TTO - Những ngày cuối tuần tháng 6 này, người dân Vũng Tàu và du khách từ TP.HCM, Đồng Nai, Long An... đổ xô đến đường Hải Đăng lên núi Nhỏ (TP Vũng Tàu), nơi có con đường rợp trời hoa phượng đỏ.
Dọc theo các khúc cua trên đường là những hàng phượng đỏ rực nối đuôi nhau, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp lúc bình minh và trong ráng chiều. Khách tham quan thỏa sức ngắm nhìn, chụp ảnh với những hàng phượng vĩ trên đường lên núi Nhỏ.
Hoa nở từ cuối tháng 5, thu hút du khách ngày một đông. Người lớn đến đây để nhớ lại những mùa hè của thuở thiếu thời. Còn học sinh đến để ghi lại những khoảnh khắc của tuổi hoa niên rực rỡ.
Từ Củ Chi (TP.HCM), nhóm bạn của nữ sinh viên Thùy Trang tự chạy xe máy tới Vũng Tàu và có mặt ở con đường Hải Đăng lúc 7h30 sáng. Thùy Trang cho biết cô và nhóm "ngũ long" biết đến những hàng phượng vĩ ở đây qua bạn bè trên mạng xã hội. Trang nói: "Trong những ngày qua, hình ảnh phượng bị chặt ở nhiều nơi do lo ngại bật gốc làm ai cũng xót xa, vì sắc màu đỏ rực của hoa phượng vốn gắn với tuổi học trò. Vì thế, tụi mình muốn đến đây lưu giữ lại "một chút gì để nhớ".
Từ Hà Nội, chị Thủy Chung (trái) được bạn dẫn đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hoa phượng - Ảnh: T.T.D. |
Chị Nguyệt Nga, một giáo viên ở Vũng Tàu, cũng cùng nhóm bạn học và đồng nghiệp lên núi Nhỏ chụp hoa phượng. Chị nói: "Cứ thứ bảy, chủ nhật hoặc những ngày rảnh rỗi, chúng tôi lại cùng nhau lên đây để chụp ảnh kỷ niệm và ngắm nhìn thành phố từ trên cao. Do ở ngay trong thành phố nên cả nhóm thường đi rất sớm, lúc chưa quá nắng và đông người".
Ngoài ra, đường lên hải đăng cũng là khu vực tập thể dục cho người dân ở Vũng Tàu lúc sáng sớm trước giờ đi làm. Chi Lê Thu Hiền chia sẻ: "5h sáng mình gọi các cô cháu "gà công nghiệp" dậy khởi động nhẹ, rồi trekking cùng mọi người lên khu vực ngọn hải đăng. Đường đi có biển, có núi, có rừng, tuy không dài nhưng đủ vui và có nhiều trải nghiệm".
Không chỉ có hoa phượng, trên các con đường dẫn lên núi Nhỏ (và cả núi Lớn, nếu du khách có thêm thời gian trekking, tham quan) lưu giữ dấu tích của thời chiến tranh như các trận địa pháo cổ - công trình quân sự của Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; các lô cốt thời Pháp hơn 100 năm trước, nay đã bỏ hoang. Cụm pháo đặt tại ngọn Hải Đăng trên núi Nhỏ đã được di dời về nơi khác để trưng bày.
Muốn xem mặt trời mọc trên biển từ ngọn hải đăng, khách phải có mặt ở đây trước 5h15, sau đó tầm nhìn sẽ hiện rõ toàn cảnh thành phố Vũng Tàu, có tượng Chúa Kitô đứng giữa rừng hoa phượng...
Sau những ngày giãn cách xã hội, Vũng Tàu đang ngày một đông trở lại. Biển ngày càng xanh và thơ mộng giữa bầu trời xanh ngắt của mùa hè.
Huyền Mi - T.T.D.
Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét