Mấy ngày qua, trên mạng xã hội bàn tán xôn xao việc chặt hạ hàng cây cổ thụ trên đường Thống Nhất (TP. Vũng Tàu) để làm dự án mở rộng, nâng cấp con đường này. Có 2 luồng ý kiến: một là không nên chặt, phải giữ lại hàng cây trăm tuổi của Vũng Tàu; hai là phải hy sinh cây xanh để có con đường rộng rãi.
Hàng cây trăm tuổi đường Thống Nhất, TP Vũng Tàu trước ngày bị cưa để dành chỗ làm đường |
Về lý do phải chặt hạ hàng cây, cơ quan chức năng và chính quyền TP. Vũng Tàu cũng đã giải thích trong bài “Vì sao phải chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất?”, đăng trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là bởi, hàng cây này nằm trong tim đường sau khi mở rộng. Và từ khi có chủ trương dự án nâng cấp, kéo dài con đường này, cơ quan chức năng đã tính toán kỹ “lợi - hại” khi “làm đường - chặt cây”.
Và chúng ta cần có cái nhìn đa chiều, thấu đáo để nhận xét về sự việc.
Trước tiên, phải khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước là, không hy sinh môi trường để đánh đổi mục tiêu khác. Trong nhiều năm qua, chủ trương của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng là “không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Việc chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất để làm con đường này, chắc chắn cũng đã được dùng “kim chỉ nam” trên để xem xét. Trên thực tế, mới đây Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho dừng dự án tái định cư ở Côn Đảo để giữ lại rừng dầu quý hiếm cho đảo ngọc. Việc giữ lại cây xanh khi mở rộng đường cũng đã được TP. Vũng Tàu thực hiện khi mở rộng đường Trương Công Định cách đây vài năm.
Đường Thống Nhất là một trong những trục chính, thẳng ra biển. Nhưng con đường này bị cắt làm đôi vì chưa thể kết nối, liền mạch. Do đó, đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến Nguyễn An Ninh của con đường, được người dân quen gọi là “Thống Nhất mới”. Khi đường Thống Nhất liền mạch, rộng rãi, chắc chắn giúp giảm bớt áp lực giao thông cho những con đường khác cùng hướng ra biển như: Bacu, Trương Công Định, Nguyễn Văn Trỗi,...
Hơn thế nữa, khi hoàn thành, con đường sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch cho thành phố biển. Trong tương lai không xa, Vũng Tàu sẽ phát triển nhanh, mạnh, dân số cơ học tăng, thì hiện tại, việc có những con đường xương sống đủ rộng, đủ lớn là để đón đầu xu hướng, là để thực hiện “hạ tầng phải đi trước một bước”.
Rất chia sẻ và đồng cảm với những người có ý kiến cho rằng cần phải giữ lại hàng cây. Bởi ngày nay, với thực tế của biến đổi khí hậu, rất cần có cây xanh. Hầu như mỗi người đều có ý thức yêu thiên nhiên, yêu cây xanh, yêu môi trường trong lành. Hàng cây đang phải chặt phá đúng là có những cây cổ thụ. Nhưng không phải tất cả đều là cây gỗ quý hiếm, nằm trong “sách đỏ”, cần bảo tồn.
Như vậy, xét cho cùng, việc chặt cây xanh để mở rộng, làm cho đường Thống Nhất liền mạch, nối từ Tượng đài Dầu khí ra Bãi Trước là vì mục đích dân sinh, mục tiêu phát triển lâu dài.
Cây xanh không thể trường tồn, cũng có tuổi thọ. Nhưng những con đường chính, xương sống cho một cộng đồng dân cư, chắc chắn sẽ trường tồn. Bởi đó là cơ sở hạ tầng, là mấu chốt cần có đầu tiên cho sự phát triển.
Việc này cũng tương tự như ở TP.Hồ Chí Minh phải bỏ cây xanh ở trung tâm để nhường đất cho dự án metro. Đặc biệt hơn nữa, việc chặt hơn 50 cây xanh ở đường Thống Nhất mới càng không phải là việc “chọn cá hay chọn môi trường”. Ngoài ra, hoàn toàn có thể phục hồi nhanh cây xanh hai bên đường này bằng cách đầu tư tiền, trồng những cây xanh đã cao lớn.
Hãy yêu cây xanh bằng những việc làm thiết thực. Đó là không phá cây vì tư lợi, vì mục tiêu nhỏ. Và nếu phải chặt bỏ 1 cây vì sự phát triển chung, phải trồng lại 2 cây.
Con đường Thống Nhất sẽ khang trang và rộng rãi hơn sau khi thực hiện dự án này |
Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét