Tại hội thảo về giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến trong quy hoạch và quản lý phát triển công viên cây xanh đô thị, do Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam vừa tổ chức tại TP. Vũng Tàu, nhiều ý kiến cho rằng, phải đặc biệt chú trọng đến quy hoạch và phát triển cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm và góp phần bảo vệ môi trường.
|
Phát triển mạnh hệ thống cây xanh, cây cảnh ở các công viên, khu đô thị là góp phần mang đến bộ mặt đô thị khang trang, sạch, đẹp. Trong ảnh: Chăm sóc cây hoa tại các công viên ở khu vực TP.Vũng Tàu. |
Trống vắng mảng xanh
Nhu cầu về nhà ở ngày càng gia tăng nên tại các khu đô thị mới, nhà ở có xu hướng được ưu tiên hơn so với các không gian xanh. Điều này đạt được mục tiêu trước mắt là giải quyết đủ nhu cầu ở cho người dân, nhưng không mang lại một môi trường sống tiện nghi, thân thiện và bền vững. Theo TS Trần Thế Mỹ, Chủ tịch Hội KHKT lâm nghiệp TP.Hồ Chí Minh, do điều kiện lịch sử để lại, nhiều đô thị Việt Nam từ loại II trở lên không được quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu mà chủ yếu cơi nới, chắp vá trong quá trình phát triển đô thị, điển hình như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quy Nhơn, Cần Thơ. Vì vậy, vùng nội thành của các đô thị này luôn chật chội, thiếu cây xanh, đặc biệt là cây xanh công cộng do quỹ đất dành để phát triển diện tích xanh, không gian xanh không còn nữa. Chưa kể những diện tích đã được quy hoạch cây xanh còn bị xà xẻo và sử dụng vào những mục đích khác nhau.
Thêm vào đó, việc phát triển cây xanh ở đô thị thời gian qua vẫn còn bất cập và nhiều khiếm khuyết. Ở một số khu đô thị mới, nhiều nhà đầu tư cố tình bỏ quên việc tạo mảng xanh, trồng nhiều cây cho khu đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do thiếu giải pháp phát triển đồng bộ từ quy hoạch, kiến trúc đến công tác quản lý, nên đô thị mọc lên hay mở rộng ra đều thiếu tính thẩm mỹ và nhạt nhòa bản sắc. Cây xanh, một thành tố quan trọng của đô thị, cũng không nằm ngoài vòng hệ lụy ấy. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050 đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, thân thiện với môi trường. Song, đến thời điểm hiện nay, vấn đề quy hoạch và phát triển công viên cây xanh trong đô thị vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay công tác quản lý cây xanh nhiều nơi vẫn còn lỏng lẻo, một mặt ngân sách hạn chế, mặt khác chưa có các ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển cây xanh. Mặc dù các văn bản pháp luật quy định về quản lý cây xanh đã có nhưng khi thực hiện còn nhiều bất cập. Những hành vi xâm hại, bức tử, chặt hạ cây xanh chưa có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hữu hiệu. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, phương pháp tuyên truyền giáo dục người dân có ý thức bảo vệ cây xanh chưa đổi mới.
Theo Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong các năm gần đây diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã từng bước tăng dần lên; như: Huế 18m2/người, Vinh 10,5m2/người, TP.Vũng Tàu 10m2/người, Hà Nội 5,52m2/người, Nam Định 5,39m2/người, Hải Phòng 3,09m2/người, TP.Hồ Chí Minh 2,4m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người.
Đến nay, đã có 45 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý cây xanh, phân công, phân cấp quản lý cây xanh trên địa bàn. Riêng TP.Vũng Tàu hiện nay đang duy trì bảo vệ, chăm sóc 36.344 cây xanh. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu, TP.Vũng Tàu đang phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt từ 12m2 – 12,5m2/người
Cụ thể hóa tiêu chí “xanh”
Ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam cho rằng, các nhà khoa học, quản lý đô thị phải đưa ra quy hoạch về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cây trồng, kỹ thuật, chăm sóc. Đẩy mạnh sự giám sát của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh; đào tạo nhân lực có kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị. Còn theo ông Nguyễn Hồng Tiến, cần có các giải pháp mang tính đồng bộ từ quy hoạch mà trong đó xác định cụ thể đất dành cho cây xanh; đề xuất xây dựng công trình gắn với bảo vệ cây xanh hiện hữu; quản lý chặt chẽ đất dành cho cây xanh; xây dựng và cụ thể hóa các tiêu chí “xanh” trong đánh giá, xếp loại đô thị. Thậm chí, phải có quy định rõ loại cây nào khuyến khích trồng và loại cây cấm trồng ở đô thị, bổ sung các quy định có liên quan đến bảo vệ cây xanh.
PGS. TS Đỗ Tú Lan, Trưởng Ban khoa học kỹ thuật Hiệp Hội cây xanh Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần có những quy định mang tính liên ngành để chế tài cụ thể về việc quản lý cây xanh đô thị, đặc biệt là đối với dự án xây dựng và cải tạo có ảnh hưởng đến cây xanh đô thị. “Phải coi cây xanh là một thực thể đáng quý của đô thị, được quy hoạch rất cẩn trọng và không được tùy tiện di dời hay chặt hạ. Đối với bất kỳ dự án đầu tư nào có ảnh hưởng đến cây xanh đô thị cũng phải lập kế hoạch ngay từ khi thiết kế dự án. Phải có sự tham gia của cộng đồng đối với quy hoạch và dự án phát triển đô thị có ảnh hưởng đến hiện trạng cây xanh đô thị” - PGS.TS Đỗ Tú Lan nói.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu, Nhà nước nên chủ động tìm kiếm, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư các dự án phát triển cây xanh đô thị để bảo vệ môi trường, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, khuyến khích và huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia vào phát triển hệ thống cây xanh. “Theo tôi, việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị là tiền đề thuận lợi để nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ cây xanh, bảo vệ thiên nhiên gắn liền với bảo vệ môi trường sống của cộng đồng dân cư”, ông Tài nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRIỆU VỸ (nguồn: baobariavungtau.com.vn)
|
Thành phố Vũng Tàu luôn có chủ trương và chính sách phát triển mảng xanh đô thị |
ÔNG PHAN HÒA BÌNH, CHỦ TỊCH UBND TP.VŨNG TÀU:
Vũng Tàu đẹp hơn nhờ hệ thống cây xanh, công viên biển
Xác định được vai trò của cây xanh trong phát triển đô thị, mấy năm gần đây TP.Vũng Tàu quan tâm quy hoạch và phát triển cây xanh ở công viên, các đường phố chính, giải phân cách và các nút giao thông, cửa ngõ. Qua đó, tạo diện mạo và bộ mặt đô thị khang trang cho thành phố. Tôi cho rằng, Vũng Tàu đẹp hơn, duyên dáng hơn nhờ hệ thống cây xanh và công viên biển. TP.Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển cây xanh đô thị bằng cách tận dụng và phát huy các điều kiện sẵn có của cộng đồng xã hội, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Link gốc: http://baria-vungtau.gov.vn/sphere/baria/vungtau/page/print.cpx?uuid=5b9091e05256891b87b7c189