[Tuổi Trẻ] Tạm dừng thi công dự án lấp biển làm thủy cung ở Vũng Tàu

 

TTO - Ngày 15-10, ông Nguyễn Thành Long, quyền chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã ký văn bản yêu cầu tạm dừng ngay thi công dự án “thủy cung Hòn Ngưu”. Dự án này lấn biển nhưng chỉ đánh giá tác động môi trường là "bụi" và "tiếng ồn".
San lấp, lấn biển làm thủy cung Hòn Ngưu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Sở Xây dựng tỉnh này trước mắt yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công ở phía biển, dừng ngay hạng mục đê kè chắn sóng và san lấp mặt bằng cho đến khi có ý kiến khác của UBND tỉnh.

Tỉnh cũng yêu cầu sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, làm việc với Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, các tác động đến khu vực xung quanh, đặc biệt là môi trường du lịch.

Dự án trên đã được quy hoạch chi tiết từ năm 1998 và 1999. Ngày 8-8-2019, Sở Xây dựng tỉnh đã cấp phép các hạng mục: "san lấp mặt bằng" với diện tích san nền gần 16.000m2, "đê chắn sóng" dài hơn 92m và "đê lấn biển" dài hơn 370m, bãi tắm nhân tạo dài hơn 214m. Theo quyết định điều chỉnh phê duyệt của UBND tỉnh tháng 6-2018, dự án có hai hạng mục lớn là thủy cung cao 3 tầng và khu dịch vụ - nhà hàng - khách sạn cao 3-23 tầng.

Những ngày qua, khi chủ đầu tư tiến hành san lấp, lấn biển đã gặp phải những luồng ý kiến trái chiều, lo sợ phá vỡ cảnh quan của Bãi Trước, Vũng Tàu. Ngày 10-10, ông Vũ Hồng Thuấn - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - đề nghị UBND tỉnh giao các sở, ngành rà soát, nghiên cứu ý kiến đóng góp của người dân cũng như báo chí.

Lấn biển nhưng không đánh giá xói lở, dòng chảy

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án "Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu" hoàn thành tháng 9-2018. Đến tháng 1-2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định phê duyệt ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) dự án. Tại quyết định này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu chủ đầu tư "bổ sung giám sát hiện tượng xói lở, bồi lắng khu vực dự án và lân cận với tần suất 1 lần/6 tháng".

ĐTM của dự án này do một công ty ở Vũng Tàu tư vấn, chỉ có một phần nhỏ đánh giá đến "tài nguyên sinh học" một cách chung chung, không có số liệu khoa học cụ thể, hầu như không có đánh giá gì về xói lở, biến đổi dòng chảy khi lấn biển.

Cụ thể, ĐTM này có nhận định rằng "đất đá rơi, xói lở làm tăng độ đục hoặc giảm diện tích mặt nước nên một số loài động thực vật sẽ bị giảm hoặc không còn". ĐTM này còn viết "do thảm thực vật giảm dần… sẽ kéo theo tình trạng khô hạn, chua phèn hóa các đầm lầy".

"Một phần chất thảo trơ sẽ không thể phân hủy gây cản trở việc lưu thông của dòng chảy, gây mất mỹ quan, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên khu vực".

Tuy nhiên, ĐTM lại kết luận "nhìn chung tác động ảnh hưởng lớn nhất chủ yếu là bụi và tiếng ồn từ quá trình thi công móng bêtông cốt thép và các hạng mục hạ tầng của dự án".

Do không có những đánh giá về xói lở, biến đổi dòng chảy nên ĐTM cũng chủ yếu dự báo những sự cố xảy ra như cháy nổ, tai nạn lao động, rò rỉ nguyên liệu, tràn dầu và sự cố do thiên tai như bão, dông, sóng thần.

Và trong biện pháp "phòng chống sạt lở", ĐTM này chỉ nêu ngắn gọn: "Thi công tuân thủ theo bản vẽ kỹ thuật, phương tiện thi công đào, san, gạt đạt chuẩn để không ảnh hướng đến địa chất vùng bờ biển".

ĐTM này "kiến nghị các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng xem xét tính tích cực trong hoạt động của dự án, tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm đi vào hoạt động".

Người dân ngồi trên bờ kè đường Trần Phú xem lấp biển, làm hạ tầng thủy cung Hòn Ngưu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cần phải làm lại, nghiên cứu lại

Sáng 15-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên viện trưởng Viện sinh thái học - khẳng định: "Quan trọng nhất của một dự án lấn biển, điều kiện tiên quyết khi lấn biển là phải đánh giá thay đổi dòng chảy và giải pháp an toàn".

Theo TS Long, nếu ĐTM của một dự án lấn biển mà chưa có những đánh giá như trên thì hầu như chưa làm gì, vì chưa đánh giá thay đổi dòng chảy thì cũng chưa có giải pháp an toàn cho vùng lấn biển. Biển có dòng chảy ngầm và vùng biển bị lấn có thể gây xói lở bên trái hoặc bên phải.

Nói về khu vực biển Bãi Trước, Vũng Tàu, TS Long khẳng định đây là bãi biển "mềm" và nếu xây kè bêtông, chắc chắn gần như ngay lập tức chỗ khác sẽ bị xói lở. TS Long đã lấy ví dụ về dự án nhiệt điện lấn biển ở Long Phú, Trà Vinh đã làm sạt lở rừng dương cách nhà máy 1km và cho biết đó là hậu quả của lấn biển, bêtông hóa.

"Những vấn đề như triều cường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tính toán đến chưa, đã đề phòng, có giải pháp chưa? Cần phải làm lại, nghiên cứu lại tác động của dòng chảy, của xói lở khi lấp biển làm thủy cung ở Bãi Trước, Vũng Tàu", TS Long đề nghị.

Dự án chậm tiến độ

Tháng 2-2018, Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường của các dự án được giao, cho thuê đất thuộc khu vực ven biển tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trong đó có cụm du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ và cáp treo TP Vũng Tàu.

Cụm này gồm 3 nhóm công trình: cáp treo Vũng Tàu, Khu du lịch dịch vụ Núi Lớn và Khu du lịch dịch vụ Núi Nhỏ. Dự án này do Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu (VCCT) làm chủ đầu tư.

Đối với công trình cáp treo, thanh tra Bộ TNMT kết luận, đến thời điểm thanh tra, còn một số công trình chưa xây dựng, trong đó có "khu thủy cung". Và theo giấy chứng nhận đầu tư đây là dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật đất đai 2013.

Diện tích đất mặt nước rộng 67.416m2 của VCCT được cấp "sổ đỏ" từ 2003, với thời hạn thuê 50 năm. Chủ đầu tư đã đóng tiền thuê đất một lần với hơn 500 triệu đồng.

ĐÔNG HÀ

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét