[Diễn Đàn Doanh Nghiệp VCCI] Núi Lớn bị san phẳng và câu hỏi trách nhiệm

 

(ENTERNEWS.VN) Không ai khẳng định có “nhóm lợi ích” nằm ở dự án liên quan đến núi Lớn bị san phẳng, nhưng rõ ràng đang tồn tại sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương này.
Ngày 18/10, đoàn liên ngành của UBND TP Vũng Tàu yêu cầu Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu (VCCT) tạm dừng việc san núi Lớn. Tại thời điểm bị kiểm tra, công ty này đã bạt hơn 8.000 m2 đất núi.

Theo đại diện đoàn kiểm tra TP Vũng Tàu, VCCT bạt núi, san nền khi chưa có giấy phép nên đã yêu cầu tạm ngưng thi công, trong trường hợp có giấy phép thì phải báo cho chính quyền biết để giám sát.

Hồ Mây Park đang cho san phẳng đỉnh núi Lớn Vũng Tàu
Đáng chú ý, khi truyền thông hỏi cơ quan chức năng sao lại thế này, một đại diện của Sở Xây dựng liền phàn nàn rằng: “Họ làm quá nhanh, việc bạt núi chỉ diễn ra trong vài ngày gần đây nên chúng tôi không kịp phát hiện ra. Khi làm việc với chủ đầu tư, họ tỏ ra không biết, hoặc cố tình không biết việc san bạt núi phải có sự đồng ý của các cơ quan chức năng”.

Sự việc có cái gì đó na ná như vụ “cạo trọc đồi núi” ở Nha Trang để làm bất động sản cách đây chưa lâu lắm. Hoặc, chuyện núi Sơn Trà (Đà Nẵng) bị cạo, cũng như trước đó hàng loạt các quả đồi thông và rừng trồng tạo thành hình “con cá ngựa” nhìn ra mặt vịnh Hạ Long thuộc khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long đã bị phá hủy, phân cấp cho hàng loạt các dự án bất động sản cũng vậy..v..v.

Khi bị phát hiện, lên án, cũng có người biện minh rằng: “Thế phát triển mà không cho chặt cây, thay đổi địa hình thì phát triển như thế nào?” Vâng, chính quyền và cả chủ đầu tư thường vẫn khăng khăng bảo vệ dự án khi lấy cái cớ “phát triển kinh tế” hay “mang lợi ích cho dân” để biện minh cho tất cả hoạt động của dự án. Có điều, tại sao những dự án kiểu như thế dân bức xúc? Nếu mang lại lợi ích cho dân thì tại sao dân lại phản đối?

Điểm chung là một khung cảnh thiên nhiên ngổn ngang, bị tàn phá nặng nề. Và có lẽ, những đơn vị thi công họ thực hiện dự án một cách ồn ào, phá hoại nhiệt tình như thế là những người không nắm vững quy trình khi họ không trình báo, báo cáo chính quyền. Mà đã không trình báo đúng quy trình thì nói như đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Ai mà biết để… xử lý!

Dừng ở đây, người viết chợt nhớ đến câu nói này của Giáo sư Joseph E. Stiglitz của trường ĐH Columbia, người từng đoạt giải Nobel kinh tế, ông nói: “Các nhóm lợi ích luôn cố gắng liệt kê lợi ích của người khác vào sự nghiệp chính trị của mình. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy những lợi ích đó thực sự đạt được”.

Tức là, hẳn số đông dư luận cũng đồng tình dưới góc nhìn của người viết khi không ai khẳng định có “nhóm lợi ích” nằm ở cái dự án liên quan đến núi Lớn bị san phẳng, nhưng rõ ràng đang tồn tại sự vô trách nhiệm của chính quyền liên quan đến lĩnh vực đầu tư – xây dựng ở địa phương này.

Không biết sự vô trách nhiệm này là “vô tình” hay hữu ý, nhưng nhìn chung nó đã thành “triệu chứng” của một bộ phận chính quyền địa phương. Hễ mỗi khi có sai phạm lớn gì gì đó thì mặc nhiên câu cửa miệng “chưa nghe cấp dưới báo cáo” và khi sự đã rồi thì các đồng chí nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm… sâu sắc.

Đành rằng, chính quyền không thể “3 đầu 6 tay”, cái gì cũng có thể biết hết. Nhưng vì sao từ việc to đến việc nhỏ, người ta vẫn thành tích thế này, thành tích thế kia, vẫn tham nhũng được đẩy lùi, vẫn trong sạch, vững mạnh... Ấy thế mà, cả một cái đồi, ngọn núi đúng là “to như núi” bị xà xẻo sờ sờ ra đó, xe, máy móc làm việc ầm ầm… mà chính quyền lại không biết vì “họ làm quá nhanh, không báo cáo”. 

Chúng ta là nước đi sau nhưng đã không tránh được vết xe đổ của các nước đi trước. Chúng ta đã dẫm lại các vết xe đổ đó bởi do quá thèm muốn những lợi ích từ thiên nhiên mà đã phớt lờ, thậm chí bất chấp phí tổn môi trường. Để rồi, khi thấy việc đó là sai trái, số đông dư luận phản ứng thì dường như “ván đã đóng thuyền”.

Người ta cố tình lờ đi chuyện phải mất hàng nghìn, chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn năm hoặc lâu hơn thế nữa thì địa hình mới kiến tạo nên những quả đồi, ngọn núi. Mất hàng chục năm để những cánh rừng có thể phát triển xanh mát. Nhưng, chỉ mất một thời gian ngắn hơn như thế rất nhiều, họ có thể san phẳng cánh rừng, họ có thể san phẳng địa hình những quả đồi. Để rồi giờ đây, đất đai ngổn ngang và sau đó, sẽ có những tòa cao ốc, biệt thự… mọc lên sừng sững.

Chính vì vậy, đã đến lúc cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế rằng, các địa phương, chủ đầu tư không nên suy luận kiểu “có phép là đúng”, mà cần cầu thị lắng nghe dư luận trái chiều. Bởi vì “có phép vẫn sai như thường” và hy vọng với tinh thần lắng nghe, cầu thị và mạnh dạn sửa sai nghiêm túc để các vị không mang tiếng vô cảm với tương lai.

Hải Đăng

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét