[Báo BRVT - năm 2008] “Chòng chành” cáp treo

 

Chủ Nhật, 23/03/2008, 07:08 [GMT+7]
Cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ, dự án gây nhiều tranh cãi nhất trong các dự án đầu tư du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu từ trước đến nay, theo kế hoạch sẽ hoàn thành giai đoạn I vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế, kế hoạch này e sẽ khó thực hiện nếu thành phố Vũng Tàu, địa bàn “chịu lực” toàn bộ “sức nặng” của dự án và bản thân Công ty Cổ phần Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án, không có giải pháp tích cực vượt lên chính mình để về đích.
Công trình xây dựng Khu nhà ga số 1 tại khu vực Hòn Ngưu
“TRANH” THÌ LỚN

Tên gọi đầy đủ của dự án này là “Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ thành phố Vũng Tàu”.

Đây là dự án có quy mô khá lớn, trải rộng trên địa bàn Hòn Ngưu (Bãi Trước), Núi Lớn, Núi Nhỏ với tổng diện tích 97,2ha. Dự án gồm 10 dự án thành phần: Khu cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ; Khu du lịch (KDL) Mũi Nghinh Phong; Khu vui chơi Hải Đăng (gồm tháp quay, thiên vọng đài, nhà hàng trên núi và một số khu dịch vụ khác); Ô tô ray trên đỉnh Núi Nhỏ; Khu thể thao leo núi và dịch vụ Núi Lớn; Vườn thú tổng hợp Núi Lớn; Tổ hợp khách sạn Đồi Mây – Núi Lớn; Khu thủy cung Hòn Ngưu trước Bạch Dinh; KDL bãi tắm Bãi Dứa; Cải tạo hạ tầng và tôn tạo cảnh quan công trình kiến trúc Núi Lớn – Núi Nhỏ.

Tổng vốn đầu tư của dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp ngày 4 – 5 – 2007 là 1.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp là 300 tỷ đồng (góp bằng tiền là 100 tỷ đồng, góp bằng giá trị xây dựng công trình là 200 tỷ đồng); vốn khai thác từ công trình là 300 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu, kêu gọi đầu tư 400 tỷ đồng; vay vốn ngân hàng 400 tỷ đồng.

Kế hoạch triển khai dự án được thiết kế qua 3 giai đoạn, dự kiến kéo dài trong 13 năm, từ 2003 - 2015. Giai đoạn I (2004 – 2008); Giai đoạn II (2009 – 2012); giai đoạn III (2013 – 2015). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Quy mô và mục tiêu dự án nhằm hướng đến việc xây dựng một khu du lịch văn hoá có các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí liên hoàn, trong đó có loại hình cáp treo đang được khách du lịch ưa chuộng. Có thể coi đây là một bức tranh nhiều sắc màu và đầy kỳ vọng cho du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu một khi các dự án thành phần lần lượt hoàn thiện và đưa vào khai thác.

NHƯNG BỊ ĐỘNG CẢ “VẢI” LẪN “BỘT MÀU”

Nếu ví dự án Cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ như một bức tranh lớn với nhiều sắc màu trên bản đồ du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu thì, bức tranh ấy đến nay, sau 4 năm khởi động, đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Trong đó, “vải chuyên dụng” là đất và loại “bột màu” - vốn đầu tư, hai chất liệu chính để hoàn thành bức tranh, có vẻ như chưa sẵn sàng cho một cuộc triển lãm lớn.

Tại cuộc họp với UBND tỉnh và các ngành chức năng cùng rà soát lại những vướng mắc khi triển khai dự án, ông Trần Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu cho biết, các thủ tục và công việc giải phóng mặt bằng khá nhiêu khê. Đến nay, trong số tổng diện tích 97,2 ha đất dành cho dự án, mới chỉ có 19,5 ha được giải toả đền bù và cấp sổ đỏ. Công ty cũng đã thực hiện đền bù hoàn tất 13,7 ha và đưa diện tích 33,2 ha “đất sạch” này vào triển khai xây dựng các hạng mục giai đoạn I. Cũng theo ông Hùng, diện tích còn lại là 64 ha chưa được giao có rất nhiều loại, thuộc nhiều thành phần sở hữu: đất của dân, đất rừng, đất quân đội, đất công ty Lâm viên cây xanh… chưa nói trước được rằng đến bao giờ mới được “làm sạch” để bàn giao chính thức cho chủ dự án.

Khối lượng công việc đồ sộ đang chờ đợi sự nỗ lực hơn nữa của chủ đầu tư
Ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc công ty CP Du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu tiết lộ, 4 đơn vị cổ đông của công ty đã góp đủ số vốn 100 tỷ đồng, đồng thời thực hiện góp vốn thông qua giá trị công trình đang xây dựng, nên vấn đề tài chính không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo phân tích của một số đại biểu, cơ cấu vốn dự án là chưa hợp lý và có nhiều chỗ hở. Trên thực tế, số vốn bằng tiền mặt (100 tỷ đồng) quá nhỏ so với tổng vốn đầu tư (1.400 tỷ đồng). Hơn nữa, việc góp vốn bằng giá trị công trình cũng rất khó thực hiện và cân đối giữa các đối tác. Cộng cả 2 nguồn này cũng chỉ bằng nguồn vốn dự kiến sẽ thu được từ việc khai thác các công trình sau khi hoàn thành (300 tỷ đồng) - một con số mà chưa biết đến bao giờ sẽ có được khi mà các hạng mục xây dựng còn đang dở dang, có kịp đưa vào khai thác đúng tiến độ dự kiến của giai đoạn I vào cuối năm 2008 hay không? Đó là chưa nói đến hàng loạt các giải pháp khác về vốn như: phát hành cổ phiếu, kêu gọi đầu tư (400 tỷ đồng), vay ngân hàng (400 tỷ đồng) vào thời điểm này e cũng không dễ thực hiện.

HẾT NĂM 2008 SẼ CÓ GÌ CHO DU KHÁCH VUI CHƠI Ở NÚI LỚN?

Trước câu hỏi đặt ra của lãnh đạo tỉnh tại cuộc họp ngày 18 – 3 vừa qua, ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc công ty nói chắc như đinh đóng cột: “Các hạng mục trong giai đoạn I của dự án sẽ hoàn tất cuối năm 2008 và kịp đưa vào khai thác, tạo sân chơi mới cho du khách và người dân địa phương”.

Đó là các hạng mục gì? Xây dựng 3 nhà ga (nhà ga số 1 tại khu vực Hòn Ngưu trước Bạch Dinh, nhà ga số 2 và số 3 trên Núi Lớn), xây dựng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật điện, nước, đường giao thông khu nhà ga số 1 và giao thông nội bộ khu Núi Lớn; Hệ thống cáp treo từ khu nhà ga số 1 lên nhà ga số 2 - Núi Lớn, 1 bãi đậu xe, nhà bán vé, cửa hàng; KDL Đồi Mây – Núi Lớn với 1 khách sạn 5 tầng 150 phòng, 1 nhà hàng phục vụ 200 khách, hồ du lịch, cảnh quan, vườn hoa, công viên, khu dịch vụ vui chơi giải trí, khu biệt thự Đồi Mây…

Theo báo cáo của ông Trần Mạnh Hùng, hiện nay tiến độ thi công các hạng mục của giai đoạn I đã đạt khoảng 80%.

Ngay sau cuộc họp, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát qua các khu vực dự án đang thành hình và nhận thấy rằng các phần việc của giai đoạn I còn khá ngổn ngang. Phía trước Bạch Dinh, việc san lấp đất lấn biển, xây dựng bờ kè đá đã triển khai từ 2 năm trước, nhưng nay, khu nhà ga 1 vẫn còn đang trong giai đoạn xây thô dang dở. Toàn bộ cảnh quan trong phạm vi công trình trên khu vực Núi Lớn cũng không mấy đổi khác. Chủ yếu là cây cỏ, bụi rậm được phát quang. Điện và nước đã được kéo lên. Đường nội bộ đã thành hình, nhưng vẫn là mặt nền đất nện. Các hạng mục công trình được phân chia ranh giới bằng những viên đá hộc xếp cạnh nhau. Quanh khu vực hồ thượng và hồ hạ có sẵn từ nhiều năm nay chỉ mới được tôn tạo bằng những giậu hoa và một chiếc cầu bê tông con con bắc qua hồ. Đi ngang qua 2 lô cốt nửa ngầm dưới đất nửa phô lên trên, Tổng Giám đốc Đậu Thế Anh cho biết sẽ tận dụng xây dựng trên mặt 2 lô cốt này các quán cà phê, giải khát (?). Hỏi về tiến độ xây dựng khách sạn 5 tầng, 150 phòng, ông Hùng cho biết vừa hoàn thành phần hạ tầng và đang kêu gọi hợp tác đầu tư cho hạng mục này. Xa xa là khu đất 2,1 ha (còn đang trong quá trình thoả thuận giải toả) được ông Đậu Thế Anh giải thích là KDL sinh thái – rừng du lịch dã ngoại dành cho các trò chơi đánh trận, vượt chướng ngại vật, máng trượt… vẫn còn hoang sơ giữa cây rừng và những đống đá chẻ. Khu vực cổng vào của dự án có một nhà tạm nho nhỏ dựng 4 – 5 chiếc xe máy và có độ dăm bảy công nhân đang nghỉ nắng. Toàn bộ công trình vắng vẻ không bóng người…

Giai đoạn I của dự án cáp treo Núi Lớn – Núi Nhỏ được coi là phát pháo hiệu đầu tiên khởi động kế hoạch đón khách đến với công trình vui chơi giải trí này. UBND tỉnh đã rà soát, đốc thúc và giao nhiệm vụ cho các cơ quan hữu quan tích cực hỗ trợ chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện từng phần, từng hạng mục công trình. Nhưng đường dây cáp treo xem chừng hãy còn “chòng chành” lắm!

Bài, ảnh: Đỗ Hoàng

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét