Hiển thị các bài đăng có nhãn tin-tuc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tin-tuc. Hiển thị tất cả bài đăng

Lãnh đạo TP Vũng Tàu nói về việc chặt 51 cây cổ thụ làm đường

 

(PLO)- Lãnh đạo TP Vũng Tàu bày tỏ sự trân trọng với những quan tâm, ý kiến của người dân trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công đường Thống Nhất.


Cây xanh trước cổng phường 1 bắt đầu bị chặt hạ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ảnh:TK


Theo ghi nhận của PLO, những ngày qua, trên mạng xã hội vẫn còn nhiều người dân Vũng Tàu bày tỏ quan điểm trái chiều xung quanh việc chặt hạ 51 cây xanh, trong đó có nhiều cây xà cừ cổ thụ để phục vụ thi công đoạn đường Thống Nhất kết nối ra khu vực biển Bãi Trước.


Từ những băn khoăn, ý kiến trái chiều này, PV đã trao đổi thêm với ông Hoàng Vũ Thảnh, quyền Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu. Ông Hoàng Vũ Thảnh cho biết, những ngày qua lãnh đạo TP đã tiếp nhận, nắm bắt tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của người dân khi hàng cây bị chặt để làm đường.


Theo ông Thảnh, lãnh đạo TP trân trọng và chia sẻ sự quan tâm của người dân. Người dân và cả lãnh đạo TP Vũng Tàu đều rất yêu cây xanh, cố gắng bảo vệ, vun trồng tạo dựng thêm mảng xanh cho TP. Khu vực, cây nào có thể di dời để trồng mới ở nơi khác TP sẽ thực hiện ngay. Tuy nhiên trong trường hợp này rất tiếc vì không thể giữ lại được.


.PV: Thưa ông, vì sao phải chặt bỏ số lượng cây nêu trên, liệu có thể di dời gốc cây để trồng ở nơi khác?


+ Ông Hoàng Vũ Thảnh: Đó là để thực hiện quy hoạch đường Thống Nhất đã được Thủ tướng phê duyệt. Thứ nữa là khi thiết kế, UBND tỉnh đã họp nhiều lần, có sự tham dự của các sở, ngành có ý kiến trước khi thông qua...Việc đánh giá hiện trạng cây xanh, phương án chặt hạ cây không chỉ là ý kiến của TP Vũng Tàu.


Trước đó cũng có ý kiến giữ lại cây. Tuy nhiên, sau khi các sở ngành có ý kiến, chuyên gia đánh giá tại một số hội thảo thì số cây này có cây đã hết tuổi thọ, cây có hiện tượng sâu và không đảm bảo an toàn nếu như có gió, bão. Do đó không thể di dời trồng lại. Thực tế thời gian trước một số cây cổ thụ cũng đã bật gốc, gãy đổ đè vào nhà dân, người đi đường khi có giông, lốc, bão. Cây nằm ở tim đường...


Hàng xà cừ trên đường Trương Công Định bị "bó" trong dải phân cách chật hẹp. Ảnh:TK

Rễ cây phát triển, bung lên khiến mặt đường, dải phân cách bắt đầu hư hỏng. Ảnh:TK

.Năm 2019 thi công tuyến đường Trương Công Định, TP Vũng Tàu quyết định giữ lại hàng xà cừ cổ thụ. Vậy nay tại sao không giữ lại hàng cây khi làm đường Thống Nhất?


+ Ông Hoàng Vũ Thảnh: Tuyến đường Thống Nhất mới rộng 33 m, trong khi đường Trương Công Định chỉ rộng 21 m. Những cây xanh trên đường Trương Công Định nằm trong phạm vi dải phân cách đường nên quyết tâm giữ lại dù thi công, làm hệ thống cáp ngầm khó khăn.


Để giữ lại cây xanh trên đường Trương Công Định phải đổ bê tông thép để gia cố, ghìm xuống nhưng rễ cây vẫn bung lên, hỏng mặt đường. Gần đây một số người dân sống bên đường có ý kiến khá khó khăn trong việc ra vào nhà, kinh doanh vì vướng dải phân cách phía trước khi giữ lại hàng cây xà cừ.


Để khắc phục, hàng năm phòng quản lý đô thị và các đơn vị phải đi khảo sát, có thể phải cắt tỉa một số rễ cây. Nhưng cắt rễ thì khiến cây dễ đổ. Thời gian qua khi giông, bão đã có một cây bung gốc lên đổ vào nhà người dân. Đây là vấn đề rất khó xử lý.


Thi công đường, TP sẽ trồng loại cây quý, có giá trị hơn và phù hợp với quy hoạch hơn đó là cây “Cẩm lai Bà Rịa”. Riêng đối với Nhà thờ Vũng Tàu là công trình kiến trúc cổ, gắn với TP từ khi thành lập sẽ giữ nguyên và cải tạo, làm lại hai đường nhánh hai bên trước khi ra đường Trần Hưng Đạo đến đường Quang Trung, biển Bãi Trước.


Quan điểm của TP vẫn là cây nào phù hợp, không ảnh hưởng tuyến đường vẫn cố gắng giữ lại...


TRÙNG KHÁNH

Hàng cây và con đường

 

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội bàn tán xôn xao việc chặt hạ hàng cây cổ thụ trên đường Thống Nhất (TP. Vũng Tàu) để làm dự án mở rộng, nâng cấp con đường này. Có 2 luồng ý kiến: một là không nên chặt, phải giữ lại hàng cây trăm tuổi của Vũng Tàu; hai là phải hy sinh cây xanh để có con đường rộng rãi. 

Hàng cây trăm tuổi đường Thống Nhất, TP Vũng Tàu trước ngày bị cưa để dành chỗ làm đường

Về lý do phải chặt hạ hàng cây, cơ quan chức năng và chính quyền TP. Vũng Tàu cũng đã giải thích trong bài “Vì sao phải chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất?”, đăng trên báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là bởi, hàng cây này nằm trong tim đường sau khi mở rộng. Và từ khi có chủ trương dự án nâng cấp, kéo dài con đường này, cơ quan chức năng đã tính toán kỹ “lợi - hại” khi “làm đường - chặt cây”.


Và chúng ta cần có cái nhìn đa chiều, thấu đáo để nhận xét về sự việc. 


Trước tiên, phải khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước là, không hy sinh môi trường để đánh đổi mục tiêu khác. Trong nhiều năm qua, chủ trương của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng là “không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Việc chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất để làm con đường này, chắc chắn cũng đã được dùng “kim chỉ nam” trên để xem xét. Trên thực tế, mới đây Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho dừng dự án tái định cư ở Côn Đảo để giữ lại rừng dầu quý hiếm cho đảo ngọc. Việc giữ lại cây xanh khi mở rộng đường cũng đã được TP. Vũng Tàu thực hiện khi mở rộng đường Trương Công Định cách đây vài năm. 


Đường Thống Nhất là một trong những trục chính, thẳng ra biển. Nhưng con đường này bị cắt làm đôi vì chưa thể kết nối, liền mạch. Do đó, đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến Nguyễn An Ninh của con đường, được người dân quen gọi là “Thống Nhất mới”. Khi đường Thống Nhất liền mạch, rộng rãi, chắc chắn giúp giảm bớt áp lực giao thông cho những con đường khác cùng hướng ra biển như: Bacu, Trương Công Định, Nguyễn Văn Trỗi,... 


Hơn thế nữa, khi hoàn thành, con đường sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh du lịch cho thành phố biển. Trong tương lai không xa, Vũng Tàu sẽ phát triển nhanh, mạnh, dân số cơ học tăng, thì hiện tại, việc có những con đường xương sống đủ rộng, đủ lớn là để đón đầu xu hướng, là để thực hiện “hạ tầng phải đi trước một bước”. 


Rất chia sẻ và đồng cảm với những người có ý kiến cho rằng cần phải giữ lại hàng cây. Bởi ngày nay, với thực tế của biến đổi khí hậu, rất cần có cây xanh. Hầu như mỗi người đều có ý thức yêu thiên nhiên, yêu cây xanh, yêu môi trường trong lành. Hàng cây đang phải chặt phá đúng là có những cây cổ thụ. Nhưng không phải tất cả đều là cây gỗ quý hiếm, nằm trong “sách đỏ”, cần bảo tồn. 


Như vậy, xét cho cùng, việc chặt cây xanh để mở rộng, làm cho đường Thống Nhất liền mạch, nối từ Tượng đài Dầu khí ra Bãi Trước là vì mục đích dân sinh, mục tiêu phát triển lâu dài. 


Cây xanh không thể trường tồn, cũng có tuổi thọ. Nhưng những con đường chính, xương sống cho một cộng đồng dân cư, chắc chắn sẽ trường tồn. Bởi đó là cơ sở hạ tầng, là mấu chốt cần có đầu tiên cho sự phát triển. 


Việc này cũng tương tự như ở TP.Hồ Chí Minh phải bỏ cây xanh ở trung tâm để nhường đất cho dự án metro. Đặc biệt hơn nữa, việc chặt hơn 50 cây xanh ở đường Thống Nhất mới càng không phải là việc “chọn cá hay chọn môi trường”. Ngoài ra, hoàn toàn có thể phục hồi nhanh cây xanh hai bên đường này bằng cách đầu tư tiền, trồng những cây xanh đã cao lớn.


Hãy yêu cây xanh bằng những việc làm thiết thực. Đó là không phá cây vì tư lợi, vì mục tiêu nhỏ. Và nếu phải chặt bỏ 1 cây vì sự phát triển chung, phải trồng lại 2 cây.


Con đường Thống Nhất sẽ khang trang và rộng rãi hơn sau khi thực hiện dự án này

LÊ ĐÌNH THÌN

Vì sao phải chặt hạ cây xanh trên đường Thống Nhất?

 
Từ ngày 8/3, một số cây xanh trên tuyến đường Thống Nhất (đoạn trước UBND phường 1, TP. Vũng Tàu) đã bắt đầu được chặt hạ để phục vụ việc thi công công trình đường Thống Nhất (nối dài). Vì sao phải chặt hạ những cây xanh này là điều được nhiều người dân quan tâm.
Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu cắt hạ ngọn cây trên đường Thống Nhất chiều 9/3.

Theo Quyết định phê duyệt dự án số 2952/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh, đường Thống Nhất (nối dài) được đầu tư đồng bộ các hạng mục: Nền đường; vỉa hè; hệ thống thoát nước mưa, hào kỹ thuật; hệ thống thoát nước thải; hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh; báo hiệu an toàn giao thông... Tổng chiều dài tuyến đường hơn 1.825m, gồm 2 đoạn. Tuyến chính có điểm đầu tuyến giao với đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối tuyến giao với đường Lê Hồng Phong, tổng chiều dài hơn 1.492m. Tuyến nhánh có điểm đầu là đảo tròn (Km0+834.92m), điểm cuối tuyến giao đường Xô Viết Nghệ Tĩnh với tổng chiều dài khoảng 332m. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình 882 tỷ đồng.

Công trình đường Thống Nhất (nối dài) gồm nhiều gói thầu. Trong đó, gói thầu chặt hạ cây xanh (gói thầu số 10) do công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC) thực hiện. Ông Trịnh Trọng Tấn, Phó Trưởng Phòng kế hoạch UPC cho biết, để phục vụ thi công công trình, sẽ có 51 cây xanh phải chặt hạ. Các cây xanh này nằm trên vỉa hè các tuyến đường Thống Nhất, Lê Lai, Lê Hồng Phong, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các chủng loại cây gồm: xà cừ, sanh, me tây, gừa, nhạc ngựa, bàng, xoài, lộc vừng, sao, giáng hương… Trong đó, 15 cây xà cừ khá lớn được xếp vào nhóm cây loại 3, người dân thường gọi là hàng cây cổ thụ.

Qua khảo sát hiện trạng cho thấy, các cây xanh này được trồng từ hàng chục năm, không thẳng hàng (so với tim tuyến đường hiện hữu) và nằm cách tim đường từ (3,5-5,5m). Đặc biệt, các cây cổ thụ trên đường Thống Nhất có đường kính khá lớn, phần thân sát gốc và bộ rễ ăn cả ra mặt đường hiện hữu. 

Bà Nguyễn Xuân Bằng (49 Lê Lai, phường 3, TP. Vũng Tàu) cho biết, cách đây hơn 60 năm, khi gia đình bà chuyển đến sinh sống tại đây, bà đã thấy hàng cây xà cừ trên đường Thống Nhất cao lớn. “Thấy hàng cây bị chặt hạ, tôi cũng rất tiếc nhưng tôi nghĩ trước khi thực hiện, cơ quan chức năng đã khảo sát kỹ mới đưa ra quyết định. Có lẽ việc này nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến đường khi mở rộng”, bà Bằng nói. 

Ông Quách Tiến Đạo, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 - đơn vị được giao quản lý dự án cho biết, khi tuyến đường được đầu tư mở rộng, toàn bộ công trình nổi cũng như ngầm nằm giữa mặt đường đều phải di dời, trong đó có hạng mục cây xanh. Khảo sát cho thấy, 51 cây xanh 2 bên tuyến nằm cách tim đường hiện hữu từ 3,5-5,5m, trong khi mặt đường Thống Nhất mở rộng mỗi bên tăng lên 11,5m (10,5m mặt đường và 1m dải phân cách giữa). Hơn nữa, các cây xanh trên đã được trồng từ lâu, không cùng thời điểm trồng, không thẳng hàng so với tim đường nên để bố trí một dải đất để giữ lại là không khả thi. “Từ các phân tích trên, việc phải chặt hạ những cây xanh này để thi công tuyến đường là cần thiết. Sau khi tuyến đường được xây dựng, hệ thống cây xanh 2 bên vỉa hè sẽ được trồng mới là cây cẩm lai Bà Rịa”, ông Đạo thông tin thêm. 

Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP. Vũng Tàu cho hay, cây xanh, đặc biệt là các cây lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với các đô thị. Ngoài việc tạo bóng mát, cây xanh còn tạo nên vẻ đẹp cổ kính của đô thị. Việc bảo tồn và gìn giữ là quan trọng, cần phải xem xét cụ thể đối với từng cây khi xây dựng các công trình mới. Công trình đường Thống Nhất (nối dài) đã được chủ đầu tư cũng như các sở, ban, ngành xem xét cẩn trọng, thấu đáo việc chặt hạ hay giữ lại cây xanh khi xây dựng tuyến đường ngay từ khi có chủ trương đầu tư. 

Theo ông Thụy, dự án đường Thống Nhất (nối dài) là công trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh BR-VT, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân TP. Vũng Tàu. “Khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ góp phần hình thành trục giao thông “xuyên tâm” kết nối từ phường 1 đến phường 12 và khu Trung tâm Hành chính thành phố; tạo thuận lợi cho du khách đến Vũng Tàu vui chơi, du lịch, tạo điều kiện phát triển đô thị 2 bên tuyến, góp phần xây dựng TP. Vũng Tàu ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại”, ông Thụy nói thêm.






Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu: Côn Đảo 'không được phép chặt bất cứ cây dầu nào'

 
TTO - Đó là nhấn mạnh trong chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu với Huyện ủy Côn Đảo xung quanh việc chuẩn bị phá rừng dầu ở Côn Đảo để làm dự án tái định cư.
Một cây dầu lớn trong rừng dầu tự nhiên ở Côn Đảo - Ảnh: Đ.H.

Ngày 25-6, thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu thường trực Huyện ủy Côn Đảo chỉ đạo UBND huyện Côn Đảo tạm dừng việc đốn hạ rừng dầu tự nhiên ở đảo này để làm khu tái định cư mà Tuổi Trẻ Online đã phản ánh (bài "Chuẩn bị chặt hàng ngàn cây dầu tự nhiên ở Côn Đảo để làm dự án tái định cư"). Đồng thời yêu cầu huyện Côn Đảo báo cáo việc triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư trung tâm huyện Côn Đảo về UBND tỉnh và Tỉnh ủy trước ngày 7-7-2020.

Văn bản của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhấn mạnh "không được phép chặt bất cứ cây dầu nào".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu - cũng nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là phải giữ gìn cây xanh, thiên nhiên, nhất là những loại cây đặc hữu của Côn Đảo và khẳng định lại "dứt khoát không chặt bất cứ cây dầu nào".

Một góc rừng dầu cát Côn Đảo - Ảnh: Đ.H.

Trước đó, đầu tháng 6-2020, để triển khai dự án tái định cư có diện tích 16.500m2 trên đồi cao ở trung tâm Côn Đảo, đơn vị thi công đã hạ cây, ủi đường bao quanh, dựng nhà tiền chế. Trên đồi này có hàng ngàn cây dầu tự nhiên, trong đó có cây rất lớn. Đây là loại "dầu cát" ven biển - một đặc hữu của Côn Đảo, khác với các loại dầu khác như: dầu lông, dầu đồng, dầu trà beng…. Các nhà khoa học lâm nghiệp và những người yêu mến Côn Đảo đều phản đối việc này.

Chiều 25-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một kỹ sư lâm nghiệp từng làm luận án về cây dầu cát ven biển cách đây 40 năm (xin không nêu tên) khẳng định cây dầu này rất quý vì có giá trị kinh tế cao và tác dụng chắn gió, cố định đất, chống cát bay, giữ mực nước ngầm.

"Cây dầu có tác dụng như thế, tại sao mình phải chặt phá đi. Phá đi là tự mình hại mình", vị kỹ sư này nói.

ĐÔNG HÀ

Khởi công dự án đường Thống Nhất: Khơi thông con đường huyết mạch ở Vũng Tàu

 
Hôm nay (19/1), Thành ủy, UBND TP. Vũng Tàu tổ chức Lễ khởi công công trình đường Thống Nhất (nối dài). Đây là một trong những công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đường Thống Nhất (nối dài) sẽ được đầu tư đồng bộ các hạng mục: nền mặt đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước…Trong ảnh: Phối cảnh tổng thể đường Thống Nhất (nối dài).


Trong 3 năm trở lại đây, TP. Vũng Tàu đã có nhiều giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, nhiều tiện ích. Nhờ vậy, hạ tầng thành phố ngày càng đồng bộ, khang trang, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhiều dự án giao thông quan trọng bị ách tắc nhiều năm do vướng khâu giải phóng mặt bằng đã từng bước được tháo gỡ và triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động như: dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Bình Giã; Lương Văn Can; Nguyễn Tri Phương; 30/4; Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Thị Minh Khai…

Cây giữa đường, đường né cây vì 'tâm linh'

 
Tại Hà Nội, nhiều cây lớn lâu năm đã bị chặt hạ di chuyển nhường đất cho những công trình cấp thiết. Nhưng cũng có những cây cổ thụ đứng đơn lẻ vẫn yên vị, cho dù ở giữa đường.
Khi một đoạn đường Hoàng Hoa Thám được mở rộng, khi một nhánh đi trên cầu vượt cắt đường Văn Cao và một nhánh đi xuống dưới đã khiến cho 2 cây đa ven đường nay ra chính giữa tim đường.

Đường hơn 6.000 tỷ đồng 'né' cây đa cổ thụ

 
Dù cây đa hàng trăm năm tuổi án ngữ giữa đường nối từ cầu Nhật Tân đến Cầu Giấy, nhưng Hà Nội quyết định giữ lại để bảo tồn.
Dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4 km có tổng mức đầu tư 304,7 triệu USD (tương đương 6,4 nghìn tỷ đồng). Được khởi công từ tháng 3/2012, đến nay dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và hoàn thiện đoạn nối từ cầu Nhật Tân tới Xuân La, còn đoạn Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy đang gấp rút những công đoạn cuối cùng.

Ở tỉnh mà mọi dự án đều phải “né” cây xanh

 

[Dân Trí] Hà Nội những ngày này đang nóng lên kế hoạch đốn hạ, thay thế hàng ngàn cây xanh. Ở một thành phố nhỏ như Trà Vinh, cây xanh lại được coi là báu vật, được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận; mọi kế hoạch làm đường, xây dựng công trình đều phải né cây xanh.

Con đường rợp bóng cây xanh giữa thành phố Trà Vinh

Nghi can cưa hàng loạt thân cây bông giấy ở Vũng Tàu bị bắt

 

Nguyễn Văn Vũ, 51 tuổi, bị bắt khi tiếp tục đi cưa thân cây bông giấy ở TP Vũng Tàu về ươm giống bán, sáng Mùng 3 Tết.

Nghi can Vũ bên gốc bông giấy cắt trộm ở dải phân cách TP Vũng Tàu. Ảnh: Quang Bình.


1h ngày 14/2, cảnh sát tuần tra phát hiện Vũ (ngụ xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) mang theo cưa tay, bao bố, chạy xe máy đến đường 2 Tháng 9. Khi ông ta chuẩn bị cưa trụ bông giấy 13 năm tuổi trồng trên dải phân cách thì bị bắt.


Khám xét khu vườn của Vũ, Công an TP Vũng Tàu phát hiện hơn 10 khúc thân bông giấy dài hơn một mét, đường kính hơn 10 cm đang được ươm trong những chiếc chậu lớn. Có những thân đã mọc cành xanh.


Bước đầu Vũ thừa nhận cắt trộm thân bông giấy ở các đường Võ Nguyên Giáp, 2 Tháng 9 về ươm giống để bán.

Thân cây bông giấy được ông Vũ ươm trong vườn ở xã Long Sơn. Ảnh: Hắc Minh.


Trước đó, hồi đầu tháng 2, nhân viên Công ty cổ phần Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu phát hiện 18 trụ bông giấy 13-15 năm tuổi, cao hơn 2m đang nở hoa bị cưa lấy một đoạn thân. Một số cây trầu bà 2 tuổi trồng dưới gốc cây cọ dầu trên dải phân cách đường 2 Tháng 9 cũng bị cắt trụi.


Ngoài ra, những cây bàng Đài Loan 4 năm tuổi, đường kính 20-22 cm, cao hơn 3 m ở xã Long Sơn bị đẽo quanh gốc, chết dần.

Trụ bông giấy trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Vũng Tàu, chết khô sau khi bị cưa đi đoạn thân, sáng 9/2. Ảnh: Trường Hà.


Quang Bình - Trường Hà
Link gốc: https://vnexpress.net/nghi-can-cua-hang-loat-than-cay-bong-giay-o-vung-tau-bi-bat-4235405.html