[Báo BRVT] Xoáy sâu các sai phạm có hệ thống tại dự án cáp treo

 

Phiên chất vấn sôi động ngay từ phút đầu tiên khi ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo kết luận của Thanh tra tỉnh về các sai phạm tại dự án Cụm du lịch Núi Lớn, Núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt là dự án Cáp treo) của Công ty Cổ phần du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu. Đây là nội dung được “ghi nợ” đại biểu và cử tri từ kỳ họp HĐND thứ 6. 
Khu du lịch Hồ Mây trên ngọn Núi Lớn nằm trong dự án cáp treo Vũng Tàu, nơi có tượng phật Di Lặc xây dựng chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.
Trong phát biểu giải trình về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Dũng thẳng thắn thừa nhận,UBND tỉnh đã xác định có 2 nhóm sai phạm cơ bản. Đó là sai phạm từ phía nhà đầu tư (NĐT) về công tác triển khai dự án và sai phạm từ phía các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Về lĩnh vực xây dựng, NĐT đã tự động xây dựng 11 công trình không giấy phép, xây dựng 4 công trình chưa có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất, 6 hạng mục công trình không có trong nội dung đồ án quy hoạch khu biệt thự cao cấp Đồi Mây được duyệt mà vẫn mọc lên.

Nghiêm trọng hơn nữa là tất cả các công trình mà công ty này đã và đang triển khai xây dựng sai lệch vị trí so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt. 

Về lĩnh vực đất đai, NĐT chưa thực hiện theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tự ý san lấp, sử dụng thêm 1.847,9m2đất; không nộp tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư; không chi trả tiền bồi thường cho 4 hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Dũng cho rằng, việc chấp hành không nghiêm các quy định về đất đai và xây dựng của NĐT thuộc dự án Cụm du lịch Núi Lớn, Núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu kéo dài trong 10 năm là có sự buông lỏng trong quản lý cũng như trong công tác tham mưu của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.

Về biện pháp xử lý, ông Lê Thanh Dũng cho hay, tính đến thời điểm này, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã xử lý các thiếu sót, sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về xây dựng và pháp luật về đất đai. Cụ thể là đã buộc tháo dỡ công trình nhà cấp 4 thuộc khu vực Thủy cung Bãi Trước; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tượng phật Di Lặc với số tiền là 35.000.000 đồng; thu hồi 10.169,4m2 đất thuộc dự án Cáp treo; điều chỉnh hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm thành trả tiền thuê đất hàng năm; điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu. Đồng thời, giao cho các sở, ngành liên quan giám sát, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ngay sau phần giải trình của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Dũng, các đại biểu liên tục đặt câu hỏi xoáy sâu vào những vấn đề mà theo họ là chưa thật sự thỏa đáng bức xúc của cử tri. Đại biểu Lương Đức Đích cho rằng sai phạm tại dự án Cáp treo là sai phạm trên nhiều lĩnh vực và sai phạm có hệ thống, sai trên mọi hạng mục, toàn dự án, kéo dài cả chục năm là một sự thách thức dư luận. Sai phạm từ NĐT đến các cơ quan quản lý nhà nước đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày như trên là đã rõ. Nhưng xử lý tất cả những sai phạm đó bằng cách cho phép công ty điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 là không đúng. Ông Đích đặt vấn đề: “Một người dân bình thường xây nhà trái phép, thì ngay lập tức, đội ngũ có trách nhiệm tới phạt hành chính, hoặc yêu cầu tháo dỡ công trình. Trong khi đó, một công trình tầm cỡ có sai phạm, UBND tỉnh cho phép điều chỉnh quy hoạch nhưng chủ đầu tư cũng không thực hiện, vô hình chung sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, rất khó xử lý các trường hợp sai phạm sau này”.

Đáp lời đại biểu Lương Đức Đích, ông Lê Thanh Dũng thừa nhận, việc xử lý các sai phạm của dự án Cáp treo bộc lộ nhiều yếu kém. Dưới góc độ quản lý nhà nước, UBND tỉnh rút ra được nhiều bài học trong công tác điều hành quản lý. Đồng thời đặt nặng trách nhiệm của các cơ quan công quyền. Tùy theo mức độ sai phạm, trách nhiệm của mỗi đơn vị, UBND tỉnh sẽ xem xét từng vấn đề để có hướng xử lý thấu đáo, sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Quan điểm của UBND tỉnh là tất cả những tồn tại, yếu kém, sai phạm phải được giải quyết, khắc phục.

Chưa đồng tình về giải pháp xử lý các sai phạm của UBND tỉnh, đại biểu Trần Thanh Bình nêu ý kiến:  Trong báo cáo giải trình, UBND tỉnh mới xác định được sai phạm và trách nhiệm chính thuộc về NĐT nhưng biện pháp xử lý là hoàn toàn không có. Cách nói UBND TP.Vũng Tàu, UBND các phường 1, phường 5 và Thanh tra Sở Xây dựng “chưa thường xuyên” trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng đô thị tại dự án Cáp treo là chưa thuyết phục…

Cũng về biện pháp xử lý, đại biểu Nguyễn Văn Trình cho rằng, hình thức kỷ luật phải nghiêm minh, không nên đưa sai phạm của ngành, địa phương về cho ngành và địa phương xử lý, chắc chắn sẽ có sự nương nhẹ, “nhìn nhau”.

Trước những yêu cầu cụ thể mà các đại biểu đặt  ra, ông Lê Thanh Dũng khẳng định, tới đây, tỉnh sẽ thành lập Hội đồng phân tích mức độ sai phạm để có hướng xử lý rốt ráo, kiên quyết không để tái diễn sai phạm tương tự. Tỉnh cũng giao cho Sở Nội Vụ tham mưu cho UBND tỉnh để kiểm điểm các cá nhân, cơ quan có liên quan đến sai phạm của dự án Cáp treo Vũng Tàu...

Nói thực tình là 23/23 công trình đều vi phạm là điều mà tôi không thể nào tưởng tưởng được. Tất cả các hạng mục đều xây dựng không đúng vị trí quy hoạch, lấn chiếm đất công. Xử lý chừng đó sai phạm theo kiểu phạt và điều chỉnh quy hoạch là không thể chấp nhận được. Theo đúng lý thì DN phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước. Đằng này, Nhà nước lại điều chỉnh pháp luật, chính sách theo DN. Điều này không ổn, tôi không đồng ý. Đề nghị phải xử lý rốt ráo theo quy định của pháp luật, nói rõ thời gian xử lý là lúc nào và báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh”.
(Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Bình)

Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét