Một số phân tích về tác động tiêu cực trong việc san núi Lớn và lấp bờ biển bãi trước của dự án Hồ Mây Park và Thủy cung Hòn Ngưu

 

Hải dành 60 phút để viết nội dung này, mong rằng ai đó sẽ dành ra 6 phút để đọc, nếu không chúng ta sẽ mất 6 năm để xây dựng và 60 năm để sửa sai (mag liệu có sửa được không?!)
MỘT SỐ PHÂN TÍCH VỀ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TRONG VIỆC SAN NÚI LỚN VÀ LẤP BỜ BIỂN BÃI TRƯỚC CỦA DỰ ÁN HỒ MÂY PARK VÀ THUỶ CUNG HÒN NGƯU.

Giá trị khai thác khu vực biển Bãi Trước, Núi Lớn, Hòn Ngưu.

Khu vực Hòn Ngưu nằm tại bãi Trước, ngay phía dưới Bạch Dinh, là khu vực được quy hoạch nghiên cứu cải tạo, khai thác không gian, cảnh quan, mặt nước. Khu vực này có đặc điểm địa chất, địa hình vùng bờ, chế độ sóng, gió, dòng chảy ven bờ, tình trạng xói lở - bồi tụ, tính dễ tổn thương trước Biến Đổi Khí Hậu như sau: Phía núi, ít có nguy cơ bị xói lở do cấu tạo địa chất bền vững, chủ yếu là những đoạn vách dốc đứng hoặc những đoạn dốc đá thấp thoải dần ra phía biển, vật liệu tích tụ lớp bề mặt chỉ là một lớp mỏng hoặc không có, bao phủ bởi hệ thực vật thân thảo và tiểu mộc, cây thân gỗ chỉ còn thưa, ít. Phần chân núi phía biển phía ngoài có độ dốc lớn. Do địa hình đường bờ trực diện với gió Tây Nam vào mùa khô, sóng tác động vào bờ rất mạnh. Tuy do đặc điểm thạch học được cấu tạo chủ yếu bởi các đá xâm nhập thuộc phức hệ Đèo Cả và đá phun trào thuộc hệ tầng Nha Trang có độ bền vững cao nên biến động đường bờ ở khu vực này chủ yếu là hoạt động mài mòn, đồng thời với mức độ tăng dần của mực nước biển do biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đến vùng bờ nếu tiến hành san lấp biển ở các khu vực vùng bờ.

Tình trạng xói lở - bồi tụ đang xảy ra mạnh mẽ do ở Bãi Sau do khu vực này chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc, cấu tạo vùng bờ chủ yếu là cát sức chịu tải kém, rất dễ gây sạt lở do sóng và dòng chảy ven bờ. Các công trình lấn biển gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và môi trường biển do vật liệu xây dựng, do các khối bê tông lớn làm thành kè chắc sóng, các công trình. Đường bờ biển tự nhiên bị thay đổi, dẫn đến sự biến động của dòng chảy gây xói lở ở các vùng lân cận. Nếu công trình lấp biển ở khu vực Bãi Trước thì khu vực Bãi Dâu - Sao Mai và khu vực bãi tấm Bãi Trước khu vực công viên sẽ bị tác động nghiêm trọng do việc thay đổi dòng chảy ven bờ được hình thành do công trình xây dựng nhân tạo tại Hòn Ngưu.

Khu vực này cần có sự nghiên cứu cải tạo, khai thác không gian, cảnh quan, mặt nước phù hợp. Công trình trên núi hạn chế san ủi, gây xói mòn rửa trôi đất do mất lớp cây phủ tự nhiên, đặc biệt là khu vực đất dốc. Nếu không có quy hoạch và quản lý khắc khe sẽ dễ dẫn đến tai hoạ do các công trình xây dựng ven sườn núi gây ra hiện tượng đổ lở, xói mòn, rửa trôi trên vùng núi dốc xuống khu dân cư bên dưới chân núi. Cần hạn chế mật độ và tầng cao công trình.

Về sinh thái, đô thị Vũng Tàu tuy nhỏ nhưng có hệ sinh thái đa dạng phong phú hệ thống Núi Lớn, Núi Nhỏ, bãi biển trải dài bao quanh, hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực Cửa Lấp - Gò Găng - Long Sơn. 

Về văn hoá xã hội: Đô thị Vũng Tàu mang dấu ấn của đô thị du lịch đầu tiên được hình thành và khai thác của Việt Nam, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, trong đó di tích Bạch Dinh là một di tích đặc biệt, cùng với di tích pháo đài Phước Thắng, VIBA NÚI LỚN đã là điểm nhấn đặc biệt cho ngành du lịch bản địa. Di tích văn hoá là cơ sở hình thành nên giá trị ngành du lịch, không thể xâm phạm, vì khi mất đi sẽ không bao giờ xây dựng và phục hồi lại nguyên trạng. Việc xâm lấn hệ sinh thái tự nhiên, các di tích văn hoá lịch sử khi mở rộng xây dựng các công trình trên Núi Lớn, Hòn Ngưu gây ra những mất mát to lớn cho văn hoá địa phương. Phá núi, lấn biển không làm tăng gia trị kinh tế cho ngành du lịch mà còn làm cho tài nguyên cảnh quan đô thị du lịch bị lãng phí. Điều ngành du lịch tỉnh BRVT cần là một “vẻ đẹp mềm” đặc trưng cho đô thị du lịch, cho thành phố biển. Thiết kế không gian và cảnh quan cần hài hoà, thân thiện môi trường và phát huy được vẻ đẹp thiên nhiên của địa phương. Tôn trọng giá trị lịch sử và di tích văn hoá, dựa vào giá trị này để khai thác hiệu quả mới đảm bảo yếu tố khai thác du lịch bền vững.


Xin trích dẫn nguyên văn nhận xét về đô thị Vũng Tàu trong Thuyết Minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch chung TpVT đến năm 2035 được thủ tướng chính phủ phê duyệt - do bộ xây dựng thẩm định như sau “Với cảnh quan tự nhiên và nhân tạo hiện có, Vũng Tàu thực sự đang là một thành phố Đa dạng - Đặc trưng - Đẹp. Tiếp tục bảo vệ và tôn tạo các vùng cảnh quan tự nhiên, cải tạo hiệu quả khu vực đô thị lịch sử, phát triển các khu vực mới với các giải pháp thiết kế đô thị tốt sẽ là công cụ để Vũng Tàu trở thành điểm đến hấp dẫn. Cảnh quan hấp dẫn là một lợi thế so sánh rất lớn của Vũng Tàu so với các đô thị trong vùng”.




Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét