[Người Lao Động] Thủy cung sẽ phá biển Vũng Tàu

 

Một công trình đầu tư 50 triệu USD để lấn biển, xây dựng thủy cung, đe dọa cảnh quan và làm thay đổi dòng chảy biển Vũng Tàu
Đó là dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu do Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9-2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023.

Đầy đủ pháp lý (!?)

Chiều 10-10, tại cuộc họp thông tin sơ kết 9 tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, các vấn đề về dự án lấp lấn biển kể trên đã được đặt ra. Các sở - ngành liên quan của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định tất cả thủ tục của dự án đều hợp lệ. Chủ đầu tư cũng cho rằng về cơ bản, dự án tốt và sẵn sàng lắng nghe ý kiến trái chiều.

Công trình Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu xây dựng ở số 1A, đường Trần Phú, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, nhiều xe cuốc, xe ben đổ đá gây bụi mịt mù. Một khu đất lấn biển rộng hàng ngàn mét vuông đã hiện hình. Dự kiến, khu này sẽ bị lấp lấn ra biển với chiều dài hàng trăm mét, toàn bộ diện tích lấp lấn được cấp phép lên đến 70.000 m2.

Khu vực bờ biển bị lấp ở ngay trung tâm Bãi Trước, bên con đường Trần Phú có bờ kè rất đẹp, ngay trước Di tích Bạch Dinh, dưới chân cáp treo lên núi Lớn. Đây cũng là vòng cung tuyến đường kết nối cảnh quan khu vực đường Hạ Long, có bến tàu cánh ngầm, là một trong những điểm đến được coi là đẹp nhất tại Vũng Tàu.

Theo hồ sơ mà phóng viên Báo Người Lao Động có được, ngày 6-6-2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 1471/QĐ-UBND "Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, TP Vũng Tàu". Dự án là khu du lịch, văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng công suất phục vụ khoảng 3.000 - 5.000 người/ngày. Tổng thể khu quy hoạch dự án được phân thành 2 khu chính gồm: Khu A là khối nhà ga số 1, nhà dịch vụ - khách sạn - nhà hàng, đường nội bộ - bãi xe và cây xanh, bến tàu, khu thể thao biển, tượng nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác. Khu B gồm nhà thủy cung, khu thể thao biển - bãi tắm, khu hồ tắm nhân tạo, chòi cứu hộ, bãi xe, cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu có tổng mức đầu tư khoảng 50 triệu USD. Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng hạ tầng dự án vào ngày 8-8-2019.

Ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (chủ đầu tư), cho biết dự án khu du lịch Hồ Mây, nhà ga và Thủy cung Hòn Ngưu xây dựng tại khu vực này đều đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 1998. Các dự án thành phần khu du lịch Hồ Mây trên núi Lớn, cáp treo đã được đưa vào khai thác, riêng dự án thủy cung đã điều chỉnh quy hoạch. Chủ đầu tư cho hay ngoài thủy cung được xây dựng "mang tầm quốc tế", sắp tới sẽ xây khách sạn 22 tầng tiêu chuẩn 5 sao nhìn ra biển.

"Các giai đoạn làm hồ sơ xin cấp phép đến điều chỉnh quy hoạch công ty đều tiến hành đầy đủ các thủ tục. Dự án đủ giấy tờ hợp pháp, được các cơ quan chức năng tỉnh, bộ - ngành phê duyệt…" - ông Thế Anh khẳng định.

Chúng tôi đã liên hệ với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để hỏi về các vấn đề thực hiện thủ tục pháp lý dự án tham chiếu với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, quy định về hành lang an toàn hàng hải, quy định bảo vệ cảnh quan... Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng đi vắng, ủy quyền cho các cấp trưởng, phó phòng không đủ chức năng trả lời. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thì đề nghị soạn câu hỏi trước và chuyển đến bằng công văn. Chúng tôi cũng đã tìm cách liên lạc với ông Nguyễn Thành Long, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng ông không nghe máy.

Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu được cấp phép lấn biển 70.000 m2
Rà soát toàn bộ dự án

Trong các văn bản do ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký trong quá trình sở thẩm định hồ sơ rồi trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, ghi rằng chủ đầu tư khi làm thủ tục đã phối hợp với UBND TP Vũng Tàu lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức lấy ý kiến Hội Kiến trúc sư, Thường trực Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch tỉnh để bảo đảm dự án tạo được hình ảnh kiến trúc, cảnh quan tốt nhất cho khu vực cũng như TP Vũng Tàu.

Thế nhưng, dự án này lại khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Ông Võ Anh Trưởng, Phòng Nghiệp vụ quản lý di tích lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị: "Rà lại công trình này, xem có phù hợp với không gian biển, ngay trước khu di tích quốc gia Bạch Dinh. Một công trình đồ sộ, hoa mỹ dựng lên, cần xem xét kỹ lưỡng. Có thể xây nhưng đừng để vượt tầng như vậy".

TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Sinh thái học Miền Nam, cho rằng không nên xây dựng lấp lấn biển. Bởi những bãi biển của Vũng Tàu là những bãi biển "chuyển động", năm nay bồi rồi năm sau có thể lở. Như biển Phan Thiết, cứ theo chu kỳ lở - bồi, đã từng làm sạt lở cả hàng dừa 40 năm tuổi ở bên bờ. Với những vùng biển này, nguyên tắc là không làm kè cứng vì sẽ gây xói lở "kè mềm" bên dưới, sâu vào "chân" của nó bên trong.

Nếu làm thủy cung sẽ ảnh hưởng dòng chảy, gây xói lở hàm ếch, sụt lún có thể cả đất liền, đến đường ven biển. Dưới biển cũng có dòng chảy ẩn và lạnh di chuyển, nếu chặn dòng sẽ làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến thay đổi lượng phù sa bồi đắp, thay đổi tự nhiên. Sự co hẹp bên trên làm tăng sức chảy bên dưới. Đặc biệt phải coi lại, tham chiếu với Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015.

"Không thể mạnh ai nấy làm. Hãy lấy bài học từ Cần Giờ (TP HCM), Kiên Giang. Dù đặc thù mỗi nơi khác nhau nhưng cảnh quan cần giữ, không thể xây dựng tràn lan. Hãy dừng ngay việc làm biến đổi tự nhiên tràn lan như vậy!" - TS Long nhấn mạnh.

Tại cuộc họp giao ban nói trên, với sự có mặt của các đại diện sở - ngành, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, đã đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các sở - ban - ngành liên quan rà soát lại, nghiên cứu ý kiến của người dân và dư luận nói chung xung quanh dự án lấn biển. "Mấy ngày nay, chủ đầu tư tổ chức thi công san lấp lấn biển, vị trí san lấp xây dựng ngay khu vực trung tâm, nhiều người dân có ý kiến. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các sở ngành rà soát lại toàn bộ dự án…" - ông Vũ Hồng Thuấn thông tin.

* TS LÊ HUY BÁ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ - Quản lý Môi trường, Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP HCM:

Chuyện phi lý!

Lấn biển mà không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là chuyện phi lý. Dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu sẽ phải lấn biển với diện tích đáng kể. Từ đó sẽ tác động xấu đến môi trường xung quanh liên quan đến dòng chảy.

Ba tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa và Quảng Ninh từng cho phép doanh nghiệp lấn biển làm dự án và sau đó đối mặt những nghịch cảnh như sạt lở, gây ra hiện tượng nước biển bị đục. Đây là dự án tác động lớn đến môi trường, cảnh quan và tính bền vững ở TP Vũng Tàu, vì vậy cần thận trọng đánh giá lại trước khi triển khai tiếp tục. Hậu quả hôm nay chưa thấy nhưng tương lai gần sẽ bị tác động.

* Kiến trúc sư TRẦN VĨNH NAM, nhà tư vấn độc lập

Bê-tông hóa biển

Biển Vũng Tàu lâu nay một phần bị độc chiếm bởi những nhà hàng, khách sạn. Đoạn thực hiện dự án lấn biển có hướng nhìn thoáng, đẹp. Thay vì dùng làm nơi hóng mát, dừng chân cho khách du lịch thì nay cho phép xây dựng cáp treo. Từ đó khiến đoạn này trở nên bê-tông hóa, gây mất mỹ quan.

Chưa kể, quá trình lấn biển tác động đến sóng và dòng chảy, ít nhiều tạo ra hiện tượng sóng nước gây nguy hiểm cho du khách lẫn người dân khi đắm mình dưới dòng nước. Làm cáp treo mà lấn biển thì đe dọa tính tự nhiên của bờ biển. Ngoài ra còn ngăn việc tiếp cận của người dân đối với biển.

L.Phong ghi


Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét