[Người Lao Động] Đứt cáp trò chơi siêu nhún trên Hồ Mây Vũng Tàu, 1 du khách nhập viện

 
04-08-2017 - 05:46 PM  
(NLĐO) - Du khách bị té đập đầu và người xuống sàn xi măng do dây cáp bị đứt lúc đang chơi trò chơi siêu nhún ở Khu du lịch Hồ Mây (TP Vũng Tàu)
Khoảng 11 giờ ngày 4-8, tại khu vực trò chơi siêu nhún, thuộc khu du lịch Hồ Mây (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), du khách T.T.Th từ TP HCM đã tai nạn.

Đoàn của chị Th. tham gia trò chơi siêu nhún và được nhân viên của Hồ Mây hướng dẫn cách chơi cũng như mang dụng cụ bảo hộ. Tuy nhiên, khi chơi được một lúc thì bất ngờ sợi dây cáp nối với cột chống của trò chơi bị đứt khiến chị Th. bị văng ra ngoài. 

Toàn bộ cơ thể và đầu của chị Th. bị đập xuống sàn xi măng khiến chị bất tỉnh.

Sau đó, nhân viên Hồ Mây đã tháo dây và đồ bảo hộ trên người chị Th, rồi chuyển chị ra ghế đá thì chị Th. tỉnh lại. Nhưng do đau phần hông và cổ nên chị Th. không tự đi lại được.

Phía Hồ Mây đã gọi nhân viên y tế của Khu du lịch, sử dụng cáng để chuyển chị Th. xuống đưa tới Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) cấp cứu. Sau đó, chị Th. đã đề nghị được chuyển lên TP HCM để tiếp tục theo dõi. 

Trò chơi siêu nhún là dạng trò chơi mà du khách sử dụng đồ bảo hộ, hệ thống dây cáp đứng lên tấm nhún. Dây cáp sẽ kéo người chơi nhảy lên xuống trên tấm nhún.

Trò chơi siêu nhún trên khu du lịch Hồ Mây, TP Vũng Tàu
Tại hiện trường cho thấy một trong các sợi cáp chính đã bị đứt. Nhân viên kỹ thuật của Hồ Mây cũng đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra cáp của trò chơi.

Nạn nhân được chuyển tới bệnh viện cấp cứu
Đây không phải là lần đầu tiên tại Khu du lịch Hồ Mây xảy ra sự cố. Vào tháng 6-2017, TAND TP Vũng Tàu đã xét xử và buộc phía Hồ Mây phải bồi thường cho một du khách số tiền 81 triệu đồng.

Vụ việc xảy ra vào ngày 22-8-2015, anh Luân cùng một nhóm bạn từ TP HCM xuống Hồ Mây chơi. Chiều cùng ngày, khi anh Phạm Minh Luân tham gia chơi trò chơi đua xe thể thao F1 đến vòng thứ ba thì xe va vào con lươn làm vùng bụng anh đập vào vô lăng, anh Luân đứt ruột phải nhập viện điều trị. Sau vụ việc, anh Luân yêu cầu phía Hồ Mây phải bồi thường thiệt hại với số tiền 363 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty này chỉ đồng ý hỗ trợ nên anh Luân khởi kiện ra tòa.

Tin, ảnh: Ngọc Giang

[Sài Gòn Giải Phóng] Bà Rịa - Vũng Tàu: Yêu cầu công ty cáp treo không san gạt mặt bằng trên núi Lớn

 
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản yêu cầu Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu (công ty cáp treo) không được thực hiện việc đào đắp, san gạt mặt bằng để thực hiện dự án Hồ Mây Park tại núi Lớn (TP Vũng Tàu) khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Hồ Mây Park đang cho bạt đỉnh núi Lớn Vũng Tàu phục vụ xây biệt thự khi chưa có giấy phép xây dựng
UBND TP Vũng Tàu cũng đã ra quyết định xử phạt công ty cáp treo vì đã tổ chức thi công công trình biệt thự mẫu 2 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 334 m2 không có giấy phép xây dựng; trong 60 ngày công ty không có giấy phép xây dựng sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Riêng đối với dự án lấn biển làm thủy cung do công ty cáp treo làm chủ đầu tư, Sở TN-MT cho biết đang phối hợp với Thanh tra Nhà nước tỉnh rà soát lại dự án để báo cáo UBND tỉnh và Tỉnh ủy cho ý kiến.

NÔNG NGÂN

Vũng Tàu cần môi trường sạch và trong lành, một cách kinh doanh chân thật, không chặt chém du khách

Tôi sinh ra lớn lên ở Vũng TàuNơi đây là quê hương, là những gì gần gũi thân quen nhất.
Toàn cảnh thành phố biển Vũng Tàu
Với tôi, mỗi ngày tắm và bơi lội trong dòng nước biển là niềm vui, là hạnh phúc..
Niềm hạnh phúc đó không chỉ dành cho tôi, mà còn dành cho gia đình, người thân, bạn bè và bao nhiêu người dân sinh sống ở Vũng Tàu. Biển và Núi như một phần tất yếu của cuộc sống mà thiên nhiên mang lại cho người dân Vũng Tàu. Đó là niềm tự hào của mọi người khi nói về quê hương mình... một nơi quá được ưu ái sống giữa rừng vàng biển bạc... Một nơi có được kho thuốc quý từ thiên nhiên ban tặng cho người dân Vũng Tàu. Lá phổi xanh từ hai ngọn núi Lớn, núi Nhỏ. . Một kho thuốc quý từ biển đã giúp bao nhiêu con người được khoẻ mạnh, không còn đau nhức, vượt qua được bệnh tật “đột quỵ, đau khớp"...

Tôi vẫn dõi theo thông tin xâm lấn biển để xây thuỷ cung và khách sạn hơn hai mươi tầng. Vũng Tàu thật sự không cần xây thêm khách sạn, vì khách sạn ở Vũng Tàu quá nhiều, quá dư đến những khách sạn còn không có khách lưu trú.

Vũng Tàu cần là MÔI TRƯỜNG
Một môi trường sạch và trong lành.
Không rác, không khói...
Một cách kinh doanh chân thật, không chặt chém du khách...

Thì tự khắc Vũng Tàu sẽ được du khách tìm đến. Còn đầu tư nhiều, phá hoại môi trường, khách chỉ đến vì tò mò, vì khám phá, rồi họ cũng chán, cũng như e ngại vì sự đắt đỏ (vé lên cáp treo gần 400 ngàn)... Tự hỏi có bao nhiêu người lên đó mỗi tuần, chứ đừng nói mỗi ngày. Thì thuỷ cung nếu xây xong cũng chung số phận với Hồ Mây. Vậy xây làm gì để lấn biển, che cảnh quan, che tầm nhìn của mọi người. Tổn hại môi trường sinh thái biển, tạo những dòng cản nguy hiểm cho những người tắm ở bãi Trước. Khu du lịch Hồ Mây có chịu trách nhiệm nổi cho mấy ngàn sinh mạng mỗi ngày ở biển bãi Trước không? Có chịu trách nhiệm những biển đổi khi khách sạn mấy chục tầng xây lên che mất tầm gió của bao nhiêu ngôi nhà ở Vũng Tàu không? Và những chất thải từ Thuỷ Cung, từ khách sạn thải ra đâu... và chắc chắn ghánh chịu chính là môi trường, chính là người dân Vũng Tàu.

Vì một cái lợi nhỏ,
Mà ảnh hưởng môi trường
Ảnh hưởng tập thể lớn
Ảnh hưởng sức khoẻ của bao con người...

Tôi nghĩ mọi người nếu yêu Vũng Tàu. Không chỉ nói, mà hãy làm gì đó thật tế hơn để bảo vệ một môi trường, bảo vệ con người ở Vũng Tàu.

Theo chia sẻ từ facebook Trang Thị Ngọc Mỹ

'Biển của ta' trên mạng xã hội

Lời giới thiệu từ anh Thế Hưng: Trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đăng trên Tạp chí Người Làm báo, nhân sự kiện truyền thông mạng xã hội tham gia mạnh mẽ phản đối hoạt động lấp biển bãi Trước và san gạt núi Lớn, Vũng Tàu. Theo nhà báo Phạm Quốc Toàn, mạng xã hội và báo chí đã có những đóng góp tích cực, xây dựng. Về mặt tích cực này của mạng xã hội, không thể không ghi nhận...
Cảnh biển Bãi Trước của Vũng Tàu

“BIỂN CỦA TA” TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ, tạo ra sự biến đổi truyền thông xã hội sâu sắc. Mạng xã hội ra đời, so với lịch sử phát triển truyền thông chỉ là “đoạn đường ngắn”, nhưng đã phát triển với tốc độ chóng mặt, làm đảo lộn nhiều quan niệm, phương thức hoạt động, ngay trong giới báo chí - truyền thông, làm cho Luật Báo chí trở nên “chiếc áo chật hẹp” đã được sửa đổi, Luật An ninh mạng theo đó đã ra đời, tham gia điều chỉnh mạng xã hội. Mọi thành viên trong xã hội, từ Thủ tướng đến công dân bình thường đều sống chung với mạng xã hội. Trong một cơ quan báo chí, từ Tổng biên tập đến phóng viên, biên tập viên, nhân viên hành chính bình thường sống chung với mạng xã hội và tìm tòi các phương thức ứng xử thích hợp. Thực tế hiển nhiên này, đối với đời sống xã hội đương đại, không thể khác, không ai có thể phủ nhận.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay, ai cũng có thể “hòa quyện” vào thế giới thông tin mạng xã hội. Và hơn thế, ai cũng có thể trở thành phóng viên, biên tập viên đưa tin luận bàn sự kiện; trở thành một chủ thể, mắt xích, cấu trúc, một thành viên của mạng xã hội. Người ta ví von, coi mạng xã hội như một cái chợ trời khổng lồ - hổ lốn trong đó các loại thông tin và đương nhiên có sự luận bàn, sự tương tác trong tổng thể rộng lớn, hay trong từng “Group” chia sẻ, kết nối. Chuyện trên trên dưới biển; trong nước, ngoài nước; chuyện chính trường, đảng phái; anh em, dòng họ, tình yêu gia đình, bếp núc, buồng the; cả chuyện làm ăn, kinh doanh, quảng cáo … hẩm bà lằng dưới mọi lăng kính tùy hứng, không thiếu bất cứ thứ gì.

Một trong những đặc trưng của mạng xã hội, là sự đan xen hai mặt tốt và xấu, trung thực và bịa đặt, xuyên tạc, thậm chí vu khống, bôi nhọ lẫn nhau. Kẻ tung người hứng, vì một động cơ hay sắc thái tình cảm nào đó, nhìn người nhìn việc phiến diện, người ta dễ dàng mạt sát nhau, ném đá nhau, đánh hội đồng không thương tiếc. Cứ nhìn vào tấm gương phản chiếu đó, quả là văn hóa xã hội đang xuống cấp. Giám đốc điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore đưa ra kết luận: “Từ học đường đến mạng xã hội đang là cái vòi bạch tuộc khủng khiếp; Ngày nay, không gian lớp học kết hợp với thế giới bên ngoài cũng đồng nghĩa với giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học. Và tin đồn, tin giả, bịa đặt, xúc xiểm, miệt thị, xúc phạm, bắt nạt học đường cũng không dừng lại ở đó”. Thực tế xã hội ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, không ít học sinh đã rơi xuống hố sâu vì mạng xã hội, không còn gượng nổi, thậm chí do bế tắc nạn nhân đã phải chọn con đường quyên sinh. Người ta không quá lời khi nhận xét: “Cộng đồng mạng đang giết từng người một, người mà họ không hề quen biết. Bàn phím là những con dao, những lời nói được phóng ra lao thẳng vào đối tượng trước mặt, nhưng họ lại lầm tưởng rằng làm như vậy là thẳng thắn, là cá tính”. Văn hóa học đường, sự yên bình nơi trường lớp, sự trong trắng, giàu hoài bão và khát khao hướng tới cái đẹp của tuổi thơ đang đứng trước nhiều thách thức. Bài toán đặt ra là làm cách nào, bằng giải pháp hữu hiệu gì đây để có thể quản lý, hạn chế mặt xấu, mặt tiêu cực của mạng xã hội?
***
Mạng xã hội có không ít thông tin tốt, thông tin hay, trung thực. Có một sự thật là, trong không ít sự kiện, nhờ mạng xã hội mà phát hiện ra sự khó khăn, thiếu thốn nơi này, nơi kia, những hoàn cảnh khó khăn, cần sự cưu mang, trợ giúp của cộng đồng. Qua mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện ra tiêu cực, tham nhũng, sự lãng phí, suy đồi đạo đức xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, lạm dụng xe công, tai nạn giao thông. Mạng xã hội trợ giúp khá hiệu quả việc tìm người thân, bạn bè, tình xưa … Người sử dụng mạng xã hội cần khai thác nó, đãi cát tìm vàng, lựa chọn những thông tin trung thực để “nạp” thông tin hay cho mình. Đặc biệt, đối với người làm báo, việc sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin, khá hữu ích. Thực tế cho thấy, trong các mùa Giải báo chí quốc gia, một số tác phẩm báo chí giành giải cao, đề tài bài viết lại do tác giả khai thác từ sự khởi nguồn của mạng xã hội. Tác phẩm “Bạo lực trẻ mầm non” xẩy ra tại Đồng Nai (Đài PT-TH Đồng Nai); “Cây cầu Hạnh Phúc” tại vùng cao tỉnh Lai Châu (Báo Tuổi Trẻ Tp. HCM) … là những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt giải A, khởi nguồn từ sự phát hiện thông tin trên mạng xã hội.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một ngày đẹp trời, nhà đầu tư nọ ào ạt cho lấp biển xây dựng dự án Thủy Cung, kèm tổ hợp khách sạn 5 sao 23 tầng (!). Từng đoàn xe tải rầm rộ tập kết đất đá lấp biển Bãi Trước, mặt tiền danh thắng Bạch Dinh - bãi biển danh tiếng có hòn Ngưu - hòn Rù Rì, nơi đã có biết bao mối tình của trai tài gái sắc bén rễ. Mạng xã hội vào cuộc, theo đó xuất hiện “Group Facebook”: Vũng Tàu, thành phố tôi yêu. Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận, trong đó có mạng xã hội và của một số cơ quan báo chí chính thống, giữa tháng 10.2019, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã “lệnh” tạm ngưng lấp biển, tạm dừng dự án Thủy Cung. Sau đó, tỉnh đã có văn bản dừng việc xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp 23 tầng, án ngữ khu di tích Bạch Dinh và mặt tiền biển Bãi Trước.

Những vấn đề báo chí và mạng xã hội nêu về sự “vi phạm” của nhà đầu tư, yêu cầu các cơ quan quản lý xem xét làm rõ, để có giải pháp xử lý. Từ đó, tỉnh BR-VT sẽ có chỉ đạo tiếp theo về Dự án Thủy Cung - Bãi Trước, Tp. Vũng Tàu.

Mạng xã hội cũng đã không ít thông tin, bàn luận về các dự án không phép, dự án tàn phá môi trường, môi sinh biển ở Đà nẵng, Nha Trang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn … Biển của ta - rừng vàng biển bạc! Mạng xã hội và báo chí đã có những đóng góp tích cực, xây dựng. Về mặt tích cực này của mạng xã hội, không thể không ghi nhận.
***
Mạng xã hội là thông tin mang tính toàn cầu, không biên giới. Tuy nhiên, mạng xã hội vẫn hoạt động trong một lãnh thổ quốc gia, quốc gia đó không thể không quản lý mạng xã hội. Một Nhà nước pháp quyền, mọi hành vi trong xã hội, bao gồm cả thông tin mạng đều phải được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, phù hợp với lợi ích - an ninh quốc gia. Chấp hành các điều Luật, xử lý nghiêm mình người sai phạm là một chuyện, điều quan trọng hơn chính là xây dựng “văn hóa mạng xã hội”. Sau Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua ngày 12.6.2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Cái dở, cái không hay, sự độc hại của mạng xã hội thì ngăn chặn, xử lý - không cho nó lây lan. Cái hay, cái tốt của mạng xã hội thì khai thác, phát huy. Đó là hai mặt biện chứng mà nhà quản lý và người sử dụng mạng xã hội cần chủ động, tỉnh táo, có cách ứng xử đúng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ việc tổ chức thực thi nghiêm túc Luật An ninh mạng, coi đây là giải pháp hữu hiệu phòng tránh các biểu hiện tiêu cực trong sử dụng mạng, thúc đẩy yếu tố hữu ích, tích cực của mạng xã hội. Cùng với việc thực thi pháp luật, điều quan trọng tiếp theo chính là văn hóa ứng xử, trách nhiệm xã hội và nghiã vụ công dân, khi tham gia mạng xã hội. Hãy nói không với “vô học” trên mạng xã hội. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính mình và gia đình mình. Bản lĩnh và tỉnh táo để khai thác mặt tốt, tính ưu việt của mạng xã hội. Bản lĩnh và tỉnh táo để tránh, không a dua, không bị dẫn dắt bởi mặt xấu, độc hại, sự bịa đặt, xuyên tạc ác ý của mạng xã hội.

Xin trích dẫn tâm sự, chia sẻ của một cư dân mạng, diễn viên người mẫu Bùi Thái Bảo Châu - cũng là nạn nhân của mạng xã hội, để kết thúc bài viết ngắn này: “Tôi mong muốn tất cả mọi người đặt mình vào vị trí của người khác, hãy quan tâm cảm xúc của người khác, bởi ngay cả những lời nói, bình luận trên mạng mà bạn nghĩ rằng vô hại, cũng có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết của một ai đó. Lời nói tiêu cực có tính sát thương mạnh hơn bạn tưởng”…

Nhà báo Phạm Quốc Toàn
(Tạp chí Người Làm Báo, Hội Nhà báo Việt Nam, 11-2019)

'Làm cái chuyện bao đồng' khi phản đối san biển bãi trước xây thủy cung, khách sạn 23 tầng và bạt núi Lớn xây biệt thự không phép

Tôi cùng nhiều anh chị em có tình yêu với Vũng Tàu lập ra group facebook Vũng Tàu Thành phố tôi yêu & web www.VungTauThanhPhoToiYeu.com, để lên tiếng phản đối việc san biển bãi Trước Vũng Tàu xây thủy cung & khách sạn 23 tầng, bạt núi Lớn Vũng Tàu chưa có phép để xây biệt thự & phá hủy di tích quốc gia trên đỉnh núi.
Tôi tin rằng 99,9% người yêu Vũng Tàu đều phản đối việc làm này với vị trí bãi Trước & núi Lớn, vì tác động của nó rất tệ với mọi góc nhìn, còn 0,01% còn lại có lẽ là phía ủng hộ chủ đầu tư là công ty Cáp treo Vũng Tàu. Dư luận mạnh đến mức UBND tỉnh BRVT có công văn hỏa tốc cho tạm ngưng ngay dự án để xem xét lại.
Chủ tịch BNI Vũng Tàu lên tiếng về việc làm bao đồng của tôi và cộng đồng người yêu Vũng Tàu tranh luận với chủ tịch
Khi tôi làm như vậy thì có vài lời góp ý, ví dụ "Sao anh không tập trung lo công việc của mình mà lo chuyện bao đồng vậy ta?" (ảnh trên), chắc là lo tôi sao nhãng công việc, cũng là ý tốt vậy. Nên nay tôi có mấy điều:

- Thứ nhất, tôi báo cho vị chủ tịch một tổ chức doanh nhân uy tín ở Vũng Tàu đã góp ý (ảnh) là: doanh số, số lượng khách hàng, mạng lưới đại lý...của Dân Trí Soft đang tăng trưởng rất tốt. Và tuyệt vời hơn là khi tôi làm việc tử tế, được lòng cộng đồng, được giới doanh chủ yêu thương nên đơn hàng làm phần mềm tính tiền ngày càng tăng, mà tôi không tốn thêm nhiều tiền làm quảng bá, vì việc làm tử tế là kênh quảng bá số 1 ở thời đại ngày nay rồi. Tôi lại càng có nhiều tiền để làm điều tử tế.

- Thứ hai, hãy an tâm là tôi cũng như anh em ở Dân Trí Soft luôn tập trung cao độ. Vụ phản đối này là tôi dành một phần thời gian mà trước đây gọi là giao lưu mở rộng mối quan hệ, đi từ chapter này đến chapter khác ấy, thì nay tôi tập trung hơn về chất lượng networking nên thời gian tiết kiệm được có thể dùng để làm cái gì đó có ích & thiết thực hơn với cộng đồng, tôi tận dụng thời gian tiết kiệm được.
Có một vài doanh nhân nhắc nhở tôi
- Thứ ba, tôi làm gì cũng rất nhanh, nhanh là bởi hệ thống nội bộ tôi đã xây dựng hơn 10 năm & liên tục cải tiến, luôn được đầu tư hiệu suất hơn, nên tôi chỉ cần lấy ra đúng cái cần và hành động ngay. Về cái group và cái web để phản đối dự án san biển, bạt rừng ấy, tôi chỉ cần 5 giờ để làm xong nền tảng, còn content thì cộng đồng, báo chí đã có đầy đủ rồi.

- Thứ tư, thiết nghĩ làm con người dù ở vị trí nào, dù giàu nghèo, có địa vị hay chỉ phó thường dân như tôi thì cái giá trị sống là quan trọng, tôi chọn "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", nên thấy điều bất bình, thấy sai mà chỉ im lặng không dám giãi bày, thấy sai nhưng chỉ biết lo cái lợi bản thân mà ngó lơ thì tôi không làm được. Vì ta từ cát bụi mà hình thành và cũng sẽ trở về cát bụi mà thôi, cái mà ta còn để lại dấu ấn trên trần gian này là những giá trị tốt đẹp ta để lại cho đời, tôi thần tượng Bill Gate về những việc giá trị ông làm ở Microsoft & việc ông làm từ thiện vô cùng hiệu quả, tôi cũng thích rửa chén như thần tượng của tôi lắm ::))

Đấy là mấy lời tôi chia sẻ. Và tôi luôn vững tin những người cùng hệ giá trị sống thì sẽ hút nhau, mến nhau, dù có chém nhau xứt đầu mẻ tráng thì cũng sẽ quay về như những người anh em, còn những người khác hệ thì mãi xa nhau, có đến với nhau cũng chỉ là sự giả tạo, tạm bợ.

www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 31/10/2019

[Chinhphu.vn] Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI tổ chức tại Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 23 đến 27/11/2019

 
(Chinhphu.vn) - Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập” sẽ được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ 23-27/11/2019.
Poster phim "100 ngày bên em"
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI do Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm tôn vinh các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo; vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật trong thời gian từ sau Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX năm 2017 đến Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI năm 2019.

Phải chăng group Vũng Tàu Thành Phố Tôi Yêu chỉ là group cải lương, cào bàn phím cho vui?

Đôi dòng chia sẻ về nhận định "Group Vũng Tàu Thành Phố Tôi Yêu chỉ là group cải lương, cào bàn phím cho vui và là những anh hùng cào bàn phím, vì nội quy cấm hành vi kích động bạo động, bạo lực".
Thông báo từ ban quản lý group về nghiêm cấm hành vi comment biểu tình
- Chắc ai cũng biết có những tác phẩm văn chương chỉ qua ngòi bút & ý tứ mà giúp thay đổi số phận con người, kể cả thay đổi giá trị lịch sử. Do đó những ý kiến & lời nói của group không chỉ cào bàn phím đâu đấy, chẳng hạn có nhiều bài viết của group đã lay động một tình yêu nồng nàng về quê hương Vũng Tàu, về con người Vũng Tàu..., có biết yêu thì mới biết gìn giữ.

- Bạo động, bạo lực thường chỉ là cách hành xử của những kẻ yếu, yếu về truyền thông, yếu về pháp lý, yếu về kiểm soát cảm xúc cá nhân. Bạo lực là tổn thất, là mất mát dù cho kết quả là thế nào. Thay vì làm theo cách đó, tại sao chúng ta không đấu tranh bằng tri thức, bằng lập luận "sống và làm việc theo pháp luật", bằng tình yêu thương.

- Group Vũng Tàu Thành Phố Tôi Yêu được ban quản trị lập ra vào ngày 18/10/2019, tức đến nay tròn 18 ngày tuổi, group phát triển thành viên lên con số 2.382, đã có 589 bài viết, 6.272 lượt bình luận & 43.615 cảm xúc, có hơn 1 triệu lượt đọc & ngày càng tăng (ảnh dưới). Những thông tin từ group đã được sàng lọc, đúng nội quy & hữu ích thiết thực nên là nơi cung cấp nguồn tin đáng tin cậy.
Số liệu thống kê hoạt động của group Vũng Tàu - Thành Phố Tôi Yêu
Thay mặt ban quản lý group


NỘI QUY THAM DỰ GROUP

Điều 1: Group dành cho bất kỳ ai có tình cảm yêu mến Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói chung.

Điều 2: Thành viên group không được phép kích động, xúi giục các hành động hướng đến sự bạo động, bạo lực & nghiêm cấm bạo lực vì bạo lực là tổn thất. Các hoạt động giao lưu giữa các thành viên mà không nằm trong sự kiện chính thức của group tổ chức đều không được phép mang danh nghĩa của group. Mỗi thành viên phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi phát ngôn và hành vi của mình trong group, kể cả các hoạt động hợp tác, giao dịch, quan hệ... với nhau.

Điều 3: Thành viên của group phải dùng nick thật, thể hiện thái độ thân thiện, chân tình, các chia sẻ, bình luận cần dùng ngôn từ lịch sự, tôn trọng nhau. Admin/MOD có quyền xóa những bình luận mà theo nhận định là không phù hợp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chung của group mà không cần thông báo hay giải thích lý do.

Điều 4: Group khuyến khích các bài viết, thông tin chia sẻ từ tấm chân tình về tình yêu Vũng Tàu. Group khuyến khích các thành viên đọc bài, like bài, bình luận và cảm ơn tác giả... để chứng tỏ mình còn hoạt động và tôn trọng công sức của người viết.

Điều 5: Admin/MOD toàn quyền quyết định việc kết nạp thành viên mới, sàng lọc và loại bỏ thành viên không phù hợp mà không cần báo trước hay giải thích lý do.

Điều 6: Group không chấp nhận và không duyệt bài của các thành viên quảng cáo “vô trật tự”, spam, không có giá trị. Group có quy hoạch để quảng cáo, cụ thể là khi viết bài, hay bình luận thành viên được ký tên, chức danh, công ty và link bài viết.

Điều 7: Nếu vì bất kỳ lý do nào không còn tham gia group bằng danh dự và lòng chính trực của bản thân, cam kết không bêu rếu, nói xấu hay bình phẩm bằng những lời không đẹp về group, hay bất kỳ Admin/MOD nào trong group.

Đây là cam kết bắt buộc, đồng thời là lời hứa danh dự của mọi thành viên tham dự vào group. Nếu ai không chấp nhận thì nên rời group, nếu đã chấp nhận thì cần tuân thủ các nguyên tắc này.

Ban quản trị group Vũng Tàu - Thành Phố Tôi Yêu

Trả lại bãi biển cho ngư dân và cộng đồng: xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh BRVT

 

Hàng trăm hộ dân huyện Xuyên Mộc rất vui mừng vì bãi biển rộng hơn 10ha vừa được chính quyền tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trả lại để làm khu neo đậu, bãi tắm công cộng và dịch vụ phục vụ cộng đồng.

Đôi dòng về dự án thủy cung Vũng Tàu

Vũng Tàu phải nói có vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Bên biển bên núi, hai ngọn núi lớn núi nhỏ là điểm nhấn quan trọng nhất của Vũng Tàu.
Vào mùa khô cây trụi lá, nhìn hai ngọn núi như bức tranh Thủy Mặc, được vẽ bởi những ngòi bút điêu luyện thủy mặc giữa cuộc đời, không thua kém gì những bức tranh phong cảnh được các họa sĩ vẽ nên.

[Báo BRVT - 2012] CÓ HAY KHÔNG NHỮNG SAI PHẠM TẠI DỰ ÁN CÁP TREO VŨNG TÀU? Bài 3: Nợ tiền Nhà nước 52,4 tỷ đồng

 
Thứ Năm, 26/04/2012, 07:08 [GMT+7]
Trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn, việc chủ đầu tư dự án cáp treo Vũng Tàu đã nỗ lực thực hiện dự án là một điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Dãy nhà cấp 4 mé biển (khu vực Bãi Trước) xây dựng không phép tại dự án cáp treo Vũng Tàu.
NỢ TIỀN THUÊ ĐẤT HƠN 4,4 TỶ ĐỒNG

Ngày 31-7-2003, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 7316/QĐ-UB về việc thu hồi 84.576,3m2 đất và 67.415,7m2 mặt nước tại khu vực Núi Lớn – Núi Nhỏ thuộc phường 1 và phường 6, TP.Vũng Tàu và cho Công ty CP du lịch cáp treo Vũng Tàu thuê toàn bộ diện tích đất và mặt nước trên để đầu tư xây dựng dự án Cáp treo Vũng Tàu.

Trên cơ sở quyết định này, ngày 17-11-2003, Chủ tịch UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty VCCT. Theo đó, chủ đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư đối với việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cáp treo Vũng Tàu. Cụ thể là được miễn nộp tiền thuê đất 6 năm kể từ khi ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích đất thuê để thực hiện dự án.

Ngày 25-11-2004, UBND tỉnh và Công ty CP du lịch cáp treo Vũng Tàu thỏa thuận ký hợp đồng thuê đất số 38/HĐTĐ, diện tích đất thuê là 62.109,7m2 để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng cáp treo Vũng Tàu. Theo khoản 3 điều 2 của hợp đồng này thì chủ đầu tư phải nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất. Vì vậy, sau khi trừ số tiền miễn giảm 6 năm khi thực hiện đầu tư xây dựng dự án, số tiền còn phải nộp đối với phần diện tích thuê 62.109,7m2 (theo tính toán của Chi cục thuế TP.Vũng Tàu) là hơn 3,7 tỷ đồng.

Tiếp theo đó, ngày 3-2-2009, UBND tỉnh và Công ty CP du lịch cáp treo Vũng Tàu thỏa thuận ký hợp đồng thuê đất số 04/HĐTĐ, diện tích đất thuê là 2.636m2 để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng cáp treo Vũng Tàu. Sau khi tính toán, số tiền thuê đất mà công ty còn phải nộp cho toàn bộ diện tích 2.636m2 là 2,7 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền phạt do chậm nộp tiền thuê đất).

Ngày 21-4-2010 và ngày 27-8-2010, Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu có thông báo số 986/TB-CCT và thông báo số 2864/TB-CCT gửi cho VCCT yêu cầu nộp tiền thuê đất kỳ 1 và kỳ 2 năm 2010. Ngày 27-10-2010, VCCT có công văn gửi Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu đề nghị được khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ và tiền thuê đất phải nộp theo khoản 1 Điều 15 Mục II chương 2 Nghị định 69/NĐ-CP (số tiền 454.363.128 đồng).

Ngày 24-11-2010, Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu có văn bản số 3881 gửi VCCT với nội dung: “Tiền đền bù nhà, vật kiến trúc không phải là tiền bồi thường, hỗ trợ đất nên không được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp”. Vì vậy, Chi cục Thuế TP. Vũng Tàu không đồng ý cho VCCT khấu trừ số tiền 454.363.128 đồng vào tiền thuê đất phải nộp. Trong tháng 3 và tháng 9-2011, Chi cục Thuế thành phố lại tiếp tục có thông báo yêu cầu VCCT tạm nộp tiền thuê đất nhưng đến thời điểm đoàn thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra, VCCT vẫn chưa nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích hơn 62.000m2 và 2.636m2 với số tiền gần 6,5 tỷ đồng mà báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã nêu trong bài “Những sai phạm tại dự án Cáp treo Vũng Tàu” ra ngày 28-3-2012.

Theo Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu, đến nay VCCT vẫn chưa nộp hơn 2,7 tỷ đồng tiền thuê lô đất diện tích 2.636m2 theo thông báo của bên thuế. Riêng phần diện tích hơn 62.000m2, ngày 20-2-2012 VCCT đã nộp số tiền 2 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, số tiền còn lại hơn 1,7 tỷ đồng chưa nộp. Do đó, tại buổi làm việc ngày 29-2-2012 giữa đại diện Chi cục thuế TP.Vũng Tàu và đại diện Công ty cáp treo Vũng Tàu, Đội Nghiệp vụ-Dự toán Chi cục thuế TP.Vũng Tàu đề nghị VCCT phải nộp ngay số tiền thuê đất còn nợ hơn 4,4 tỷ đồng (trong đó lô 2.636m2 hơn 2,7 tỷ đồng và lô 62.000m2 hơn 1,7 tỷ đồng) vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Tại buổi làm việc với phóng viên báo Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 17-4 vừa qua, phía công ty cho rằng VCCT không nộp tiền thuê đất đối với lô diện tích 2.636m2 vì công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xin không thực hiện hợp đồng thuê đất này, do đó VCCT không nộp tiền thuê đất. Còn về phần diện tích thuê lô đất hơn 62.000m2, ngày 15-2-2012, VCCT đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xin điều chỉnh một phần của hợp đồng thuê đất số 38 ngày 25-11-2004. Theo đó, đối với hơn 62.000m2 diện tích đất được thuê theo hợp đồng gồm: 54.576m2 thuộc Núi Lớn, và 7.533m2 thuộc Núi Nhỏ, VCCT đề nghị không thuê phần diện tích đất trên Núi Nhỏ (7.533m2). Do đó, VCCT yêu cầu Chi cục Thuế TP.Vũng Tàu tính toán lại tiền thuê đất cho công ty theo diện tích còn lại

VÀ HƠN 48 TỶ ĐỒNG TIỀN BỒI THƯỜNG ĐẤT CÔNG

Theo Quyết định số 5272/QĐ-UB ngày 30-7-2004 và Quyết định số 12503/QĐ-UB ngày 14-2-2001 của UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đền bù công trình cáp treo Vũng Tàu thì chủ đầu tư phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí đóng góp xây dựng khu tái định cư tổng cộng hơn 48 tỷ đồng.

Ngày 2-8-2004, chủ đầu tư có công văn số 254/CV.VCCT đề nghị xin chậm nộp kinh phí bồi thường (đợt 1). Sau đó, trên cơ sở kiến nghị của Sở Tài chính, UBND tỉnh đã chấp thuận cho chủ đầu tư được chậm nộp vào ngân sách khoản tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư với thời hạn chậm nộp là 5 năm, kể từ ngày ký quyết định phê duyệt.

Dù vậy, đến nay VCCT vẫn chưa nộp số tiền này. Theo Sở Tài chính, đã rất nhiều lần Sở có văn bản đề nghị VCCT phải nộp số tiền hơn 48 tỷ đồng nhưng VCCT viện dẫn rằng, theo khoản 2 Điều 7 và Điểm c khoản 5 Điều 10 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ thì chủ đầu tư không phải chi trả bồi thường tiền đất công thổ, do đó chủ đầu tư đề nghị được xem xét, hủy bỏ quyết định yêu cầu chi trả tiền đền bù đất công thổ, hoặc nếu chủ đầu tư vẫn phải chi trả số tiền này thì đề nghị Nhà nước cho phép chuyển quyền sử dụng đất từ hình thức thuê đất sang hình thức giao đất sử dụng lâu dài, ổn định.

Vấn đề này, ngày 11-3-2009, Sở Tài chính đã có công văn số 522/STC-QLGCS phúc đáp với nội dung không đồng ý với đề nghị của chủ đầu tư. Lý do, dự án này được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí bồi thường tại quyết định số 5272/QĐ-UB ngày 30-7-2004; Tại thời điểm phê duyệt, kinh phí bồi thường của dự án này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24-4-1998 của Chính phủ. Do đó, việc VCCT trích dẫn quy định của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ áp dụng cho dự án đã phê duyệt tại thời điểm 30-7-2004 (trước khi Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực) là không phù hợp trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Sở Tài chính đề nghị VCCT nộp số tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư vào ngân sách chậm nhất ngày 31-5-2009. Quá thời hạn nêu trên, Sở Tài chính sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét thu hồi lại phần diện tích đất tương ứng với khoản tiền chủ đầu tư không nộp. Tuy nhiên, cho đến nay VCCT vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính này.

Tại báo cáo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng thuộc dự án cụm du lịch Núi Lớn, Núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu ngày 5-3-2012 của Đoàn thanh tra tỉnh (đoàn thanh tra được thành lập theo quyết định thanh tra số 2387/QĐ-UBND ngày 25-10-2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh có các biện pháp xử lý như sau: Ban hành quyết định thu nợ số tiền 2,7 tỷ đồng do Công ty CP du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp số tiền thuê đất đối với diện tích 2.636m2 và số tiền hơn 48 tỷ đồng do VCCT không thực hiện việc bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước tỉnh; Giao Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục thuế TP.Vũng Tàu tính tiền phạt do chậm nộp tiền thuê đất đối với diện tích 2.636m2 và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm thu đúng, thu kịp thời số tiền thuê đất hơn 3,7 tỷ đồng của diện tích hơn 62.000m2 đối với Công ty CP Du lịch Cáp treo – Núi Lớn – Núi Nhỏ Vũng Tàu.

Điều tra của nhóm phóng viên KINH TẾ

[Báo BRVT - 2012] CÓ HAY KHÔNG NHỮNG SAI PHẠM TẠI DỰ ÁN CÁP TREO VŨNG TÀU? Bài 2: Nhiều công trình xây dựng không phép

 
Thứ Tư, 25/04/2012, 07:24 [GMT+7]
Trong thời gian triển khai dự án cáp treo, Công ty VCCT đã có nhiều vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, một số hạng mục không có giấy phép xây dựng. Các vi phạm này đều được các cơ quan chức năng kiến nghị lên UBND tỉnh xử lý. Thế nhưng, lãnh đạo VCCT không thừa nhận những sai phạm của mình và không chấp hành quyết định buộc tháo dỡ của các cấp có thẩm quyền.
Tượng phật Di lặc, một trong những hạng mục công trình xây dựng trái phép tại dự án cáp treo Vũng Tàu.
XÂY CỨ XÂY, KHÔNG CẦN XIN PHÉP

Dự án đầu tư xây dựng công trình cáp treo Núi Lớn-Núi Nhỏ, TP.Vũng Tàu nằm tại 2 địa bàn phường 1 và phường 6. Công trình này được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào ngày 28-12-1999 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào ngày 2-10-2000. Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm nên chủ đầu tư đã chia dự án ra nhiều giai đoạn đầu tư. Theo các cơ quan chức năng, đây chính là nguyên nhân gây khó khăn cho công tác kiểm tra về trật tự xây dựng đối với dự án.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án, chủ đầu tư đã có nhiều công trình xây dựng không phép, sai quy hoạch được duyệt. Điển hình như công trình Tượng phật Di Lặc thi công xây dựng tại khu du lịch Đồi Mây - Núi Lớn vào năm 2010. Trong quá trình thi công, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với đại diện các phòng, ban thuộc UBND TP.Vũng Tàu kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng thi công. Sau đó UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 11-11-2010, xử phạt VCCT 35 triệu đồng vì vi phạm trong trật tự xây dựng.

Còn tại Khu dịch vụ thể thao Bãi Trước, theo quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án đã được phê duyệt thì khu vực này có diện tích 30.000m2 gồm có các hạng mục công trình: Tòa thủy cung, câu lạc bộ bơi lặn, khu biểu diễn cá heo, khu nuôi dạy cá heo, bảo tàng sinh vật biển, cầu thuyền, tượng đài, bãi xe và giao thông nội bộ. Quy hoạch là vậy, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng các công trình nhà cấp 4 tại khu vực thuộc khu thủy cung Bãi Trước. Hiện tại, công trình đã hoàn thành việc xây tường bao, với tổng diện tích 368m2.

Theo ông Nguyễn Lập, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ngay khi phát hiện các công trình không phép mọc lên, Sở Xây dựng đã chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với cơ quan chức năng TP.Vũng Tàu kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công do không có giấy phép xây dựng. Ngày 23-11-2011, Thanh tra Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc họp để thống nhất biện pháp xử lý vi phạm đối với công trình này. Tại cuộc họp, đại diện các ban, ngành đã thống nhất việc xử lý và yêu cầu Công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu phải đình chỉ thi công và tự giác tháo dỡ toàn bộ hạng mục công trình vi phạm trước ngày 31-12-2011.

Ngày 23-12-2011, chủ đầu tư công trình cáp treo Vũng Tàu đã có văn bản số 155/CV.VCCT xin gia hạn tháo dỡ công trình để làm các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, làm cơ sở xin cấp phép xây dựng để “hợp thức hóa” các công trình đã xây không phép. Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND TP.Vũng Tàu và các cơ quan có liên quan lấy ý kiến việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dịch vụ thể thao. Tại cuộc họp này, đại diện các cơ quan tham dự cuộc họp cho rằng chủ đầu tư đã xây dựng các công trình này khi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Do đó, chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện các thủ tục xây dựng và nhận thức việc đầu tư xây dựng đã vi phạm các quy định của pháp luật. Về việc lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch, các đại biểu cùng thống nhất đề nghị điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tính chất quy hoạch, bảo đảm khoảng lùi đối với hệ thống kè của đường Trần Phú và đáp ứng được các yêu cầu về không gian, cảnh quan, không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của đường Trần Phú. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Sở Xây dựng, trong quá trình xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, những phần công trình đã xây dựng không phép mà không đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu để phê duyệt, thì chủ đầu tư vẫn phải nghiêm túc thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, đã 4 tháng trôi qua, hiện tại dãy nhà cấp 4 này vẫn còn trơ trơ khung sườn, che hết một đoạn bờ kè, gây mất mỹ quan khu vực Bãi Trước, khiến người dân mỗi khi có dịp đi ngang qua đây đều bức xúc.

VI PHẠM CÓ HỆ THỐNG?!

Ngoài 2 hạng mục công trình nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một số hạng mục công trình chủ đầu tư cũng “quên” không lập các thủ tục đầu tư xây dựng và xin cấp phép xây dựng. Sau khi bị xử phạt hành chính thì mới tiến hành lập các thủ tục xin cấp phép. Cụ thể như, tại khu nhà ga số 1, sau khi đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng đã được cấp giấy phép xây dựng gồm: Đê chắn sóng, kè lấn biển, kè bến du thuyền, san nền nhà ga số 1, chủ đầu tư dự án đã tiến hành xây dựng Nhà ga số 1. Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra hiện trạng xây dựng và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 14-8-2008 xử phạt việc xây dựng các hạng mục công trình Nhà ga số 1, số 2 và trụ cáp treo khi chưa đủ điều kiện khởi công công trình.

Tương tự Nhà ga số 1, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng hạng mục công trình Nhà ga số 2 khi chưa lập các thủ tục đầu tư xây dựng. Sở Xây dựng cũng đã tổ chức kiểm tra, ban hành quyết định xử phạt hành chính và đề nghị chủ đầu tư lập thủ tục xin cấp phép xây dựng theo quy định.

Quyết định đình chỉ thi công hạng mục Nhà ga số 1, số 2...
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị thì các công trình đã và đang đầu tư xây dựng không có giấy phép xây dựng, không phù hợp với vị trí quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều phải tự phá dỡ công trình vi phạm, nếu chủ đầu tư không chịu phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Quy định là vậy nhưng tại dự án cáp treo Vũng Tàu những hạng mục vi phạm đều có quy mô lớn, vì vậy, hiện nay các cơ quan chức năng đều đang chờ UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

Điều tra của Nhóm phóng viên KINH TẾ

Trước thực trạng VCCT đã xây dựng nhiều công trình không phép, trái phép, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri TP.Vũng Tàu đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.
Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa V (tháng 12-2011), đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng đã giải trình về vấn đề này, trong đó khẳng định: Công trình xây dựng Tượng phật Di Lặc thi công không có Giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm quy định của pháp luật. VCCT đã chấp hành nộp phạt với số tiền 35 triệu đồng tại Kho bạc nhà nước theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2950/QĐ - UBND ngày 11-11-2010; Công trình xây dựng nhà thể thao tại vị trí phía tây bắc đường dẫn ra Hòn Ngưu (số 1A Trần Phú, phường 1) cũng được xây dựng khi chưa có giấy phép. Vị trí xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt nên việc VCCT xin cấp phép xây dựng công trình tại vị trí này là không thể giải quyết được. Nếu chủ đầu tư công trình không chấp hành lệnh tháo dỡ sau 3 ngày thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

[Báo BRVT - 2012] CÓ HAY KHÔNG NHỮNG SAI PHẠM TẠI DỰ ÁN CÁP TREO VŨNG TÀU? Bài 1: Chủ dự án cáp treo Vũng Tàu nói gì?

 
Thứ Ba, 24/04/2012, 07:03 [GMT+7]
Có 2 vấn đề trong quá trình xây dựng dự án Cáp treo Vũng Tàu được tác giả nêu ra trong bài “Những sai phạm tại dự án Cáp treo Vũng Tàu” là: Xây dựng trái phép nhiều hạng mục công trình và không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tại công văn số 33/CV.VCCT gửi đến Báo Bà Rịa – Vũng Tàu và các cấp, các ngành có liên quan, lại cho rằng VCCT đã tuân thủ đúng.
Toàn cảnh khu du lịch Cáp treo Vũng Tàu.
Bài báo “Những sai phạm tại dự án Cáp treo Vũng Tàu” đã đưa thông tin nhiều công trình đầu tư tại dự án này được chủ đầu tư tiến hành xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng. Điển hình như các công trình: Câu lạc bộ du thuyền, Nhà hàng Hồ Mây; Nhà hàng Trung tâm; Nhà ga xe trượt; Dãy nhà cấp 4 thuộc khu thủy cung; Cụm công trình Nhà nghỉ Đồi Mây; Tượng phật Di Lặc và động Phật Tích; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Tại công văn số 33/CV.VCCT, Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu cho rằng, công trình xây dựng Câu lạc bộ du thuyền nằm trong tổng thể của công trình xây dựng nhà ga số 1 (hạng mục thứ 3, theo bảng chức năng sử dụng) đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 7487/Q Đ-UB ngày 28-12-1999 và giấy phép xây dựng tại văn bản số 61/GPXD ngày 12-9-2008.

Dãy nhà cấp 4 trong khu Du lịch thể thao biển xây dựng trái phép bị đình chỉ thi công từ tháng 11-2011, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa tháo dỡ.
Riêng đối với các hạng mục Nhà ga xe trượt và đường ray xe trượt; Cụm công trình Nhà nghỉ Đồi Mây; Tượng phật Di Lặc và động Phật Tích, theo các quy định hiện hành và các hồ sơ tư liệu, cho thấy chủ đầu tư đã tự ý xây dựng trên đất chưa có quyết định bàn giao và cho thuê của cấp có thẩm quyền. Về vấn đề này, VCCT cho rằng, đất xây dựng các công trình trên đã được Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc UBND TP. Vũng Tàu cùng UBND phường 1, phường 5, phường 6 và Công ty Lâm viên cây xanh Vũng Tàu bàn giao cho Công ty tại biên bản ký ngày 7-9-2006 và ngày 21-7-2006.

Bài báo cũng đã đề cập đến việc Công ty không chấp hành thủ tục pháp lý trong xây dựng như: Triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình không đúng quy hoạch chi tiết, không có trong nội dung đồ án quy hoạch được phê duyệt. Về phía Công ty thì cho rằng, công trình khu trượt dốc đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 691/QĐ-UB ngày 7-3-2005và công trình khu đền thờ được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 692/QĐ-UB ngày 7-3-2005. Còn công trình Tượng phật Di Lặc thì Công ty đã có văn bản số 78/CV.VCCCT.2009 ngày 11-11-2009 xin phép UBND tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho phép xây dựng.

Mặc dù đã có quyết định đình chỉ thi công nhưng vật liệu xây dựng vẫn được tập kết tại công trình.
Theo lý giải của Công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu, các hạng mục công trình xây dựng không phép đã được nêu ra trong bài báo “Những sai phạm tại dự án Cáp treo Vũng Tàu” thực chất là thuộc các công trình không đi qua đô thị, các công trình thuộc khu công nghiệp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng theo điểm b, c, Điều 19 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP.

Về vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước của Công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu, bài viết nêu rõ VCCT chưa nộp tiền thuê đất lên đến 6,5 tỷ đồng. Phía Công ty cho rằng công ty đã thực hiện một cách nghiêm túc trong việc nộp tiền thuê đất theo các hợp đồng thuê đất đã ký. Đến nay, Công ty đã chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và đóng vào ngân sách Nhà nước tiền thuê đất với tổng số tiền lên đến 7,4 tỷ đồng.

Trên đây là các nội dung phản hồi của Công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu sau khi báo BR-VT số ra ngày 28-3 đăng bài “Những sai phạm tại dự án Cáp treo Vũng Tàu”. Sự thật về vấn đề này như thế nào? Có hay không những sai phạm tại dự án cáp treo Vũng Tàu? Báo Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục đăng tải trong các số tiếp theo, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.

Điều tra của Nhóm phóng viên KINH TẾ

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 4912000022 do UBND tỉnh BR-VT cấp ngày 4-5-2007, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ TP. Vũng Tàu (gọi tắt là dự án Du lịch Cáp treo Vũng Tàu) gồm 10 dự án thành phần: Khu cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ; Khu du lịch mũi Nghinh Phong; Khu vui chơi Hải Đăng; Ô tô ray trên đỉnh Núi Nhỏ; Khu thể thao leo núi và dịch vụ Núi Lớn; Vườn thú tổng hợp Núi Lớn; Tổ hợp khách sạn Đồi Mây; Khu thủy cung Hòn Ngưu trước Bạch Dinh; Khu du lịch Bãi Tắm Bãi Dứa; Cải tạo hạ tầng và tôn tạo cảnh quan công trình kiến trúc di tích Núi Lớn – Núi Nhỏ. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng thực hiện dự án là 960.400m2. Tổng vốn đầu tư là 1.400 tỷ đồng.

[Báo BRVT - 2013] Xoáy sâu các sai phạm có hệ thống tại dự án cáp treo

 
Thứ Sáu, 13/12/2013, 05:58 [GMT+7]
Phiên chất vấn sôi động ngay từ phút đầu tiên khi ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết luận của Thanh tra tỉnh về các sai phạm tại dự án Cụm du lịch Núi Lớn, Núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt là dự án Cáp treo) của Công ty Cổ phần du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu. Đây là nội dung được “ghi nợ” đại biểu và cử tri từ kỳ họp HĐND thứ 6. 
Khu du lịch Hồ Mây trên ngọn Núi Lớn nằm trong dự án cáp treo Vũng Tàu, nơi có tượng phật Di Lặc xây dựng chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.
Trong phát biểu giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Dũng thẳng thắn thừa nhận,UBND tỉnh đã xác định có 2 nhóm sai phạm cơ bản. Đó là sai phạm từ phía nhà đầu tư (NĐT) về công tác triển khai dự án và sai phạm từ phía các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Về lĩnh vực xây dựng, NĐT đã tự động xây dựng 11 công trình không giấy phép, xây dựng 4 công trình chưa có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất, 6 hạng mục công trình không có trong nội dung đồ án quy hoạch khu biệt thự cao cấp Đồi Mây được duyệt mà vẫn mọc lên.

Nghiêm trọng hơn nữa là tất cả các công trình mà công ty này đã và đang triển khai xây dựng sai lệch vị trí so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt. 

Về lĩnh vực đất đai, NĐT chưa thực hiện theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tự ý san lấp, sử dụng thêm 1.847,9m2đất; không nộp tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư; không chi trả tiền bồi thường cho 4 hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Dũng cho rằng, việc chấp hành không nghiêm các quy định về đất đai và xây dựng của NĐT thuộc dự án Cụm du lịch Núi Lớn, Núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu kéo dài trong 10 năm là có sự buông lỏng trong quản lý cũng như trong công tác tham mưu của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.

Về biện pháp xử lý, ông Lê Thanh Dũng cho hay, tính đến thời điểm này, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã xử lý các thiếu sót, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về xây dựng và pháp luật về đất đai. Cụ thể là đã buộc tháo dỡ công trình nhà cấp 4 thuộc khu vực Thủy cung Bãi Trước; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tượng phật Di Lặc với số tiền là 35.000.000 đồng; thu hồi 10.169,4m2 đất thuộc dự án Cáp treo; điều chỉnh hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm thành trả tiền thuê đất hàng năm; điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu. Đồng thời, giao cho các sở, ngành liên quan giám sát, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ngay sau phần giải trình của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Dũng, các đại biểu liên tục đặt câu hỏi xoáy sâu vào những vấn đề mà theo họ là chưa thật sự thỏa đáng bức xúc của cử tri. Đại biểu Lương Đức Đích cho rằng sai phạm tại dự án Cáp treo là sai phạm trên nhiều lĩnh vực và sai phạm có hệ thống, sai trên mọi hạng mục, toàn dự án, kéo dài cả chục năm là một sự thách thức dư luận. Sai phạm từ NĐT đến các cơ quan quản lý nhà nước đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày như trên là đã rõ. Nhưng xử lý tất cả những sai phạm đó bằng cách cho phép công ty điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 là không đúng. Ông Đích đặt vấn đề: “Một người dân bình thường xây nhà trái phép, thì ngay lập tức, đội ngũ có trách nhiệm tới phạt hành chính, hoặc yêu cầu tháo dỡ công trình. Trong khi đó, một công trình tầm cỡ có sai phạm, UBND tỉnh cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng chủ đầu tư cũng không thực hiện, vô hình chung sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, rất khó xử lý các trường hợp sai phạm sau này”.

Đáp lời đại biểu Lương Đức Đích, ông Lê Thanh Dũng thừa nhận, việc xử lý các sai phạm của dự án Cáp treo bộc lộ nhiều yếu kém. Dưới góc độ quản lý nhà nước, UBND tỉnh rút ra được nhiều bài học trong công tác điều hành quản lý. Đồng thời đặt nặng trách nhiệm của các cơ quan công quyền. Tùy theo mức độ sai phạm, trách nhiệm của mỗi đơn vị, UBND tỉnh sẽ xem xét từng vấn đề để có hướng xử lý thấu đáo, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Quan điểm của UBND tỉnh là tất cả những tồn tại, yếu kém, sai phạm phải được giải quyết, khắc phục.

Chưa đồng tình về giải pháp xử lý các sai phạm của UBND tỉnh, đại biểu Trần Thanh Bình nêu ý kiến:  Trong báo cáo giải trình, UBND tỉnh mới xác định được sai phạm và trách nhiệm chính thuộc về NĐT nhưng biện pháp xử lý là hoàn toàn không có. Cách nói UBND TP.Vũng Tàu, UBND các phường 1, phường 5 và Thanh tra Sở Xây dựng “chưa thường xuyên” trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng đô thị tại dự án Cáp treo là chưa thuyết phục…

Cũng về biện pháp xử lý, đại biểu Nguyễn Văn Trình cho rằng, hình thức kỷ luật phải nghiêm minh, không nên đưa sai phạm của ngành, địa phương về cho ngành và địa phương xử lý, chắc chắn sẽ có sự nương nhẹ, “nhìn nhau”.

Trước những yêu cầu cụ thể mà các đại biểu đặt  ra, ông Lê Thanh Dũng khẳng định, tới đây, tỉnh sẽ thành lập Hội đồng phân tích mức độ sai phạm để có hướng xử lý rốt ráo, kiên quyết không để tái diễn sai phạm tương tự. Tỉnh cũng giao cho Sở Nội Vụ tham mưu cho UBND tỉnh để kiểm điểm các cá nhân, cơ quan có liên quan đến sai phạm của dự án Cáp treo Vũng Tàu...

“Nói thực tình là 23/23 công trình đều vi phạm là điều mà tôi không thể nào tưởng tưởng được. Tất cả các hạng mục đều xây dựng không đúng vị trí quy hoạch, lấn chiếm đất công. Xử lý chừng đó sai phạm theo kiểu phạt và điều chỉnh quy hoạch là không thể chấp nhận được. Theo đúng lý thì DN phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước. Đằng này, Nhà nước lại điều chỉnh pháp luật, chính sách theo DN. Điều này không ổn, tôi không đồng ý. Đề nghị phải xử lý rốt ráo theo quy định của pháp luật, nói rõ thời gian xử lý là lúc nào và báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh”.
(Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Bình)

[Báo BRVT - năm 2008] “Chòng chành” cáp treo

 
Chủ Nhật, 23/03/2008, 07:08 [GMT+7]
Cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ, dự án gây nhiều tranh cãi nhất trong các dự án đầu tư du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu từ trước đến nay, theo kế hoạch sẽ hoàn thành giai đoạn I vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế, kế hoạch này e sẽ khó thực hiện nếu thành phố Vũng Tàu, địa bàn “chịu lực” toàn bộ “sức nặng” của dự án và bản thân Công ty Cổ phần Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án, không có giải pháp tích cực vượt lên chính mình để về đích.
Công trình xây dựng Khu nhà ga số 1 tại khu vực Hòn Ngưu
“TRANH” THÌ LỚN

Tên gọi đầy đủ của dự án này là “Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ thành phố Vũng Tàu”.

Đây là dự án có quy mô khá lớn, trải rộng trên địa bàn Hòn Ngưu (Bãi Trước), Núi Lớn, Núi Nhỏ với tổng diện tích 97,2ha. Dự án gồm 10 dự án thành phần: Khu cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ; Khu du lịch (KDL) Mũi Nghinh Phong; Khu vui chơi Hải Đăng (gồm tháp quay, thiên vọng đài, nhà hàng trên núi và một số khu dịch vụ khác); Ô tô ray trên đỉnh Núi Nhỏ; Khu thể thao leo núi và dịch vụ Núi Lớn; Vườn thú tổng hợp Núi Lớn; Tổ hợp khách sạn Đồi Mây – Núi Lớn; Khu thủy cung Hòn Ngưu trước Bạch Dinh; KDL bãi tắm Bãi Dứa; Cải tạo hạ tầng và tôn tạo cảnh quan công trình kiến trúc Núi Lớn – Núi Nhỏ.

Tổng vốn đầu tư của dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp ngày 4 – 5 – 2007 là 1.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp là 300 tỷ đồng (góp bằng tiền là 100 tỷ đồng, góp bằng giá trị xây dựng công trình là 200 tỷ đồng); vốn khai thác từ công trình là 300 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu, kêu gọi đầu tư 400 tỷ đồng; vay vốn ngân hàng 400 tỷ đồng.

Kế hoạch triển khai dự án được thiết kế qua 3 giai đoạn, dự kiến kéo dài trong 13 năm, từ 2003 - 2015. Giai đoạn I (2004 – 2008); Giai đoạn II (2009 – 2012); giai đoạn III (2013 – 2015). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Quy mô và mục tiêu dự án nhằm hướng đến việc xây dựng một khu du lịch văn hoá có các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí liên hoàn, trong đó có loại hình cáp treo đang được khách du lịch ưa chuộng. Có thể coi đây là một bức tranh nhiều sắc màu và đầy kỳ vọng cho du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu một khi các dự án thành phần lần lượt hoàn thiện và đưa vào khai thác.

NHƯNG BỊ ĐỘNG CẢ “VẢI” LẪN “BỘT MÀU”

Nếu ví dự án Cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ như một bức tranh lớn với nhiều sắc màu trên bản đồ du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu thì, bức tranh ấy đến nay, sau 4 năm khởi động, đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Trong đó, “vải chuyên dụng” là đất và loại “bột màu” - vốn đầu tư, hai chất liệu chính để hoàn thành bức tranh, có vẻ như chưa sẵn sàng cho một cuộc triển lãm lớn.

Tại cuộc họp với UBND tỉnh và các ngành chức năng cùng rà soát lại những vướng mắc khi triển khai dự án, ông Trần Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu cho biết, các thủ tục và công việc giải phóng mặt bằng khá nhiêu khê. Đến nay, trong số tổng diện tích 97,2 ha đất dành cho dự án, mới chỉ có 19,5 ha được giải toả đền bù và cấp sổ đỏ. Công ty cũng đã thực hiện đền bù hoàn tất 13,7 ha và đưa diện tích 33,2 ha “đất sạch” này vào triển khai xây dựng các hạng mục giai đoạn I. Cũng theo ông Hùng, diện tích còn lại là 64 ha chưa được giao có rất nhiều loại, thuộc nhiều thành phần sở hữu: đất của dân, đất rừng, đất quân đội, đất công ty Lâm viên cây xanh… chưa nói trước được rằng đến bao giờ mới được “làm sạch” để bàn giao chính thức cho chủ dự án.

Khối lượng công việc đồ sộ đang chờ đợi sự nỗ lực hơn nữa của chủ đầu tư
Ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu tiết lộ, 4 đơn vị cổ đông của công ty đã góp đủ số vốn 100 tỷ đồng, đồng thời thực hiện góp vốn thông qua giá trị công trình đang xây dựng, nên vấn đề tài chính không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo phân tích của một số đại biểu, cơ cấu vốn dự án là chưa hợp lý và có nhiều chỗ hở. Trên thực tế, số vốn bằng tiền mặt (100 tỷ đồng) quá nhỏ so với tổng vốn đầu tư (1.400 tỷ đồng). Hơn nữa, việc góp vốn bằng giá trị công trình cũng rất khó thực hiện và cân đối giữa các đối tác. Cộng cả 2 nguồn này cũng chỉ bằng nguồn vốn dự kiến sẽ thu được từ việc khai thác các công trình sau khi hoàn thành (300 tỷ đồng) - một con số mà chưa biết đến bao giờ sẽ có được khi mà các hạng mục xây dựng còn đang dở dang, có kịp đưa vào khai thác đúng tiến độ dự kiến của giai đoạn I vào cuối năm 2008 hay không? Đó là chưa nói đến hàng loạt các giải pháp khác về vốn như: phát hành cổ phiếu, kêu gọi đầu tư (400 tỷ đồng), vay ngân hàng (400 tỷ đồng) vào thời điểm này e cũng không dễ thực hiện.

HẾT NĂM 2008 SẼ CÓ GÌ CHO DU KHÁCH VUI CHƠI Ở NÚI LỚN?

Trước câu hỏi đặt ra của lãnh đạo tỉnh tại cuộc họp ngày 18 – 3 vừa qua, ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc công ty nói chắc như đinh đóng cột: “Các hạng mục trong giai đoạn I của dự án sẽ hoàn tất cuối năm 2008 và kịp đưa vào khai thác, tạo sân chơi mới cho du khách và người dân địa phương”.

Đó là các hạng mục gì? Xây dựng 3 nhà ga (nhà ga số 1 tại khu vực Hòn Ngưu trước Bạch Dinh, nhà ga số 2 và số 3 trên Núi Lớn), xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật điện, nước, đường giao thông khu nhà ga số 1 và giao thông nội bộ khu Núi Lớn; Hệ thống cáp treo từ khu nhà ga số 1 lên nhà ga số 2 - Núi Lớn, 1 bãi đậu xe, nhà bán vé, cửa hàng; KDL Đồi Mây – Núi Lớn với 1 khách sạn 5 tầng 150 phòng, 1 nhà hàng phục vụ 200 khách, hồ du lịch, cảnh quan, vườn hoa, công viên, khu dịch vụ vui chơi giải trí, khu biệt thự Đồi Mây…

Theo báo cáo của ông Trần Mạnh Hùng, hiện nay tiến độ thi công các hạng mục của giai đoạn I đã đạt khoảng 80%.

Ngay sau cuộc họp, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát qua các khu vực dự án đang thành hình và nhận thấy rằng các phần việc của giai đoạn I còn khá ngổn ngang. Phía trước Bạch Dinh, việc san lấp đất lấn biển, xây dựng bờ kè đá đã triển khai từ 2 năm trước, nhưng nay, khu nhà ga 1 vẫn còn đang trong giai đoạn xây thô dang dở. Toàn bộ cảnh quan trong phạm vi công trình trên khu vực Núi Lớn cũng không mấy đổi khác. Chủ yếu là cây cỏ, bụi rậm được phát quang. Điện và nước đã được kéo lên. Đường nội bộ đã thành hình, nhưng vẫn là mặt nền đất nện. Các hạng mục công trình được phân chia ranh giới bằng những viên đá hộc xếp cạnh nhau. Quanh khu vực hồ thượng và hồ hạ có sẵn từ nhiều năm nay chỉ mới được tôn tạo bằng những giậu hoa và một chiếc cầu bê tông con con bắc qua hồ. Đi ngang qua 2 lô cốt nửa ngầm dưới đất nửa phô lên trên, Tổng Giám đốc Đậu Thế Anh cho biết sẽ tận dụng xây dựng trên mặt 2 lô cốt này các quán cà phê, giải khát (?). Hỏi về tiến độ xây dựng khách sạn 5 tầng, 150 phòng, ông Hùng cho biết vừa hoàn thành phần hạ tầng và đang kêu gọi hợp tác đầu tư cho hạng mục này. Xa xa là khu đất 2,1 ha (còn đang trong quá trình thoả thuận giải toả) được ông Đậu Thế Anh giải thích là KDL sinh thái – rừng du lịch dã ngoại dành cho các trò chơi đánh trận, vượt chướng ngại vật, máng trượt… vẫn còn hoang sơ giữa cây rừng và những đống đá chẻ. Khu vực cổng vào của dự án có một nhà tạm nho nhỏ dựng 4 – 5 chiếc xe máy và có độ dăm bảy công nhân đang nghỉ nắng. Toàn bộ công trình vắng vẻ không bóng người…

Giai đoạn I của dự án cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ được coi là phát pháo hiệu đầu tiên khởi động kế hoạch đón khách đến với công trình vui chơi giải trí này. UBND tỉnh đã rà soát, đốc thúc và giao nhiệm vụ cho các cơ quan hữu quan tích cực hỗ trợ chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện từng phần, từng hạng mục công trình. Nhưng đường dây cáp treo xem chừng hãy còn “chòng chành” lắm!

Bài, ảnh: Đỗ Hoàng

Bãi Trước là không gian sinh hoạt chung của dân Vũng Tàu bao nhiêu đời nay, trong tiềm thức đó là bộ mặt đẹp tự nhiên của thành phố

Dân Vũng Tàu chắc không ai phản đối xây thủy cung hay khách sạn nếu nó ở chỗ khác, như khu Bầu Trũng chẳng hạn, kể cả xây công viên nước ở đấy cũng ok, thậm chí dân còn ủng hộ và cảm ơn doanh nghiệp nhiều nữa. 
Dọc biển Bãi Trước Vũng Tàu khi nhìn từ trên cao
Nhưng Bãi Trước thì không, Bãi Trước là không gian sinh hoạt chung của dân Vũng Tàu bao nhiêu đời nay rồi, trong tiềm thức nó là bộ mặt đẹp tự nhiên của TP Vũng Tàu, không cần trang điểm hay phẫu thuật thẩm mỹ. Thêm nữa, dân còn sợ nay doanh nghiệp này phá núi lấp biển được thì mai mốt các doanh nghiệp khác cũng làm được, riết rồi giống như chuyện người Trung Quốc chắn hết mặt tiền biển ở Đà Nẵng hay Nha Trang, lúc đó dân Vũng Tàu có muốn xuống biển tắm cũng phải qua resort, muốn hóng gió ngắm biển tí cũng phải vào quán cà phê, không chừng buổi sáng buổi chiều muốn đi leo núi thể dục cũng phải mua vé tháng nữa.

Haiii zà, vẫn biết là dự án đã có giấy phép, kể cả việc xây nhà trên núi rồi thì cũng OK, nhưng thiết nghĩ doanh nghiệp muốn kinh doanh phát triển bền vững thì cũng không nên phớt lờ phản ứng của cộng đồng dân cư bản địa. Như dự án lấp biển ở Nha Trang đó, cũng có giấy phép đầu tư phê duyệt rồi mà giờ phải thu hồi khôi phục lại bãi biển, hay ở Quy Nhơn nhà nước phải bỏ tiền ngân sách ra để bứng 3 khách sạn cả ngàn tỉ để trả lại không gian biển cho người dân. Như thế có phải doanh nghiệp vừa thiệt hại, nhà nước thì tốn kém tiền ngân sách, mà môi trường cảnh quan bị xâm phạm cũng chả bao giờ khôi phục lại được như cũ.

Theo chia sẻ từ facebook Leng Van Chi

[Vnexpress] Chủ đầu tư dự án lấn biển Vũng Tàu bị phạt

 
[BÀ RỊA - VŨNG TÀU] Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu bị phạt 40 triệu đồng vì xây biệt thự 2 tầng không phép ở núi Lớn.
Căn biệt thự mẫu xây khi chưa xin phép của Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Khoa.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu do ông Vũ Hồng Thuấn, Phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, ký ngày 23/10.

Theo đó, chủ đầu tư đã đổ xong phần mái căn biệt thự mẫu 2 tầng trên đường Trần Phú với diện tích sàn hơn 334 m2 nhưng không có giấy phép xây dựng - đây là dự án thành phần trong tổng thể khu Hồ Mây Park xây dựng khu du lịch, văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng. Trong khi công trình này yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

UBND TP Vũng Tàu yêu cầu chủ đầu tư trong 60 ngày phải lập thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép đối với công trình này, nếu không sẽ bị buộc tự tháo dỡ công trình hoặc cưỡng chế.

Ông Đậu Thế Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu, nói đã nhận được quyết định xử phạt và không có ý kiến hay khiếu nại.

Đầu tháng 9, Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu cho san lấp, lấn biển xây thủy cung Hòn Ngưu và khách sạn 22 tầng, tổng mức đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng) vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân địa phương.

Tuần trước, tại cuộc họp Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng loạt sai phạm, vi phạm của công ty này đã được nêu ra. Trong đó, rất nhiều công trình xây dựng không phép. Trong đó, công ty đã san gạt 2 khu đất rộng 8.300 m2 để xây biệt thự ở núi Lớn khi chưa có giấy phép và lấn chiếm 1.847 m2 đất công...

Dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu tiếp tục dừng cho khi chủ đầu tư khắc phục xong những sai phạm, vi phạm; kiểm tra lại đánh giá tác động môi trường về dòng chảy và chứng minh năng lực, cam kết tiến độ.

Sau hơn hai tháng nữa, Tỉnh ủy sẽ xem xét cho Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu tiếp tục lấn biển xây thủy cung hay không.

Nguyễn Khoa

[Tuổi Trẻ] Phạt công ty cáp treo Vũng Tàu vì xây dựng trái phép trên núi

 
TTO - Công ty cáp treo Vũng Tàu vừa bị UBND TP Vũng Tàu xử phạt 40 triệu đồng vì xây dựng không có giấy phép trên núi Lớn. Công ty này là chủ đầu tư của dự án thủy cung ở Bãi Trước đang gây tranh cãi.
Căn biệt thự xây không phép trên núi Lớn - Ảnh: Đ.H.
Theo đó, ông Vũ Hồng Thuấn - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - đã ký quyết định xử phạt Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu (công ty cáp treo Vũng Tàu) với người đại diện theo pháp luật là ông Đậu Văn Hóa - chủ tịch HĐQT, và mức phạt là 40 triệu đồng.

Quyết định xử phạt cũng buộc công ty này lập thủ tục để được cấp phép xây dựng. Hết 60 ngày kể từ khi có quyết định xử phạt, nếu không xuất trình giấy phép xây dựng thì sẽ bị cưỡng chế công trình.

Trước đó, Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu đã xây dựng căn biệt thự hai tầng trên núi Lớn khi chưa có giấy phép.

Ngành chức năng TP Vũng Tàu cũng phát hiện công ty này san gạt, bạt núi Lớn để làm dự án khu biệt thự trên núi Lớn (đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500) khi chưa đăng ký với chính quyền về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác. Do đó, UBND TP Vũng Tàu yêu cầu công ty cáp treo tạm dừng san bạt núi.

Khu vực núi Lớn bị bạt, san ủi để làm biệt thự - Ảnh: N.Đ.N.
ĐÔNG HÀ