'Biển của ta' trên mạng xã hội

 

Lời giới thiệu từ anh Thế Hưng: Trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đăng trên Tạp chí Người Làm báo, nhân sự kiện truyền thông mạng xã hội tham gia mạnh mẽ phản đối hoạt động lấp biển bãi Trước và san gạt núi Lớn, Vũng Tàu. Theo nhà báo Phạm Quốc Toàn, mạng xã hội và báo chí đã có những đóng góp tích cực, xây dựng. Về mặt tích cực này của mạng xã hội, không thể không ghi nhận...
Cảnh biển Bãi Trước của Vũng Tàu

“BIỂN CỦA TA” TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ, tạo ra sự biến đổi truyền thông xã hội sâu sắc. Mạng xã hội ra đời, so với lịch sử phát triển truyền thông chỉ là “đoạn đường ngắn”, nhưng đã phát triển với tốc độ chóng mặt, làm đảo lộn nhiều quan niệm, phương thức hoạt động, ngay trong giới báo chí - truyền thông, làm cho Luật Báo chí trở nên “chiếc áo chật hẹp” đã được sửa đổi, Luật An ninh mạng theo đó đã ra đời, tham gia điều chỉnh mạng xã hội. Mọi thành viên trong xã hội, từ Thủ tướng đến công dân bình thường đều sống chung với mạng xã hội. Trong một cơ quan báo chí, từ Tổng biên tập đến phóng viên, biên tập viên, nhân viên hành chính bình thường sống chung với mạng xã hội và tìm tòi các phương thức ứng xử thích hợp. Thực tế hiển nhiên này, đối với đời sống xã hội đương đại, không thể khác, không ai có thể phủ nhận.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay, ai cũng có thể “hòa quyện” vào thế giới thông tin mạng xã hội. Và hơn thế, ai cũng có thể trở thành phóng viên, biên tập viên đưa tin luận bàn sự kiện; trở thành một chủ thể, mắt xích, cấu trúc, một thành viên của mạng xã hội. Người ta ví von, coi mạng xã hội như một cái chợ trời khổng lồ - hổ lốn trong đó các loại thông tin và đương nhiên có sự luận bàn, sự tương tác trong tổng thể rộng lớn, hay trong từng “Group” chia sẻ, kết nối. Chuyện trên trên dưới biển; trong nước, ngoài nước; chuyện chính trường, đảng phái; anh em, dòng họ, tình yêu gia đình, bếp núc, buồng the; cả chuyện làm ăn, kinh doanh, quảng cáo … hẩm bà lằng dưới mọi lăng kính tùy hứng, không thiếu bất cứ thứ gì.

Một trong những đặc trưng của mạng xã hội, là sự đan xen hai mặt tốt và xấu, trung thực và bịa đặt, xuyên tạc, thậm chí vu khống, bôi nhọ lẫn nhau. Kẻ tung người hứng, vì một động cơ hay sắc thái tình cảm nào đó, nhìn người nhìn việc phiến diện, người ta dễ dàng mạt sát nhau, ném đá nhau, đánh hội đồng không thương tiếc. Cứ nhìn vào tấm gương phản chiếu đó, quả là văn hóa xã hội đang xuống cấp. Giám đốc điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore đưa ra kết luận: “Từ học đường đến mạng xã hội đang là cái vòi bạch tuộc khủng khiếp; Ngày nay, không gian lớp học kết hợp với thế giới bên ngoài cũng đồng nghĩa với giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học. Và tin đồn, tin giả, bịa đặt, xúc xiểm, miệt thị, xúc phạm, bắt nạt học đường cũng không dừng lại ở đó”. Thực tế xã hội ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, không ít học sinh đã rơi xuống hố sâu vì mạng xã hội, không còn gượng nổi, thậm chí do bế tắc nạn nhân đã phải chọn con đường quyên sinh. Người ta không quá lời khi nhận xét: “Cộng đồng mạng đang giết từng người một, người mà họ không hề quen biết. Bàn phím là những con dao, những lời nói được phóng ra lao thẳng vào đối tượng trước mặt, nhưng họ lại lầm tưởng rằng làm như vậy là thẳng thắn, là cá tính”. Văn hóa học đường, sự yên bình nơi trường lớp, sự trong trắng, giàu hoài bão và khát khao hướng tới cái đẹp của tuổi thơ đang đứng trước nhiều thách thức. Bài toán đặt ra là làm cách nào, bằng giải pháp hữu hiệu gì đây để có thể quản lý, hạn chế mặt xấu, mặt tiêu cực của mạng xã hội?
***
Mạng xã hội có không ít thông tin tốt, thông tin hay, trung thực. Có một sự thật là, trong không ít sự kiện, nhờ mạng xã hội mà phát hiện ra sự khó khăn, thiếu thốn nơi này, nơi kia, những hoàn cảnh khó khăn, cần sự cưu mang, trợ giúp của cộng đồng. Qua mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện ra tiêu cực, tham nhũng, sự lãng phí, suy đồi đạo đức xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, lạm dụng xe công, tai nạn giao thông. Mạng xã hội trợ giúp khá hiệu quả việc tìm người thân, bạn bè, tình xưa … Người sử dụng mạng xã hội cần khai thác nó, đãi cát tìm vàng, lựa chọn những thông tin trung thực để “nạp” thông tin hay cho mình. Đặc biệt, đối với người làm báo, việc sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin, khá hữu ích. Thực tế cho thấy, trong các mùa Giải báo chí quốc gia, một số tác phẩm báo chí giành giải cao, đề tài bài viết lại do tác giả khai thác từ sự khởi nguồn của mạng xã hội. Tác phẩm “Bạo lực trẻ mầm non” xẩy ra tại Đồng Nai (Đài PT-TH Đồng Nai); “Cây cầu Hạnh Phúc” tại vùng cao tỉnh Lai Châu (Báo Tuổi Trẻ Tp. HCM) … là những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt giải A, khởi nguồn từ sự phát hiện thông tin trên mạng xã hội.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một ngày đẹp trời, nhà đầu tư nọ ào ạt cho lấp biển xây dựng dự án Thủy Cung, kèm tổ hợp khách sạn 5 sao 23 tầng (!). Từng đoàn xe tải rầm rộ tập kết đất đá lấp biển Bãi Trước, mặt tiền danh thắng Bạch Dinh - bãi biển danh tiếng có hòn Ngưu - hòn Rù Rì, nơi đã có biết bao mối tình của trai tài gái sắc bén rễ. Mạng xã hội vào cuộc, theo đó xuất hiện “Group Facebook”: Vũng Tàu, thành phố tôi yêu. Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận, trong đó có mạng xã hội và của một số cơ quan báo chí chính thống, giữa tháng 10.2019, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã “lệnh” tạm ngưng lấp biển, tạm dừng dự án Thủy Cung. Sau đó, tỉnh đã có văn bản dừng việc xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp 23 tầng, án ngữ khu di tích Bạch Dinh và mặt tiền biển Bãi Trước.

Những vấn đề báo chí và mạng xã hội nêu về sự “vi phạm” của nhà đầu tư, yêu cầu các cơ quan quản lý xem xét làm rõ, để có giải pháp xử lý. Từ đó, tỉnh BR-VT sẽ có chỉ đạo tiếp theo về Dự án Thủy Cung - Bãi Trước, Tp. Vũng Tàu.

Mạng xã hội cũng đã không ít thông tin, bàn luận về các dự án không phép, dự án tàn phá môi trường, môi sinh biển ở Đà nẵng, Nha Trang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn … Biển của ta - rừng vàng biển bạc! Mạng xã hội và báo chí đã có những đóng góp tích cực, xây dựng. Về mặt tích cực này của mạng xã hội, không thể không ghi nhận.
***
Mạng xã hội là thông tin mang tính toàn cầu, không biên giới. Tuy nhiên, mạng xã hội vẫn hoạt động trong một lãnh thổ quốc gia, quốc gia đó không thể không quản lý mạng xã hội. Một Nhà nước pháp quyền, mọi hành vi trong xã hội, bao gồm cả thông tin mạng đều phải được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, phù hợp với lợi ích - an ninh quốc gia. Chấp hành các điều Luật, xử lý nghiêm mình người sai phạm là một chuyện, điều quan trọng hơn chính là xây dựng “văn hóa mạng xã hội”. Sau Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua ngày 12.6.2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Cái dở, cái không hay, sự độc hại của mạng xã hội thì ngăn chặn, xử lý - không cho nó lây lan. Cái hay, cái tốt của mạng xã hội thì khai thác, phát huy. Đó là hai mặt biện chứng mà nhà quản lý và người sử dụng mạng xã hội cần chủ động, tỉnh táo, có cách ứng xử đúng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ việc tổ chức thực thi nghiêm túc Luật An ninh mạng, coi đây là giải pháp hữu hiệu phòng tránh các biểu hiện tiêu cực trong sử dụng mạng, thúc đẩy yếu tố hữu ích, tích cực của mạng xã hội. Cùng với việc thực thi pháp luật, điều quan trọng tiếp theo chính là văn hóa ứng xử, trách nhiệm xã hội và nghiã vụ công dân, khi tham gia mạng xã hội. Hãy nói không với “vô học” trên mạng xã hội. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính mình và gia đình mình. Bản lĩnh và tỉnh táo để khai thác mặt tốt, tính ưu việt của mạng xã hội. Bản lĩnh và tỉnh táo để tránh, không a dua, không bị dẫn dắt bởi mặt xấu, độc hại, sự bịa đặt, xuyên tạc ác ý của mạng xã hội.

Xin trích dẫn tâm sự, chia sẻ của một cư dân mạng, diễn viên người mẫu Bùi Thái Bảo Châu - cũng là nạn nhân của mạng xã hội, để kết thúc bài viết ngắn này: “Tôi mong muốn tất cả mọi người đặt mình vào vị trí của người khác, hãy quan tâm cảm xúc của người khác, bởi ngay cả những lời nói, bình luận trên mạng mà bạn nghĩ rằng vô hại, cũng có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết của một ai đó. Lời nói tiêu cực có tính sát thương mạnh hơn bạn tưởng”…

Nhà báo Phạm Quốc Toàn
(Tạp chí Người Làm Báo, Hội Nhà báo Việt Nam, 11-2019)

Không có nhận xét nào:
Viết Nhận xét