Bao giờ cho tới ngày xưa?

 

Trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Lê Huy Mậu, tác giả lời “Khúc hát sông quê”, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bà Rìa - Vũng Tàu. Cảm ơn anh đã có bài “chửi như hát hay” về “cái gai” trong mắt những người yêu Vũng Tàu! - Lời giới thiệu từ anh Thế Hưng.

BAO GIỜ CHO TỚI NGÀY XƯA?

Bãi Trước Vũng Tàu nằm giữa hai ngọn núi, là một cảnh quan của thành phố Vũng Tàu vốn đã rất nên thơ từ bao đời nay. Hai ngọn núi Tương Kỳ và Tao Phùng (tên thường gọi là Núi Lớn và Núi Nhỏ), trời ban cho Vũng Tàu để tạo nên một vùng cảnh quan kỳ thú riêng có cho Vủng Tàu bởi sự hài hòa giữa biển - núi - và thành phố.

Từ ngày đổi mới và mở cửa, kinh tế thị trường, phải ghi nhận là, cùng với cả nước, thành phố Vũng Tàu đã có nhiều thay đổi mới, rất đáng ghi nhận. Những con đường bao quanh biển, với vỉa hè lót đá, có bờ kè sạch sẽ và đủ rộng cho du khách có thể ngồi thư giãn, hóng gió và phóng tầm mắt ra xa với biển cả. Vũng Tàu là thành phố có những đường phố sạch và đẹp thuộc hàng nhất cả nước. Cây xanh hoa kiểng được chăm tưới tươi tốt dọc những con đường từ cầu Cỏ May vào thành phố, khiến cho du khách lần đầu đến VũngTàu phải trầm trồ khen đẹp.

Việc giải tỏa và quy hoạch lại Bãi Trước và Bãi Sau có nhiều tích cực như hạn chế được rất nhiều tệ nạn bán hàng chụp giật, chặt chém du khách. Đó là những cố gắng cần ghi nhận của thành phố. Nhưng, bên cạnh mặt tích cực đó, nhiều năm qua, Vũng Tàu đã mất đi rất nhiều diện tích đất núi, đất hồ tự nhiên và bây giờ đang có nguy cơ lấp biển làm nhà hàng thủy cung, chắn tầm nhìn ra biển của  người dân, du khách đến Vũng Tàu.

Nhìn trên bản vẽ thiết kế về khu xây dựng thủy cung ở Bãi Trước thì thấy, vị trị đặt thủy cung nơi ấy là không hợp lý. Hãy hình dung, Bãi Trước của thành phố Vũng Tàu như cửa sổ đón gió và lấy sáng cho thành phố. Vũng Tàu cảnh quan thiên nhiên độc đáo với Bãi Trước, Bãi Sau, chắn mất mặt tiền Bãi Trước khác gì lấy đi vẻ đẹp của một nửa thành phố này.

Thực ra, thành phố biển Vũng Tàu từ lâu đã lọt vào cặp mắt cú vọ của bọn con buôn thúi tha. Chúng tìm mọi cách để biến vùng cảnh quan kỳ thú này thành mảnh đất sinh lợi lộc cho muôn đời con cháu chúng. Núi Lớn và Núi Nhỏ là hai ngọn núi có thể đẻ trứng vàng trong mắt bọn con buôn. Từng chút một, chúng lấn liếm hết từ chân núi lên đỉnh núi. Thủ đoạn của chúng là vẽ vời ra những dự án có vẻ lương thiện và hợp khẩu vị của chính quyền. Cùng với việc bôi trơn đậm, bí mật khúc (giai đoạn) xin, chạy dự án, tăng tốc lúc ban đầu thi công, lừng khừng lúc bị dư luận la ó và ngấm ngầm bắn tỉa từng lô cốt chống đối chúng, và cuối cùng là người dân thành phố phải chấp nhận bằng sự đã rồi!

Một “đồng chí” bảo tôi, sao anh không có ý kiến gì về việc phá hoại cảnh quan thiên nhiên Vũng Tàu vậy? Em nhớ, vụ phản đối cái dây phơi Bãi Trước có tên anh mà! Đúng thế! Nhưng, mình chả là cái thá gì, ai nghe đâu mà ý kiến, ý cò chi cho mệt. Núi chẳng của ai, biển chẳng của ai, còn nhiều thứ mất đau hơn mất cảnh quan em ơi! Anh già rồi, hết sức rồi, việc ấy giờ là của các em, của những người trẻ, đương chức, đương quyền, các em không ngăn chặn được thì thôi, người già ý kiến có nghĩa lý gì đâu em!

Phát triển kinh tế của một đia phương hay của một đất nước là nhắm vào sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Khi nền xuất còn chưa phát triển, phương thức sản xuất còn lạc hậu, năng suất lao động còn thấp, trình độ dân trí chưa cao, thì việc phát triển các dịch vụ ăn chơi, hưởng lạc, thỏa mãn các nhu cầu bản năng của con người là một sự phát triển lệch lạc, đẩy xã hội tới chỗ suy vong về đạo đức lối sống, đưa đất nước tới chỗ suy kiệt về tài nguyên, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại nghiêm trọng, sớm muộn đất nước ấy cũng sẽ rơi vào tình trạng nhiễu loan và mất kiểm soát.

Nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách, là đề ra được những nguyên tắc bao quát, sao cho, quyền lực quản lý phải được kiểm soát, ai trong xã hội cũng phải sợ pháp luật. Tóm lại là phải phân lập rõ ràng giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp mới có thể chặn đứng được các hiện tượng được sinh ra do cơ chế này!

Cảnh quan đất nước giống như con chuột trong mắt cú vọ của bọn con buôn. Cảnh quan bị theo dõi rình rập khắp mọi nơi. Không cứ gì con chuột béo bùi Bãi Trước Vũng Tàu, mà, biển Long Hải, biển Bình Châu, núi Tương Kỳ, núi Tao Phùng, Núi Dinh … tất tật khi lọt vào tầm ngắm của cú vọ thương trường lợi nhuận, sớm muộn cũng sẽ bị nanh vuốt sắc nhọn của chúng quặp chặt và sau đó nuốt chửng.

Hãy hình dung, một mai, khi muốn lên đỉnh núi Lớn, núi Nhỏ, khi muốn xuống tắm biển Bãi Trước Vũng Tàu, du khách không thể đứng đâu nếu không đứng trên đất của Đậu Văn Hóa và con cháu của lão. Cả khi muốn nhìn ra biển từ hòn Rù Rì đều phải trả tiền cho lão. Ngọn núi từ của chung của thành phố, bãi biển từ của chung của mọi người, trở thành vườn riêng, sân riêng của nhà lão Hóa. Nhờ ai mà Đậu Văn Hóa thâu tóm được cả ngọn núi và sắp tới là cả Bãi Trước Vũng Tàu nữa? Điều này, ắt là phải, có cả một đường dây lợi ích dài dằng dặc phía sau Hóa. Than ội!!

20/10/2019
Chia sẻ từ facebook Huy Mau Le






Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét