[Nhân Dân] Về dự án lấn biển xây thủy cung ở TP Vũng Tàu: Phải xử lý nghiêm những sai phạm của chủ đầu tư

 

NDĐT - Chiều 17-10, Đoàn công tác do Sở Xây dựng cùng các lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc với đại diện Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, thông báo về việc tạm ngưng dự án lấn biển xây thủy cung tại khu vực Bãi Trước, TP Vũng Tàu.

Chiều 17-10, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện chủ đầu tư dự án Thủy cung Hòn Ngưu đang san, gạt trái phép hàng nghìn mét vuông đất trên núi Lớn, TP Vũng Tàu.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, đoàn đã phát hiện công ty này đang tự ý san, gạt một diện tích rộng trên đỉnh núi Lớn để xây dựng khu biệt thự mà chưa được bất cứ cơ quan chức năng nào cấp phép. Đây không phải là lần đầu tiên công ty này vi phạm các quy định về đầu tư, xây dựng, mà trước đó, với hàng chục công trình xây dựng trái phép, chủ đầu tư luôn tỏ ra thách thức chính quyền và dư luận xã hội.

Sai phạm nối tiếp... sai phạm

Có mặt cùng Đoàn công tác của UBND tỉnh làm việc với Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, chiều 17-10, phóng viên Nhân Dân điện tử ghi nhận một diện tích rộng, lên tới vài nghìn mét vuông trên đỉnh núi Lớn thuộc TP Vũng Tàu đã bị công ty này tiến hành san, gạt trái phép để phục vụ dự án xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng. Một căn biệt thự mẫu đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng sắp được chủ đầu tư đưa vào khai thác. Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Mai Trung Hưng khẳng định, việc san gạt và xây dựng này là hoàn toàn trái phép.

Có thể khẳng định, những sai phạm của Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án lấn biển xây thủy cung tại Bãi Trước, Vũng Tàu, là có tính hệ thống, sai phạm sau luôn nghiêm trọng hơn những sai phạm trước, coi thường kỷ cương pháp luật và bất chấp dư luận xã hội.

Điển hình như, khi được cấp phép xây dựng nhà ga số 1, trên đường Trần Phú (bên cạnh dự án thủy cung Hòn Ngưu hiện nay), chủ đầu tư đã cố tình san, gạt, lấn thêm hàng nghìn mét vuông bờ biển. Công trình nhà ga số 2 và nhiều hạng mục công trình khác trên khu hồ Mây đều không đúng quy hoạch và không được cấp phép.

Năm 2011, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành thanh tra “việc chấp hành pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng thuộc Cụm du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu”, chỉ ra hàng loạt các sai phạm của công ty này, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý và chấn chỉnh.

Đến năm 2017, khi tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng của công ty, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại phát hiện thêm các sai phạm khác. Tại Báo cáo 103/BC-ĐKTr ngày 23-5-2017 của Đoàn kiểm tra liên ngành thì chủ đầu tư đã có tới sáu hạng mục công trình phát sinh mới, đều không phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 và không có giấy phép xây dựng, gồm: Chánh điện Hồ Mây, Đền thờ các vị anh hùng dân tộc; núi cảnh quan; sân khấu nhạc nước; hồ nước; và đường nội bộ.

Ngay tại dự án lấp biển xây thủy cung Hòn Ngưu gây bức xúc trong dư luận hiện nay, ngày 14-10, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Long đã ký quyết định giao Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công cho đến khi có ý kiến khác của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các ngày sau đó, công ty này vẫn ồ ạt tiến hành san, gạt, lấn biển với lý do... chưa nhận được văn bản tạm dừng.

Lúng túng trong quản lý, điều hành

Phải thừa nhận, việc để cho Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu lộng hành, cố tình vi phạm các quy định nhà nước về đầu tư, xây dựng thời gian dài vừa qua có một phần nguyên nhân không nhỏ đến từ những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng địa phương.

Lấy thí dụ, khi xây dựng hạ tầng nhà ga số 1, công ty này đã lấn biển vượt ra ngoài ranh giới hàng nghìn mét vuông nhưng cuối cùng cũng không bị xử lý. Năm 2010, công ty cho xây dựng trên núi Lớn, tại khu hồ Mây, một bức tượng Phật Di Lặc cao tới 15m nhưng hoàn toàn không có phép và không có trong quy hoạch. Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện, lập biên bản vi phạm yêu cầu dừng thi công. Các cơ quan chức năng địa phương cũng yêu cầu công ty tháo dỡ công trình không phép này. Tuy nhiên, công trình tượng Di Lạc không những không bị tháo dỡ mà chủ đầu tư này còn làm thêm vào đó tượng của 18 vị La hán (mỗi tượng cao 3m). Tất cả cũng đều không có phép.

Hay như tại công trình Nguyện đường (cũng tại khu hồ Mây), chủ đầu tư cho xây dựng không đúng quy định các tượng Đức mẹ Maria, Thánh Giuse. Nhưng khi bị phát hiện và có ý kiến thì lại hoàn thành thêm cả tượng ông già Noel và Chúa hài đồng...

Tại dự án lấp biển xây thủy cung Hòn Ngưu mới đây, dù công ty này ngày đêm tổ chức thi công nhưng vẫn không quên “nhiệm vụ” san gạt trái phép hàng nghìn mét vuông đất trên núi. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, ai đang “chống lưng” để doanh nghiệp này làm bừa đến vậy?

Được biết, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí quý 3-2019, ngày 10-10 vừa qua, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh khẳng định, do dự án được quy hoạch từ năm 1998, khi chưa có Luật Đầu tư, nên chủ đầu tư không phải ký quỹ và tự chịu trách nhiệm về năng lực của mình. Cũng do được quy hoạch từ năm 1998, dự án “né” được rất nhiều những quy định của Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa...

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với chủ đầu tư, chiều 17-10, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư lại cho biết, Sở đã có hai văn bản hướng dẫn và đề nghị chủ đầu tư thực hiện báo cáo tiến độ dự án và điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.

Rà soát Điều 46 Luật Đầu tư về giãn tiến độ đầu tư cho thấy, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng. Trong đó, phải nêu rõ kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án, bao gồm: kế hoạch góp vốn, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, theo Điều 48 về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thì một dự án “sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46” phải chấm dứt hoạt động của dự án.

Như vậy, với việc để dự án treo nhiều năm, chủ đầu tư không báo cáo tiến độ dự án, theo quy định của pháp luật, có thể chấm dứt hoạt động của dự án thủy cung Hòn Ngưu?

Tương tự như vậy, rất nhiều những bất cập về môi trường, về thời hiệu tính thuế sử dụng đất, mặt nước... của dự án này cần phải được xem xét lại.

BÀI, ẢNH: NGUYỄN NAM

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét