Hiển thị các bài đăng có nhãn lap-bien-bat-nui. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn lap-bien-bat-nui. Hiển thị tất cả bài đăng

[Pháp Luật] Vũng Tàu tiếp tục triển khai dự án thủy cung Hòn Ngưu

 
(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu ủng hộ tiếp tục xây dựng dự án thủy cung tại khu vực Hòn Ngưu song kiên quyết loại bỏ hạng mục khách sạn 23 tầng phía sau nhà ga cáp treo.
Việc san lấp dự án thủy cung Hòn Ngưu bị tạm dừng từ tháng 10-2019.
Ngày 17-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp cho ý kiến về việc có tiếp tục hay dừng xây dựng dự án thủy cung Hòn Ngưu tại Bãi Trước. Dự án này do Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư.

Sau khi nghe báo cáo, các ý kiến của thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Tỉnh ủy thống nhất tiếp tục cho triển khai dự án thủy cung tại Hòn Ngưu. Đồng thời, bí thư chỉ đạo xử lý nhanh các vấn đề còn tồn tại từ phía doanh nghiệp và ngay cả trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận Ban Thường vụ ủng hộ tiếp tục việc xây dựng dự án thủy cung tại khu vực Hòn Ngưu. Tuy nhiên, hạng mục khách sạn 23 tầng phía sau nhà ga cáp treo kiên quyết loại khỏi quy hoạch, không cho phép triển khai.

Theo ông Lĩnh, sở dĩ đồng ý cho dự án thủy cung được đồng ý tiếp tục triển khai là dựa vào một số căn cứ rất rõ ràng như sau: 

Thứ nhất, qua rà soát lại đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, cơ quan chức năng nhận thấy đã đáp ứng được yêu cầu. ĐTM này do các chuyên gia đầu ngành về môi trường tiến hành đánh giá, đủ độ tin cậy, làm chuẩn mực.

Thứ hai, vị trí xây dựng thủy cung Hòn Ngưu phù hợp với quy hoạch mới của TP Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5-2019 và nằm trong hướng phát triển của TP Vũng Tàu.

Thứ ba, nhà đầu tư đã chứng minh năng lực tài chính và cam kết quyết tâm thực hiện dự án đúng tiến độ.

Thứ tư, đây là một sản phẩm mới, độc đáo cho ngành du lịch của Vũng Tàu nói riêng và Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.

Thứ năm, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội đã tiếp cận dự án và cũng thể hiện tinh thần ủng hộ sự phát triển của dự án trong tương lai.

Thứ sáu, thực tế có nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Dubai, đã thực hiện thành công những công trình lấn biển quy mô rất lớn, trở thành điểm thu hút mạnh với du khách. Ở những nơi đó, lấn biển có tác động môi trường nhưng có kiểm soát, khắc chế được để không gây hại. Giá trị việc lấn biển đem lại lớn hơn rất nhiều so với mặt trái của việc này.

TRÙNG KHÁNH

Chuyện xưa nay

CHUYỆN XƯA NAY

Ngày xưa phá núi mở đường
Ngày nay phá núi xem thường nhân dân
Ngày xưa khí phách quân nhân
Ngày này giả cốt doanh nhân làm càng
Ngày xưa vệ quốc lên đàng
Ngày nay lấp biển, phá ngàn hại dân.
Ngày xưa vị quốc quyên thân
Ngày nay lên núi làm quân vô loài.
Xưa nay chỉ cách một hai
Một nên công tích hai tài gian thương.


[Người Lao Động] Công ty Cáp treo Vũng Tàu sai phạm liên miên

 
Du khách khi tham quan núi Lớn ở TP Vũng Tàu không khỏi ngỡ ngàng khi hay tin căn biệt thự bề thế đến vậy lại được xây dựng không phép
Vụ việc Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt là Công ty Cáp treo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm chủ đầu tư Dự án cụm dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, công trình lấn biển Bãi Trước bị dư luận phản đối chưa hết nóng thì mới đây, người dân lại bức xúc khi chính công ty này thực hiện việc san, gạt trái phép diện tích lớn đất trên núi Lớn để xây dựng dự án cụm biệt thự… không phép.

Không tin là sự thật

Ngày 25-2, vừa lên tới cổng khu du lịch trên núi Lớn, nhìn về phía bên trái (phía biển), đã thấy một căn biệt thự bề thế, rộng hàng trăm m2, quy mô 2 tầng đang dần hoàn thiện những công đoạn cuối hiện ra. Nhiều du khách khi lên đây khá tò mò về căn biệt thự này bởi vị trí đẹp, nhìn xuống khu vực Bãi Trước của TP. Không chỉ vậy, cạnh căn biệt thự là đường xi măng và một khuôn viên được trồng cây cỏ lẫn hoa rất đẹp mắt nên được khá nhiều du khách men theo để chụp ảnh, quay phim.

Có lẽ vì căn biệt thự và khuôn viên quá hấp dẫn ánh nhìn nên khi nghe chúng tôi nói đây là công trình xây dựng không phép, sắp tới sẽ bị đập bỏ, đa phần du khách đều không tin. Thế nhưng, khi chúng tôi đưa bài báo để chứng minh thì nhiều du khách mới tin và nói: Thật khó hiểu!

Theo ông Trần Văn Vinh (người dân TP Vũng Tàu), chính việc để công ty này độc chiếm đỉnh núi Lớn dẫn tới việc kiểm tra và xử lý gặp khó khăn, không thể biết được phía công ty đang làm những gì trên núi. Bởi khi công trình ra hình ra dáng thì cơ quan chức năng của TP Vũng Tàu mới phát hiện Công ty Cáp treo thi công không có giấy phép xây dựng tại thửa đất số 41, tờ bản đồ số 55, số 1A đường Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu.

Ngôi biệt thự bề thế sắp hoàn thiện lại xây không phép khiến dư luận đặt không ít câu hỏi nghi ngờ
Trong quá trình làm việc với Công ty Cáp treo, đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu đã kiểm tra thực địa, ghi nhận chủ đầu tư đã san gạt, tạo nền mặt bằng với diện tích khoảng 8.300 m2. UBND TP Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với công ty này về hành vi xây dựng biệt thự trái phép trên đỉnh núi Lớn và yêu cầu Công ty Cáp treo lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với ngôi biệt thự trên trong thời gian 60 ngày (!?).

Tuy nhiên, hết thời hạn 60 ngày, Công ty Cáp treo không xuất trình được giấy phép xây dựng. Lãnh đạo UBND phường 1, TP Vũng Tàu cho hay tháng 2-2020, UBND TP đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình này. Theo đó, yêu cầu trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, Công ty Cáp treo phải thực hiện việc cưỡng chế công trình gồm biệt thự mẫu. Nếu công ty không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường 1, TP Vũng Tàu thông tin vừa tống đạt quyết định đến phía Công ty Cáp treo. Quá thời hạn quy định, phía công ty không thực hiện việc tự tháo dỡ thì UBND phường 1 sẽ xây dựng phương án cưỡng chế để trình UBND TP ra quyết định cưỡng chế biệt thự này.

Sai phạm có hệ thống

Việc để Công ty Cáp treo vi phạm các quy định nhà nước về đầu tư, xây dựng thời gian dài vừa qua, có một phần nguyên nhân không nhỏ đến từ những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng địa phương.

Đó là, khi được cấp phép xây dựng nhà ga số 1, chủ đầu tư đã cố tình san, gạt, lấn thêm hàng ngàn mét vuông bờ biển. Năm 2011, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành thanh tra "việc chấp hành pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng thuộc cụm du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu", chỉ ra hàng loạt sai phạm của công ty này, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý và chấn chỉnh.

Thế nhưng, đến năm 2017, khi tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng của công ty, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại phát hiện thêm các sai phạm khác, có tới 6 hạng mục công trình phát sinh mới, đều không phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500 và không có giấy phép xây dựng, gồm: Chánh điện Hồ Mây, đền thờ các vị anh hùng dân tộc; núi cảnh quan; sân khấu nhạc nước; hồ nước và đường nội bộ.

Đến sự việc công ty lấp biển xây dựng thủy cung cũng vấp phải phản ứng gay gắt từ phía người dân, cùng lúc này lại phát hiện việc san, gạt núi, xây biệt thự khi chưa có sự chấp thuận từ cơ quan chức năng. Có nhiều ý kiến cho rằng liệu có sự dung túng từ chính quyền địa phương để dẫn tới việc công ty này liên tục có nhiều sai phạm nhưng không bị xử lý triệt để. Ông Nguyễn Văn Bình (cư dân TP Vũng Tàu) cho rằng việc chưa được chính quyền địa phương cho phép nhưng công ty vẫn tổ chức san núi thì cũng cần kiểm tra trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngoài ra, ông Bình cũng kiến nghị dỡ bỏ công trình vi phạm, lập lại trật tự để tránh các chủ đầu tư khác làm theo.
Sao lại cho thời gian xin giấy phép?
Lẽ ra xây dựng không xin phép thì phải xử lý đập bỏ, chứ không thể giải quyết kiểu nộp phạt, rồi cho thời gian làm giấy phép xây dựng để hợp pháp hóa cho căn biệt thự đã lỡ xây. Cách hành xử tiêu cực này sẽ là tiền lệ xấu cho "chiêu" cứ xây trước, rồi xin phép sau, cái quy trình "xấu xí" này càng khiến cho tình trạng loạn xây dựng ngày càng nhiều hơn.
Chúng ta vẫn thường nghe những thông điệp về "phát triển bền vững", "phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường", thế nhưng những gì đang xảy ra tại Công ty Cáp treo Vũng Tàu lại đi ngược quan điểm, chủ trương này. Cứ theo cái quy trình "xấu xí" đó thì không bao lâu nữa e rằng núi Lớn và núi Nhỏ chỉ còn lại toàn biệt thự, vì anh làm được thì tôi làm được.
Phá núi Lớn làm cáp treo, xây biệt thự. Lấp biển Bãi Trước làm khách sạn, thủy cung. Tất cả những nội dung vừa kể đã can thiệp thô bạo, phá hủy môi trường sinh thái của địa phương. Bất chấp báo chí, dư luận lên tiếng. Để xảy ra sự việc này trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương ở đâu? Phải chăng chính quyền các cấp đã bất lực trước những sai phạm của chủ đầu tư dự án?
Mai Chân
Bài và ảnh: NGỌC GIANG
Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/cong-ty-cap-treo-vung-tau-sai-pham-lien-mien-20200226214221576.htm

[Báo Đài tiếng nói Việt Nam] Vũng Tàu cưỡng chế biệt thự xây dựng không phép trên núi Lớn

 
VOV.VN - Công ty Cáp treo Vũng Tàu vẫn chưa xuất trình được giấy phép xây dựng nên UBND phường quyết định triển khai kế hoạch cưỡng chế căn biệt thự.
Nhà ga Cáp treo là phần diện tích lấn chiếm.
Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tống đạt quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (viết tắt là Công ty Cáp treo Vũng Tàu) về hành vi xây dựng biệt thự không phép trên đỉnh núi Lớn.

Trước đó, vào ngày 23/10/2019, cơ quan chức năng của Thành phố Vũng Tàu phát hiện và xử phạt Công ty Cáp treo Vũng Tàu 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công công trình biệt thự với diện tích hơn 334 m2 không có giấy phép xây dựng trên núi Lớn (nằm ở phường 1, Thành phố Vũng Tàu).

Công ty Cáp treo Vũng Tàu còn lấp biển để triển khai dự án Thủy Cung - Hòn Ngưu.
Chính quyền địa phương cũng yêu cầu Công ty Cáp treo Vũng Tàu lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với công trình biệt thự trên trong thời gian 60 ngày. Hết thời hạn trên, nếu công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Một lãnh đạo UBND phường 1, TP Vũng Tàu cho hay, do đến thời điểm này, Công ty Cáp treo Vũng Tàu vẫn chưa xuất trình được giấy phép xây dựng nên để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, Phường quyết định triển khai kế hoạch cưỡng chế căn biệt thự trên.

Trước đó, như VOV đã thông tin, ngoài xây dựng không phép căn biệt thự trên núi Lớn, Công ty Cáp treo Vũng Tàu là chủ đầu tư Dự án cụm dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu còn tiến hành san gạt hàng ngàn m2 đất trên núi Lớn, lấp biển để triển khai dự án khiến dư luận tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã “dậy sóng” với nhiều ý kiến trái chiều.

Về lĩnh vực đất đai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho doanh nghiệp này thuê 16,7ha đất để làm dự án trong đó có gần 12 ha chưa được cấp giấy tờ. Cụm Dịch vụ ga Cáp Treo và Thủy cung Hòn Ngưu có 10 dự án thành phần thì đa số đều chậm triển khai. Phần Nhà ga cáp treo đang hoạt động là diện tích lấn chiếm, vi phạm pháp luật./.

Lưu Sơn/VOV-TPHCM

Bài phản biện ngược đời với lo lắng của anh Võ Công Hậu

Nếu trước đây tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là tỉnh đóng góp ngân sách nhà nước đứng hàng thứ ba chỉ sau Hồ Chí Minh & Hà Nội là nhờ dầu khí, nhưng gần chục năm qua dầu khí giảm tăng trưởng cả sản lượng lẫn giá trị nên BRVT tụt hạng, rơi xuống dưới cả Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh... Nói chung là lãnh đạo tỉnh nhà có lẽ là cảm thấy xấu hổ vì ngân sách ngày càng bèo bọt, vị thế tỉnh BRVT bị sa sút, hình ảnh của BRVT không còn đẹp lung linh như thời kỳ huy hoàng dầu khí nữa.
Quang cảnh ngổn ngang ở một góc Bãi Dứa lúc 7 giờ 25/12/2019. Ảnh Võ Công Hậu
Như ông bà ta dạy "có cái khó lại ló ra cái khôn", BRVT còn nhiều tiềm năng có thể tập trung khai thác mạnh mẽ để thu hút được nguồn lực từ nhân dân, nhất là tài nguyên bất động sản ở thành phố Vũng Tàu vì giá cả ở đây chẳng thua kém HCM hay Hà Nội đâu. Thêm nữa, nguồn tài nguyên này dường như là vô tận với thành phố biển Vũng Tàu, bạn biết tại sao không? "Biển rộng mênh mông dường nào", cứ bạt rừng rồi lấy đất đá đó để san biển, một mũi tên mà đạt 2 mục tiêu, diện tích bất động sản tăng gấp hai lần, quả là hiệu suất cao.

Lo lắng của anh Võ Công Hậu
Từ idea tuyệt vời như vậy, Vũng Tàu đang có những cuộc bức tốc phát triển kinh tế ngoạn mục trong thời gian gần đây, tăng trưởng rất cao, đấy là nhờ tầm nhìn & chiến lược đỉnh cao trí tuệ cả đấy. Nhờ vậy mà đời đời ấm no, hạnh phúc.

Nếu có ai có hỏi đánh giá tác động môi trường của việc san biển, bạt rừng ở Vũng Tàu thì không chút nao núng, đã có những giáo sư - tiến sĩ - chủ tịch hiệp hội có đầy đủ cơ sở khoa học là việc làm này hoàn toàn thân thiện với môi trường, tốt với cộng đồng, an toàn 200% & chỉ có một điều duy nhất và cao cả là giúp Vũng Tàu thay da đổi thịt mỗi ngày. Ví dụ trước đây bờ biển là của toàn dân, người dân ý thức kém hay vứt rác bừa bãi thì nay chuyển sang nhóm lợi ích sẽ quản lý nghiêm, thu tiền dịch vụ chuẩn nên bờ biển sẽ sạch sẽ, khang trang hơn rất nhiều. Nhân dân muốn đến với biển chỉ cần trả tiền là được thụ hưởng không khí trong lành, biển sạch mênh mông, còn không có tiền thì hãy nhấn nút biến vì biển chỉ dành cho người có tiền mà thôi. Đấy là con đường của việc san biển, bạt rừng là như vậy, là chiến lược cả, sự thật thì ngay ngày nay đã có nhiều dấu hiệu thấy rõ, chẳng hạn người dân muốn leo lên đỉnh núi Lớn thì chỉ cần bỏ ra 350K nha, nhanh - gọn - chuẩn.

Là công dân tỉnh BRVT tôi có cảm nhận rằng việc san biến bạt rừng chính là năng lực cốt lõi trong giai đoạn hiện tại, bởi tôi thấy hành động vừa nhanh, vừa bài bản, vừa có hiệu suất cực cao, là nhờ sự đồng thuận phối hợp nhịp nhàng giữa tất cả các bên liên quan. Hy vọng BRVT sẽ lại vươn lên top 3 đóng góp ngân sách quốc gia chỉ sau Hồ Chí Minh, Hà Nội như thời vàng son chói sáng & nếu tốt thì tại sao không nghĩ lớn là vươn lên top 1 luôn nhỉ!

[Báo Xây Dựng] Chính quyền bất lực trước sai phạm của chủ đầu tư Thuỷ cung Hòn Ngưu?

 
(Xây dựng) – Đặt câu hỏi tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về văn hóa, du lịch trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm đã đặt câu hỏi phải chăng chính quyền tỉnh bất lực trước những sai phạm của chủ đầu tư dự án Thuỷ cung Hòn Ngưu.
Ông Phan Thanh Bình - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có 2 núi Lớn và núi Nhỏ rất nổi tiếng do đó cần hết sức lưu ý khi khai thác.
Trong đó, ông Tuyết đặt cũng hỏi: Thủy cung đã phê duyệt khá lâu, trong quá trình triển khai thực hiện các cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra… Tuy nhiên khi phát hiện sai phạm có xử lý chưa? Nếu xử lý còn sai phạm thì sao? Doanh nghiệp đã thực hiện hết nghĩa vụ tiền thuê đất của chưa? Hòn Ngưu đã đánh giá tác động dòng chảy, có tổ chức các hội thảo khoa học tác động của thủy cung đến di tích Bạch Dinh chưa? Kết quả xử lý các hạng mục sai phép, không phép trên đỉnh Núi Lớn thế nào?

Sau khi nghe đại diện các Sở báo cáo tình hình triển khai dự án của chủ đầu tư, đặc biệt ông Mai Trung Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo về việc thực hiện quy hoạch đất đai và xây dựng trên đỉnh Núi Lớn đều được làm đúng quy trình, đặc biệt việc xây dựng thủy cung cũng đã được thi tuyển kiến trúc. Nói về việc những sai phạm của chủ đầu tư dự án, ông Hưng cho biết sau khi phát hiện các cơ quan chức năng đã đình chỉ công trình vi phạm chờ chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.

Ông Mai Trung Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo với đoàn về tình hình thực hiện đầu tư của chủ đầu tư Thuỷ cung Hòn Ngưu.
Ông Tuyết chất vấn ông Hưng tại sao đã đình chỉ rồi mà đến giờ chủ đầu tư vẫn thi công. “Chiều qua (chiều 3/12 - PV) lên thấy họ vẫn còn thi công, vậy việc đình chỉ có hiệu lực không. Nếu đã đình chỉ rồi mà họ vẫn thi công chẳng lẽ lại bó tay. Hay bây giờ bất lực”, ông Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm hỏi thẳng lãnh đạo Sở Xây dựng.

Còn theo ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Dự án thủy cung Hòn Ngưu chưa là dự án lớn nhưng cũng đã quá ồn ào. Ông Bình cho rằng khu vực tỉnh cho đầu tư dự án là khu vực có vị trí rất đắc địa, đây có thể trở thành một thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh. Dự án này được thực hiện từ những năm 1998 do đó có tính lịch sử, tuy nhiên, khi phê duyệt lại dự án thì tỉnh cần dựa vào thời điểm năm 2019.

“Cần điều chỉnh dự án theo luật pháp hiện tại, nên nhìn dự án theo tổng thể du lịch của tỉnh, biển là tầm nhìn, thế mạnh, dự án này nằm ở đâu trong tổng thể qua hoạch du lịch của tỉnh, trong một tổng thể cảnh quan của khu vực Bãi Trước. Dự án phải làm sao để tôn lên vẻ đẹp cảnh quan của khu vực. Luật bất hồi tố, tuy nhiên năm 2019 phải điều chỉnh theo luật pháp hiện hành, chú ý giá trị văn hóa và di sản. Đất nước chúng ta giàu về vốn văn hóa, biết giữ gìn và tôn tạo, Bạch Dinh di sản cấp Quốc gia thì phải điều chỉnh theo Luật Di sản, phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôn trọng lịch sử nhưng luật pháp phải đứng trên nhất. Dự án này cần có quy hoạch tổng thể, khái toán tổng mức đầu tư, dự án thành phần, năng lực nhà đầu tư mới thực hiện việc giao đất”, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban khẳng định.

Ngày 3/12 Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã đi thực địa tại 2 khu vực là đỉnh núi Lớn và thuỷ cung Hòn Ngưu.
Ngoài ra, để kết thúc buổi làm việc, ông Bình đề nghị tỉnh cần cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án Thuỷ cung Hòn Ngưu, trong đó, đặc biệt lưu ý đến đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ pháp lý khác.

Trước buổi làm việc, chiều 3/12, Đoàn đã có buổi khảo sát thực địa trên đỉnh Núi Lớn và tại khu vực làm Thủy cung Hòn Ngưu.

Mạnh Cường

[Tuổi Trẻ] Phải xem xét kỹ, cân nhắc dự án thủy cung ở Vũng Tàu

 
TTO - Đoàn giám sát của Quốc hội đã lưu ý với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều vấn đề xung quanh dự án thủy cung Hòn Ngưu. Trong đó, nhấn mạnh cần xem xét, cân nhắc kỹ cũng như tuân thủ luật pháp, đặc biệt là phải tôn lên vẻ đẹp của biển.
Ông Phan Thanh Bình phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 4-12 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sáng 4-12, ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - dẫn đầu ban này làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về văn hóa, du lịch của tỉnh này. Trong đó, có nội dung liên quan đến dự án thủy cung Hòn Ngưu ở bãi Trước, TP Vũng Tàu.

Sau khi nghe ngành chức năng báo cáo về dự án, ông Phan Thanh Bình kết luận và lưu ý với chính quyền tỉnh này nhiều vấn đề liên quan đến thủy cung Hòn Ngưu.

Ông Bình nhấn mạnh vị trí thủy cung Hòn Ngưu và khu du lịch Hồ May của Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu là vị trí "rất đắt" và là vốn quý, là tài nguyên, thế mạnh du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Do đó, ông đề nghị phải "hết sức cân nhắc" và phải nhìn trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh. 

"Nên nhớ biển là thế mạnh là đặc thù của Vũng Tàu, phải tôn lên vẻ đẹp của biển, thế mạnh của biển", ông Bình nói.


Một ý của ông Phan Thanh Bình kết luận về nội dung thủy cung Hòn Ngưu - Video: ĐÔNG HÀ

Về kiến trúc, ông Bình "không dám nói vì không phải là chuyên môn" nhưng ông đặt câu hỏi: "Mặc dù nói khu này nhô lên 15m, còn Bạch Dinh cao 30m nhưng mà nhìn có sướng không? Các vị mua nhà có thích cái gì che trước mặt mình không? Tầm nhìn biển sướng lắm".

Ông Bình cũng thừa nhận tính lịch sử của dự án vì đã có từ năm 1998. Ông lưu ý, nếu vào năm 1998 thì đó là "tầm nhìn xa" nhưng đến 2019 đã là 21 năm thì cái nhìn đã thay đổi, đời sống thay đổi, luật pháp thay đổi. Và dự án này mới được điều chỉnh vào năm 2018, do đó phải nhìn dự án đúng tầm nhìn 2019, hướng đến 2030, 2045.

Ông Bình đề nghị tỉnh hết sức tuân thủ hệ thống luật pháp vì không thể nói dự án được thông qua từ năm 1998 thì bây giờ cứ làm. "Lưu ý Bạch Dinh là di sản quốc gia thì quy định theo Luật di sản, phải rà lại có vi phạm không?", ông Bình nhấn mạnh. 

Bạch Dinh và tòa nhà Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn ra biển. Khu đất mé biển là khu vực vừa được san lấp để làm thủy cung Hòn Ngưu - Ảnh: N.N.V.
Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết dự án thủy cung Hòn Ngưu đã được lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, yêu cầu chủ đầu tư làm đi làm lại nhiều lần cũng như đã mời các chuyên gia về kiến trúc, môi trường thẩm định. Trong đó tỉnh yêu cầu chủ đầu tư không được hạn chế quyền tiếp cận biển của người dân. 

Đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết hiện tại sở đang yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tổng mức đầu tư cũng như cam kết thời gian thực hiện dự án và ký quỹ đầu tư.

Hiện dự án thủy cung Hòn Ngưu vẫn tạm dừng để rà soát lại toàn bộ.

ĐÔNG HÀ

[Pháp Luật] Thủy cung ở Vũng Tàu: Cần có ý kiến của Bộ VH-TT&DL

 
(PLO)- Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị trung ương, bộ, ngành sớm ban hành những quy định cụ thể để hướng dẫn địa phương trong việc triển khai xây dựng các dự án du lịch ở những vị trí "đắc địa".
Ngày 4-12, đoàn công tác do ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác thực hiện chính sách pháp luật về văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, đoàn đã dành một buổi chiều để đi thực địa khu du lịch Hồ Mây của Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu cùng cụm dự án thủy cung Hòn Ngưu - nơi đang tạm dừng thi công do khi triển khai còn có những quan điểm trái chiều dư luận.

Ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) kiểm tra thông tin dự án.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã đặt ra với lãnh đạo tỉnh, sở, ngành các vấn đề về đất đai, triển khai dự án, đánh giá tác động môi trường, cảnh quan liệu có ảnh hưởng tới di tích lịch sử Bạch Dinh, dù theo quan sát di tích cách mặt biển 30 m, dự án thủy cung dự kiến cao 20 m. Đồng thời, vấn đề doanh nghiệp (DN) có nợ thuế 18 tỉ đồng như báo chí phản ánh, việc xử lý sai phạm về xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng của Công ty Hồ Mây… cũng được đoàn công tác nhắc tới.
Báo cáo với đoàn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay trước khi phê duyệt dự án thủy cung Hòn Ngưu, tỉnh đã tiến hành các bước đúng quy định để điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động về môi trường có hội đồng là chuyên gia đầu ngành. Về đất đai, DN có một số sai phạm đã được tỉnh kết luận, đang trong quá trình khắc phục.

Riêng về phần ảnh hưởng cảnh quan di tích Bạch Dinh, theo tỉnh là không có vi phạm. Khi thẩm định, tỉnh cũng đã có những yêu cầu khắt khe với chủ đầu tư để tăng không gian tiếp cận biển cho người dân. Còn thông tin DN nợ tiền thuế đất 18 tỉ đồng, tỉnh đã kiểm tra lại thấy thông tin trên chưa chính xác khi công bố ra ngoài…

Tỉnh cũng sẽ làm việc với DN để xác định phần ký quỹ đầu tư dự án thủy cung và các tiểu hạng mục dự án còn lại. Liên quan tới việc DN chưa có giấy phép xây dựng “con” cho từng căn biệt thự mẫu dù đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trên Núi Lớn, TP Vũng Tàu cũng đã xử phạt hành chính, yêu cầu DN ngừng xây để hoàn thiện thủ tục.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị trung ương, bộ, ngành cần sớm ban hành những quy định cụ thể để hướng dẫn các địa phương trong quy hoạch, cấp phép, quản lý các loại hình dịch vụ du lịch; việc triển khai xây dựng các dự án du lịch ở những vị trí "đắc địa" như mặt tiền biển, núi...

Ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đánh giá khu vực Bãi Trước, vị trí dự án Hòn Ngưu, là một trong những vị trí đắc địa nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để phát triển du lịch. Do đó dự án có thể triển khai nhưng khi làm cần đánh giá thật kỹ, chặt chẽ về môi trường, quy định của pháp luật, xứng tầm với vị trí của dự án.

Theo ông Bình, từ năm 1998, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch khu vực Hòn Ngưu để làm thủy cung, sau đó DN mới xin đầu tư. Quy hoạch thể hiện tầm nhìn xa về phát triển du lịch của lãnh đạo tỉnh thời ấy cho toàn khu vực Bãi Trước. Tôn trọng lịch sử thực hiện dự án nhưng hiện nay khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cần có tầm nhìn ở hiện tại, tương lai năm năm sau, thậm chí tận tới năm 2045… để đánh giá toàn diện hơn.

Thời điểm phê duyệt tự án không phải xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL về cảnh quan có ảnh hưởng di tích hay không. Nhưng theo ông Bình, tỉnh cần phải có ý kiến của bộ. Đoàn cũng sẽ có ý kiến về việc sớm ban hành các quy định pháp luật để triển khai xây dựng dự án ở những vị trí đắc địa như đề xuất của tỉnh...

Được biết trong tháng 12-2019, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ họp lại để đánh giá, quyết định "số phận" dự án thủy cung Hòn Ngưu.

TRÙNG KHÁNH

Lời nhắn nhủ dễ thương!


Nó không phải là một thằng duy nhất

Nó là nhóm, là phường, là bè lũ cọng sinh

Không do đói, mà do tham, do dốt

Nó chả sá gì tạo hóa với thiên nhiên!

Nó chẳng biết để viền cong Bãi Trước

Biển phải triệu triệu năm tung sóng vào bờ

Biển và núi của gì cha chúng nó?

Mà san, mà lấp, mà chiếm riêng mình?

Không thể nói bằng lời phải -quấy

Mà phải nói với chúng bằng ngôn ngữ của Thiên Lôi

Khôn ngoan nhất là trả lại nguyên hiện trạng

Bằng không- lưỡi- tầm- sét thay lời!

Theo chia sẻ từ facebook Huy Mau Le