VOV.VN - Các đơn vị lữ hành, chuyên gia du lịch cho rằng, những năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất “chịu khó” tổ chức sự kiện để tạo cú hích cho du lịch. Thế nhưng, do chưa có chiến lược, tầm nhìn lâu dài mang tính đặc thù… nên nhiều sự kiện, lễ hội chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng.
Chưa tạo ra điểm nhấn
Từ năm 2006, lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Festival biển. Đây là hoạt động khởi động cho tư duy dùng sự kiện, lễ hội quảng bá, thu hút khách du lịch. Đi liền với hoạt động này là Lễ hội bắn súng thần công, thời điểm đó chỉ ở Bà Rịa – Vũng Tàu mới có những hình ảnh tái hiện các khẩu thần công bắn ra phía biển. Tương tự là Lễ hội ẩm thực thế giới diễn ra năm 2010; Festival diều quốc tế Vũng Tàu được duy trì từ 2009 đến 2016.
|
Giải đua thuyền buồm ở Vũng Tàu Marina được chuyển về sông Hàn, Đà Nẵng. |
Không thể phủ nhận hiệu ứng tạo ra từ các sự kiện trên, tên tuổi các khu du lịch biển, hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi… được quảng bá. Thế nhưng, ngoài việc chỉ diễn ra 1 lần, có sự kiện thường niên như Liên hoan diều quốc tế thu hút hàng trăm nghệ nhân đến từ các quốc gia có thế mạnh về hoạt động thả diều nghệ thuật như: Mỹ, Pháp, Đức, New Zealand, Canada, Ấn Độ, Đài Loan... thì năm 2017 cũng phải “dừng bước” vì thiếu kinh phí. Dù được kỳ vọng làm điểm nhấn du lịch trong năm, song Festival biển 2018 cũng không mang đến hiệu ứng như mong muốn, chưa tạo được sự khác biệt.
Những đơn vị làm du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu lo ngại, địa phương này đang dần mất đi nhiều giá trị du lịch mang tính đặc trưng. Sự quan ngại trên là có cơ sở khi mới đây UBND TP. Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Vũng Tàu – Marina (TP. Vũng Tàu) để bàn việc đưa giải thuyền buồm về với sông Hàn. Đây là giải thường niên của ngành văn hóa - thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được bắt đầu từ năm 2016. Lãnh đạo Đà Nẵng khẳng định, sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ tối đa và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch bằng thuyền buồm 2 thân Catamaran trên sông Hàn trong thời gian tới. Trước mắt, vào tháng 6, TP. Đà Nẵng sẽ cùng doanh nghiệp tổ chức giải đua thuyền buồm trên sông Hàn.
|
Du khách tham quan trận địa pháo cổ ở Vũng Tàu. Ảnh: CTV Hà Thành |
Tầm nhìn chiến lược còn hạn chế
Các lễ hội ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhưng không được duy trì được là do tầm nhìn chiến lược phát triển du lịch còn hạn chế. Theo Hiệp hội Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, ít có tỉnh, thành nào đạt được con số 14-15 triệu khách/năm như địa phương này, là lợi thế rất lớn nhưng vẫn chưa được khai thác tối đa tiềm năng để thúc đẩy du lịch phát triển.
Ông Võ Thế Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm của Đà Nẵng trong quản lý vĩ mô của địa phương này về phát triển du lịch. Cụ thể là việc khai thác đúng các thế mạnh, các điểm nhấn, các dịch vụ đặc sắc, phát huy tốt tài nguyên du lịch tại địa phương… 10 năm qua du lịch Đà Nẵng đã bật lên rất nhanh. Trong đó, Lễ hội pháo hoa trên sông Hàn là sản phẩm đặc trưng của TP Đà Nẵng, thu hút hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế. Ninh Bình cũng vậy, nếu cách đây 10 năm du lịch địa phương này chưa được biết đến, thì hiện nay ngành du lịch tỉnh này đã nằm trong top đầu về thu hút du khách.
Theo ông Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn toàn làm được, thậm chí còn tốt hơn các địa phương khác, nhưng phần lớn các hoạt động, sự kiện được tổ chức hiện nay chỉ dừng lại ở quy mô doanh nghiệp, họ tự bơi, tự đưa ra những sản phẩm mang tính điểm nhấn…, còn quy hoạch cho du lịch của địa phương thì hầu như chưa có.
|
Để tạo nét mới cho ngành du lịch, lần đầu tiên TP. Vũng Tàu tổ chức Tuần lễ món ngon phố biển. |
Còn theo ông Hoàng Ngọc Linh, Giám đốc khách sạn Green ở TP. Vũng Tàu, xu hướng hiện nay nhiều du khách mong muốn tiếp cận những sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, mới lạ… Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có những sản phẩm lạ và độc đáo. Tuy nhiên, Lễ hội bắn súng thần công là sản phẩm du lịch duy nhất chỉ có ở Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ tổ chức được 1 lần xong mang súng đi cất. Lễ hội diều quốc tế cũng vậy, thu hút nhiều nghệ nhân đến từ các quốc gia, cũng chỉ diễn ra vài lần rồi "mất hút".
Theo ông Linh, Bà Rịa – Vũng Tàu không thiếu các lễ hội nhưng các lễ hội chưa đủ sức nâng tầm cũng như chưa tạo sự tò mò cho du khách: "Mình có câu chuyện nhưng mình chưa biết viết câu chuyện đó thật hay, còn sơ sài. Phải đưa câu chuyện lên một tầm mới, có sự đầu tư. Ví dụ, Bà Rịa – Vũng Tàu có biển thì làm Fetival biển, nhưng tính toán làm sao không trùng với thời điểm diễn ra sự kiện tương tự ở TP. Nha Trang, và phải làm để tạo tiếng vang, gây sự tò mò. Khi làm các sự kiện thì nên chọn những đơn vị xứng tầm, đã làm thì làm đến nơi đến chốn".
Có thể thấy, du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đang có sự tụt hậu so với một số tỉnh, thành cả nước. Do vậy, ngay từ bây giờ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần chủ động nâng tầm các lễ hội, liên hoan để thu hút sự quan tâm của công chúng. Bên cạnh đó, cần có những điểm nhấn về du lịch, cùng với việc đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới thật sự hấp dẫn. Có như vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu mới lấy lại hình ảnh đẹp của ngành du dịch đang dần bị mai một trong thời gian qua./.