng Tàu: http://baobariavungtau.com.vn/ban-doc/202103/chat-ha-cay-xanh-thi-cong-duong-thong-nhat-doi-khi-chung-ta-buoc-phai-hy-sinh-921737/

Bí thư Vũng Tàu nhận khuyết điểm 'không tuyên truyền' vụ cưa hàng cây cổ thụ

 
TTO - Thay mặt Ban thường vụ, ông Trần Đình Khoa, bí thư Thành ủy Vũng Tàu, đã nhận khuyết điểm trước Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc 'chặt cây, mở rộng đường Thống Nhất mà không tuyên truyền trước'.
Hàng cây bên đường Thống Nhất trước khi bị chặt hạ để mở đường - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ngày 18-3, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc với Thành ủy Vũng Tàu về triển khai nhiệm vụ, công tác của năm 2021. Một trong những khó khăn mà TP Vũng Tàu gặp phải là công tác giải phóng mặt bằng. 

Ông Phạm Viết Thanh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, ví dụ cụ thể để chứng minh trong đền bù, giải phóng mặt bằng phải làm tốt tuyên truyền, vận động. 

Cụ thể tại dự án mở rộng đường Thống Nhất, TP Vũng Tàu đã không làm tốt việc tuyên truyền dẫn đến việc người dân phản ứng khi hàng cây cổ thụ bị chặt hạ.

Gốc một cây xà cừ cổ thụ trên đường Thống Nhất sau khi bị chặt hạ - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Phát biểu về việc này, ông Trần Đình Khoa - bí thư Thành ủy Vũng Tàu - thừa nhận đây là "sự chủ quan của Ban thường vụ Thành ủy Vũng Tàu" vì nghĩ rằng khi có dự án, công bố dự án mở đường thì phải giải tỏa cây xanh.

"Do không làm công tác tuyên truyền, không giải thích tại sao phải cưa cây trước khi cưa nên người dân và cả cán bộ hưu trí lên mạng xã hội đặt câu hỏi. Ban thường vụ kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề này", ông Trần Đình Khoa nói. 

Sau khi có dư luận, Thành ủy Vũng Tàu đã chỉ đạo chính quyền thông tin rộng rãi, giải thích lý do vì sao phải chặt hạ, tình trạng cây xanh ở con đường này.
Một phần cây xanh bên đường Thống Nhất sau khi bị cưa hạ - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trước đó, từ ngày 8-3, TP Vũng Tàu bắt đầu cưa hơn 50 cây xanh, trong đó có hơn 20 cây lớn, cổ thụ ở hai bên đường Thống Nhất (đoạn sát nhà thờ Vũng Tàu) - một trong những trục chính, có tính chất xương sống dọc của giao thông TP - để mở rộng con đường này. 

Khi mở đường, hàng cây này rơi đúng vào tim đường. Đến nay, về cơ bản, TP Vũng Tàu đã cưa hạ xong hàng cây cổ thụ ở hai bên đường Thống Nhất. 

Khi bắt đầu hạ cây, có hai luồng ý kiến: một là không nên chặt, phải giữ lại hàng cây cổ thụ của Vũng Tàu; hai là phải hi sinh cây xanh để có con đường rộng rãi. Trong đó, ý kiến thứ nhất được bàn tán khá xôn xao trên mạng xã hội.

Hàng cây hai bên đường Thống Nhất lúc chưa bị cưa hạ vào sáng sớm - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo đơn vị quản lý cây xanh, có những cây cổ thụ ở đây đã mục trong thân, ngừng sinh trưởng và không đủ "sức khỏe" để chống chọi với bão gió. Một số ý kiến cũng cho rằng việc mở đường rộng lớn cũng phục vụ dân sinh, mục tiêu lâu dài nên phải hi sinh hàng cây cũng là chuyện nên làm.
Đông Hà
Link gốc https://tuoitre.vn/bi-thu-vung-tau-nhan-khuyet-diem-khong-tuyen-truyen-vu-cua-hang-cay-co-thu-20210318203222384.htm

Hàng cây và con đường

 

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội bàn tán xôn xao việc chặt hạ hàng cây cổ thụ trên đường Thống Nhất (TP. Vũng Tàu) để làm dự án mở rộng, nâng cấp con đường này. Có 2 luồng ý kiến: một là không nên chặt, phải giữ lại hàng cây trăm tuổi của Vũng Tàu; hai là phải hy sinh cây xanh để có con đường rộng rãi. 

Hàng cây trăm tuổi đường Thống Nhất, TP Vũng Tàu trước ngày bị cưa để dành chỗ làm đường

Về lý do phải chặt hạ hàng cây, cơ quan chức năng và chính quyền TP. Vũng Tàu cũng đã giải thích trong bài “Vì sao phải chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất?”, đăng trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là bởi, hàng cây này nằm trong tim đường sau khi mở rộng. Và từ khi có chủ trương dự án nâng cấp, kéo dài con đường này, cơ quan chức năng đã tính toán kỹ “lợi - hại” khi “làm đường - chặt cây”.


Và chúng ta cần có cái nhìn đa chiều, thấu đáo để nhận xét về sự việc. 


Trước tiên, phải khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước là, không hy sinh môi trường để đánh đổi mục tiêu khác. Trong nhiều năm qua, chủ trương của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng là “không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Việc chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất để làm con đường này, chắc chắn cũng đã được dùng “kim chỉ nam” trên để xem xét. Trên thực tế, mới đây Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho dừng dự án tái định cư ở Côn Đảo để giữ lại rừng dầu quý hiếm cho đảo ngọc. Việc giữ lại cây xanh khi mở rộng đường cũng đã được TP. Vũng Tàu thực hiện khi mở rộng đường Trương Công Định cách đây vài năm. 


Đường Thống Nhất là một trong những trục chính, thẳng ra biển. Nhưng con đường này bị cắt làm đôi vì chưa thể kết nối, liền mạch. Do đó, đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến Nguyễn An Ninh của con đường, được người dân quen gọi là “Thống Nhất mới”. Khi đường Thống Nhất liền mạch, rộng rãi, chắc chắn giúp giảm bớt áp lực giao thông cho những con đường khác cùng hướng ra biển như: Bacu, Trương Công Định, Nguyễn Văn Trỗi,... 


Hơn thế nữa, khi hoàn thành, con đường sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch cho thành phố biển. Trong tương lai không xa, Vũng Tàu sẽ phát triển nhanh, mạnh, dân số cơ học tăng, thì hiện tại, việc có những con đường xương sống đủ rộng, đủ lớn là để đón đầu xu hướng, là để thực hiện “hạ tầng phải đi trước một bước”. 


Rất chia sẻ và đồng cảm với những người có ý kiến cho rằng cần phải giữ lại hàng cây. Bởi ngày nay, với thực tế của biến đổi khí hậu, rất cần có cây xanh. Hầu như mỗi người đều có ý thức yêu thiên nhiên, yêu cây xanh, yêu môi trường trong lành. Hàng cây đang phải chặt phá đúng là có những cây cổ thụ. Nhưng không phải tất cả đều là cây gỗ quý hiếm, nằm trong “sách đỏ”, cần bảo tồn. 


Như vậy, xét cho cùng, việc chặt cây xanh để mở rộng, làm cho đường Thống Nhất liền mạch, nối từ Tượng đài Dầu khí ra Bãi Trước là vì mục đích dân sinh, mục tiêu phát triển lâu dài. 


Cây xanh không thể trường tồn, cũng có tuổi thọ. Nhưng những con đường chính, xương sống cho một cộng đồng dân cư, chắc chắn sẽ trường tồn. Bởi đó là cơ sở hạ tầng, là mấu chốt cần có đầu tiên cho sự phát triển. 


Việc này cũng tương tự như ở TP.Hồ Chí Minh phải bỏ cây xanh ở trung tâm để nhường đất cho dự án metro. Đặc biệt hơn nữa, việc chặt hơn 50 cây xanh ở đường Thống Nhất mới càng không phải là việc “chọn cá hay chọn môi trường”. Ngoài ra, hoàn toàn có thể phục hồi nhanh cây xanh hai bên đường này bằng cách đầu tư tiền, trồng những cây xanh đã cao lớn.


Hãy yêu cây xanh bằng những việc làm thiết thực. Đó là không phá cây vì tư lợi, vì mục tiêu nhỏ. Và nếu phải chặt bỏ 1 cây vì sự phát triển chung, phải trồng lại 2 cây.


Con đường Thống Nhất sẽ khang trang và rộng rãi hơn sau khi thực hiện dự án này

LÊ ĐÌNH THÌN

Vì sao phải chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất?

 
Từ ngày 8/3, một số cây xanh trên tuyến đường Thống Nhất (đoạn trước UBND phường 1, TP. Vũng Tàu) đã bắt đầu được chặt hạ để phục vụ việc thi công công trình đường Thống Nhất (nối dài). Vì sao phải chặt hạ những cây xanh này là điều được nhiều người dân quan tâm.
Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu cắt hạ ngọn cây trên đường Thống Nhất chiều 9/3.

Theo Quyết định phê duyệt dự án số 2952/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh, đường Thống Nhất (nối dài) được đầu tư đồng bộ các hạng mục: Nền đường; vỉa hè; hệ thống thoát nước mưa, hào kỹ thuật; hệ thống thoát nước thải; hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh; báo hiệu an toàn giao thông... Tổng chiều dài tuyến đường hơn 1.825m, gồm 2 đoạn. Tuyến chính có điểm đầu tuyến giao với đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối tuyến giao với đường Lê Hồng Phong, tổng chiều dài hơn 1.492m. Tuyến nhánh có điểm đầu là đảo tròn (Km0+834.92m), điểm cuối tuyến giao đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với tổng chiều dài khoảng 332m. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình 882 tỷ đồng.

Công trình đường Thống Nhất (nối dài) gồm nhiều gói thầu. Trong đó, gói thầu chặt hạ cây xanh (gói thầu số 10) do công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC) thực hiện. Ông Trịnh Trọng Tấn, Phó Trưởng Phòng kế hoạch UPC cho biết, để phục vụ thi công công trình, sẽ có 51 cây xanh phải chặt hạ. Các cây xanh này nằm trên vỉa hè các tuyến đường Thống Nhất, Lê Lai, Lê Hồng Phong, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các chủng loại cây gồm: xà cừ, sanh, me tây, gừa, nhạc ngựa, bàng, xoài, lộc vừng, sao, giáng hương… Trong đó, 15 cây xà cừ khá lớn được xếp vào nhóm cây loại 3, người dân thường gọi là hàng cây cổ thụ.

Qua khảo sát hiện trạng cho thấy, các cây xanh này được trồng từ hàng chục năm, không thẳng hàng (so với tim tuyến đường hiện hữu) và nằm cách tim đường từ (3,5-5,5m). Đặc biệt, các cây cổ thụ trên đường Thống Nhất có đường kính khá lớn, phần thân sát gốc và bộ rễ ăn cả ra mặt đường hiện hữu. 

Bà Nguyễn Xuân Bằng (49 Lê Lai, phường 3, TP. Vũng Tàu) cho biết, cách đây hơn 60 năm, khi gia đình bà chuyển đến sinh sống tại đây, bà đã thấy hàng cây xà cừ trên đường Thống Nhất cao lớn. “Thấy hàng cây bị chặt hạ, tôi cũng rất tiếc nhưng tôi nghĩ trước khi thực hiện, cơ quan chức năng đã khảo sát kỹ mới đưa ra quyết định. Có lẽ việc này nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến đường khi mở rộng”, bà Bằng nói. 

Ông Quách Tiến Đạo, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 - đơn vị được giao quản lý dự án cho biết, khi tuyến đường được đầu tư mở rộng, toàn bộ công trình nổi cũng như ngầm nằm giữa mặt đường đều phải di dời, trong đó có hạng mục cây xanh. Khảo sát cho thấy, 51 cây xanh 2 bên tuyến nằm cách tim đường hiện hữu từ 3,5-5,5m, trong khi mặt đường Thống Nhất mở rộng mỗi bên tăng lên 11,5m (10,5m mặt đường và 1m dải phân cách giữa). Hơn nữa, các cây xanh trên đã được trồng từ lâu, không cùng thời điểm trồng, không thẳng hàng so với tim đường nên để bố trí một dải đất để giữ lại là không khả thi. “Từ các phân tích trên, việc phải chặt hạ những cây xanh này để thi công tuyến đường là cần thiết. Sau khi tuyến đường được xây dựng, hệ thống cây xanh 2 bên vỉa hè sẽ được trồng mới là cây cẩm lai Bà Rịa”, ông Đạo thông tin thêm. 

Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP. Vũng Tàu cho hay, cây xanh, đặc biệt là các cây lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với các đô thị. Ngoài việc tạo bóng mát, cây xanh còn tạo nên vẻ đẹp cổ kính của đô thị. Việc bảo tồn và gìn giữ là quan trọng, cần phải xem xét cụ thể đối với từng cây khi xây dựng các công trình mới. Công trình đường Thống Nhất (nối dài) đã được chủ đầu tư cũng như các sở, ban, ngành xem xét cẩn trọng, thấu đáo việc chặt hạ hay giữ lại cây xanh khi xây dựng tuyến đường ngay từ khi có chủ trương đầu tư. 

Theo ông Thụy, dự án đường Thống Nhất (nối dài) là công trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh BR-VT, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân TP. Vũng Tàu. “Khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ góp phần hình thành trục giao thông “xuyên tâm” kết nối từ phường 1 đến phường 12 và khu Trung tâm Hành chính thành phố; tạo thuận lợi cho du khách đến Vũng Tàu vui chơi, du lịch, tạo điều kiện phát triển đô thị 2 bên tuyến, góp phần xây dựng TP. Vũng Tàu ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại”, ông Thụy nói thêm.






Khởi công dự án đường Thống Nhất: Khơi thông con đường huyết mạch ở Vũng Tàu

 
Hôm nay (19/1), Thành ủy, UBND TP. Vũng Tàu tổ chức Lễ khởi công công trình đường Thống Nhất (nối dài). Đây là một trong những công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đường Thống Nhất (nối dài) sẽ được đầu tư đồng bộ các hạng mục: nền mặt đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước…Trong ảnh: Phối cảnh tổng thể đường Thống Nhất (nối dài).


Trong 3 năm trở lại đây, TP. Vũng Tàu đã có nhiều giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, nhiều tiện ích. Nhờ vậy, hạ tầng thành phố ngày càng đồng bộ, khang trang, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhiều dự án giao thông quan trọng bị ách tắc nhiều năm do vướng khâu giải phóng mặt bằng đã từng bước được tháo gỡ và triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động như: dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Bình Giã; Lương Văn Can; Nguyễn Tri Phương; 30/4; Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai…

TP Vũng Tàu luôn chú trọng phát triển mảng xanh đô thị

 

Tại hội thảo về giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến trong quy hoạch và quản lý phát triển công viên cây xanh đô thị, do Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam vừa tổ chức tại TP. Vũng Tàu, nhiều ý kiến cho rằng, phải đặc biệt chú trọng đến quy hoạch và phát triển cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm và góp phần bảo vệ môi trường.


Phát triển mạnh hệ thống cây xanh, cây cảnh ở các công viên, khu đô thị là góp phần mang đến bộ mặt đô thị khang trang, sạch, đẹp.
Trong ảnh: Chăm sóc cây hoa tại các công viên ở khu vực TP.Vũng Tàu.


Trống vắng mảng xanh


Nhu cầu về nhà ở ngày càng gia tăng nên tại các khu đô thị mới, nhà ở có xu hướng được ưu tiên hơn so với các không gian xanh. Điều này đạt được mục tiêu trước mắt là giải quyết đủ nhu cầu ở cho người dân, nhưng không mang lại một môi trường sống tiện nghi, thân thiện và bền vững. Theo TS Trần Thế Mỹ, Chủ tịch Hội KHKT lâm nghiệp TP.Hồ Chí Minh, do điều kiện lịch sử để lại, nhiều đô thị Việt Nam từ loại II trở lên không được quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu mà chủ yếu cơi nới, chắp vá trong quá trình phát triển đô thị, điển hình như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quy Nhơn, Cần Thơ. Vì vậy, vùng nội thành của các đô thị này luôn chật chội, thiếu cây xanh, đặc biệt là cây xanh công cộng do quỹ đất dành để phát triển diện tích xanh, không gian xanh không còn nữa. Chưa kể những diện tích đã được quy hoạch cây xanh còn bị xà xẻo và sử dụng vào những mục đích khác nhau.


Thêm vào đó, việc phát triển cây xanh ở đô thị thời gian qua vẫn còn bất cập và nhiều khiếm khuyết. Ở một số khu đô thị mới, nhiều nhà đầu tư cố tình bỏ quên việc tạo mảng xanh, trồng nhiều cây cho khu đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do thiếu giải pháp phát triển đồng bộ từ quy hoạch, kiến trúc đến công tác quản lý, nên đô thị mọc lên hay mở rộng ra đều thiếu tính thẩm mỹ và nhạt nhòa bản sắc. Cây xanh, một thành tố quan trọng của đô thị, cũng không nằm ngoài vòng hệ lụy ấy. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050 đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, thân thiện với môi trường. Song, đến thời điểm hiện nay, vấn đề quy hoạch và phát triển công viên cây xanh trong đô thị vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.


Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay công tác quản lý cây xanh nhiều nơi vẫn còn lỏng lẻo, một mặt ngân sách hạn chế, mặt khác chưa có các ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển cây xanh. Mặc dù các văn bản pháp luật quy định về quản lý cây xanh đã có nhưng khi thực hiện còn nhiều bất cập. Những hành vi xâm hại, bức tử, chặt hạ cây xanh chưa có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hữu hiệu. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, phương pháp tuyên truyền giáo dục người dân có ý thức bảo vệ cây xanh chưa đổi mới.


Theo Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong các năm gần đây diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã từng bước tăng dần lên; như: Huế 18m2/người, Vinh 10,5m2/người, TP.Vũng Tàu 10m2/người, Hà Nội 5,52m2/người, Nam Định 5,39m2/người, Hải Phòng 3,09m2/người, TP.Hồ Chí Minh 2,4m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người. 

Đến nay, đã có 45 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý cây xanh, phân công, phân cấp quản lý cây xanh trên địa bàn. Riêng TP.Vũng Tàu hiện nay đang duy trì bảo vệ, chăm sóc 36.344 cây xanh. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu, TP.Vũng Tàu đang phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt từ 12m2 – 12,5m2/người


Cụ thể hóa tiêu chí “xanh”


Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho rằng, các nhà khoa học, quản lý đô thị phải đưa ra quy hoạch về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cây trồng, kỹ thuật, chăm sóc. Đẩy mạnh sự giám sát của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh; đào tạo nhân lực có kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị. Còn theo ông Nguyễn Hồng Tiến, cần có các giải pháp mang tính đồng bộ từ quy hoạch mà trong đó xác định cụ thể đất dành cho cây xanh; đề xuất xây dựng công trình gắn với bảo vệ cây xanh hiện hữu; quản lý chặt chẽ đất dành cho cây xanh; xây dựng và cụ thể hóa các tiêu chí “xanh” trong đánh giá, xếp loại đô thị. Thậm chí, phải có quy định rõ loại cây nào khuyến khích trồng và loại cây cấm trồng ở đô thị, bổ sung các quy định có liên quan đến bảo vệ cây xanh.


PGS. TS Đỗ Tú Lan, Trưởng Ban khoa học kỹ thuật Hiệp Hội cây xanh Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần có những quy định mang tính liên ngành để chế tài cụ thể về việc quản lý cây xanh đô thị, đặc biệt là đối với dự án xây dựng và cải tạo có ảnh hưởng đến cây xanh đô thị. “Phải coi cây xanh là một thực thể đáng quý của đô thị, được quy hoạch rất cẩn trọng và không được tùy tiện di dời hay chặt hạ. Đối với bất kỳ dự án đầu tư nào có ảnh hưởng đến cây xanh đô thị cũng phải lập kế hoạch ngay từ khi thiết kế dự án. Phải có sự tham gia của cộng đồng đối với quy hoạch và dự án phát triển đô thị có ảnh hưởng đến hiện trạng cây xanh đô thị” - PGS.TS Đỗ Tú Lan nói.


Theo ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu, Nhà nước nên chủ động tìm kiếm, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư các dự án phát triển cây xanh đô thị để bảo vệ môi trường, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, khuyến khích và huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia vào phát triển hệ thống cây xanh. “Theo tôi, việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị là tiền đề thuận lợi để nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ cây xanh, bảo vệ thiên nhiên gắn liền với bảo vệ môi trường sống của cộng đồng dân cư”, ông Tài nhấn  mạnh.


Bài, ảnh: TRIỆU VỸ (nguồn: baobariavungtau.com.vn)


Thành phố Vũng Tàu luôn có chủ trương và chính sách phát triển mảng xanh đô thị


ÔNG PHAN HÒA BÌNH, CHỦ TỊCH UBND TP.VŨNG TÀU:

Vũng Tàu đẹp hơn nhờ hệ thống cây xanh, công viên biển

Xác định được vai trò của cây xanh trong phát triển đô thị, mấy năm gần đây TP.Vũng Tàu quan tâm quy hoạch và phát triển cây xanh ở công viên, các đường phố chính, giải phân cách và các nút giao thông, cửa ngõ. Qua đó, tạo diện mạo và bộ mặt đô thị khang trang cho thành phố. Tôi cho rằng, Vũng Tàu đẹp hơn, duyên dáng hơn nhờ hệ thống cây xanh và công viên biển. TP.Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển cây xanh đô thị bằng cách tận dụng và phát huy các điều kiện sẵn có của cộng đồng xã hội, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị.


Link gốc: http://baria-vungtau.gov.vn/sphere/baria/vungtau/page/print.cpx?uuid=5b9091e05256891b87b7c189