[Người Lao Động] Diễn biến mới nhất vụ bạt núi Lớn để xây biệt thự không phép

 
(NLĐO)- Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu- chủ đầu tư dự án lấn biển làm thủy cung đang bị ngưng ở Bãi Trước- vừa bị UBND TP Vũng Tàu ra quyết định phạt hành chính vì xây biệt thự trái phép trên núi Lớn.
Chủ dự án lấp biển còn có hàng loạt hành vi trái phép trên núi Lớn
UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 1-11 cho biết vừa ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu vì hành vi bạt núi xây dựng biệt thự trái phép trên đỉnh núi Lớn, phường 1, TP Vũng Tàu.

Cơ quan chức năng cho biết trước đó đã phát hiện Công ty cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu tổ chức thi công công trình biệt thự với diện tích hơn 334 m2 không có giấy phép xây dựng tại thửa đất số 41, tờ bản đồ số 55, số 1A đường Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu.

Cơ quan chức năng khẳng định ngoài xử phạt số tiền như trên, đã yêu cầu Công ty cáp treo Vũng Tàu lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với ngôi biệt thự trên trong thời gian 60 ngày. Sau thời hạn này nếu vẫn không đáp ứng yêu cầu, công trình sẽ bị cưỡng chế.

H.Xuân

[Phụ Nữ Việt Nam] Xây biệt thự không phép trên Núi Lớn tại Vũng Tàu bị phạt 40 triệu đồng: 'Muỗi cắn inox'?!

 
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu là người ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu do xây biệt thự hoàn toàn không có giấy phép trên Núi Lớn ở thành phố này.
Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu đã thi công công trình biệt thự hơn 334 m2 không có giấy phép xây dựng tại số 1A đường Trần Phú, TP Vũng Tàu. Trước đó, cơ quan chức năng của TP Vũng Tàu đã phát hiện Công ty này thi công công trình biệt thự với diện tích hơn 334 m2 không có giấy phép xây dựng tại thửa đất số 41, tờ bản đồ số 55, số 1A đường Trần Phú, P.1, TP Vũng Tàu. Theo đó, chủ đầu tư đã đổ xong phần mái căn biệt thự mẫu 2 tầng trên đường Trần Phú với diện tích sàn hơn 334 m2 nhưng không có giấy phép xây dựng, đây là dự án thành phần trong tổng thể khu Hồ Mây Park xây dựng khu du lịch, văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng. Trong khi công trình này yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Đỉnh Núi Lớn đã bị băm nát vì các công trình khai thác du lịch của Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu. Ảnh: Đình Nam
UBND TP Vũng Tàu yêu cầu chủ đầu tư trong 60 ngày phải lập thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép đối với công trình này, nếu không sẽ bị buộc tự tháo dỡ công trình hoặc cưỡng chế. Quyết định cũng nêu rõ, Công ty cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ và tùy mức độ vi phạm, Cáp treo Vũng Tàu còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Phía Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu cho truyền thông biết, đã nhận được quyết định xử phạt này, và không có ý kiến hay khiếu nại gì.

Báo Phụ nữ Việt Nam đã có loạt bài phản ánh dự án Khu du lịch núi Lớn - núi Nhỏ, trong đó có cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu lấn biển ở Bãi Trước, Vũng Tàu vừa khởi công đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận vì phá nát cảnh quan khu vực bờ biển, “tư nhân hóa” bãi biển, ảnh hưởng tới tầm nhìn của di tích quốc gia Bạch Dinh.

Núi Lớn, nhìn từ ngoài biển Bãi Trước. Ảnh: Đình Nam
Như chúng tôi đã đưa tin, Khu du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt năm 1999 cho Công ty xây dựng và phát triển đô thị (công ty này sau đó được chuyển thành Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu) .Toàn bộ dự án rộng hơn 96 ha ở khu Hòn Ngưu, khu Núi Lớn - Núi Nhỏ, với 10 dự án thành phần xây dựng khu du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trong thời gian 2004 - 2015. Vào tháng 6/2018, Dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu nằm sát bờ biển Vũng Tàu được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng với quy hoạch chi tiết 1/500. Giấy phép xây dựng với 3 hạng mục được triển khai. Thứ nhất, san lắp mặt bằng gần 16 ngàn m2. Thứ hai, thực hiện đê chắn sóng có tổng chiều dài gần 93 mét. Thứ ba, thực hiện hạng mục đê lấn biển dài hơn 372 mét cùng với bãi tắm nhân tạo dài 214,7 mét.

Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu bắt đầu khởi công dự án vào tháng 7/2019 và ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Người dân Vũng Tàu và các chuyên gia cho rằng, cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu thuộc P.1, TP Vũng Tàu sẽ phá nát cảnh quan khu vực bờ biển, tư nhân hóa bãi biển, ảnh hưởng đến không gian, tầm nhìn di tích quốc gia Bạch Dinh đã được xếp hạng.

Sau khi dư luận phản ứng, động thái mới nhất từ phía địa phương, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản khẩn chỉ đạo Sở xây dựng phối hợp chính quyền địa phương rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án lấn biển. Theo đó, cơ quan công quyền này chỉ đạo Sở xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Vũng Tàu rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án, kiểm tra cụ thể hiện trạng khu vực lấn biển, đề xuất hướng xử lý.

Dự án lấn biển, phá núi của Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu. Ảnh: Đình Nam
Tại cuộc họp của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về dự án này vào ngày 24/10/2019, rất nhiều ý kiến đề nghị cần thanh tra toàn diện dự án, trong đó làm rõ hồ sơ pháp lý về đất đai. Trong đó năng lực tài chính của chủ đầu tư là vấn đề đáng quan tâm khi Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu đang nợ tiền thuê đất hơn 18 tỷ đồng.

Ý kiến của ông Trần Song Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc lấn biển ở Hòn Ngưu sẽ mất vùng bờ và có thể ảnh hưởng, tác động lâu dài, vì vậy nên giữ bờ đá hiện hữu, xem xét lại việc đổ đất, đá lấn biển xây thủy cung.

Ở cách nhìn khác, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn đề nghị cho Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu lấn biển làm thủy cung nhưng không xây tổ hợp khách sạn 22 tầng. Các dự án khác không triển khai làm tiếp. Ông Lĩnh khẳng định: “Văn bản tạm dừng dự án của UBND tỉnh có hiệu lực đến khi chủ đầu tư khắc phục các sai phạm về đất đai, xây dựng; các tồn đọng đã được thanh tra, kiểm tra kết luận. Chậm nhất đầu năm sau, hoặc 2 tháng nữa, báo cáo thường vụ Tỉnh ủy nghe, có niềm tin, đủ cơ sở, thuyết phục sẽ đồng ý để chủ đầu tư tiếp tục xây dựng".

Trong khi việc lấn biển ở Hòn Ngưu còn đang lùm xùm, các chuyên gia và dư luận phản đối gay gắt, thì báo chí còn phát hiện thêm Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu lại sai phạm tiếp khi xây dựng công trình biệt thự hơn 334 m2 không có giấy phép trên Núi Lớn, nằm trong cụm dự án Khu du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ. Nếu như không có truyền thông và dư luận phản ánh, các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có phát hiện ra các sai phạm này hay không? Và việc UBND TP Vũng Tàu ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu 40 triệu đồng, có lẽ chỉ là "muỗi cắn inox"?!  

Biệt thự mẫu được xây trên núi Lớn Vũng Tàu của công ty cáp treo Vũng Tàu dù chưa có giấy phép xây dựng
Đinh Thu Hiền

[VOV] Xử phạt Công ty Cáp treo Vũng Tàu 40 triệu đồng vì xây dựng không phép

 
VOV.VN -Công ty CP du lịch Cáp treo Vũng Tàu thi công công trình biệt thự hơn 334 m2 không có giấy phép xây dựng tại số 1A đường Trần Phú, TP Vũng Tàu.
Cáp treo Vũng Tàu bị phạt 40 triệu đồng vì xây dựng biệt thự không phép trên núi.
Sáng 1/11, UBND Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu về hành vi xây dựng biệt thự trái phép trên đỉnh Núi Lớn.

Trước đó, cơ quan chức năng của Thành phố Vũng Tàu phát hiện Công ty cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu tổ chức thi công công trình biệt thự với diện tích hơn 334 m2 không có giấy phép xây dựng tại thửa đất số 41, tờ bản đồ số 55, số 1A đường Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu.

Ngoài số tiền phạt 40 triệu đồng, TP Vũng Tàu yêu cầu Công ty cáp treo Vũng Tàu lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đới với ngôi biệt thự trên trong thời gian 60 ngày. Hết thời hạn 60 ngày, nếu công ty Cáp treo không xuất trình được giấy phép xây dựng do cơ quan chức năng cấp thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Quyết định cũng nêu rõ, Công ty cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ và tùy mức độ vi phạm, Cáp treo Vũng Tàu còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra./.

Lưu Sơn/VOV-TP HCM

Là người Vũng Tàu, mình ủng hộ dự án Thuỷ Cung Hòn Ngưu.

Dịp lễ 20/10 mình có một số người thân xuống Vũng Tàu chơi, trong đó có vợ chồng anh đồng nghiệp cũ, cũng là anh em chinh chiến các dự án khắp các tỉnh miền tây hồi mình còn làm ở SG.
Tác giả Nguyễn Vĩnh Hoàng Nam
Với tư cách là chủ nhà đồng thời là thổ địa sống gần 30 năm ở cái thành phố biển này, mình cố nghĩ ra một địa điểm thật đặc biệt để tư vấn cho ông anh đi chơi, nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại một hồi thì chỉ có cái Hồ Mây Park đang giảm giá 50% nên giới thiệu cho ông bả trải nghiệm thử. Mang tiếng là thành phố du lịch với vị trí đắc địa, vừa có biển, vừa có núi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thật sự Vũng Tàu lại thiếu đi những sản phẩm giải trí du lịch đúng nghĩa. Đọc tới đây chắc chắn sẽ nhiều người phản đối: vậy Tượng Chúa Kito đâu? Bạch Dinh đâu? Hải Đăng đâu? vân vân và mây mây... Dạ thưa các bạn các địa danh trên đã có từ rất lâu rồi, và đa số khách du lịch rất ít người đến địa điểm trên lần thứ 2. Họ đến Vũng Tàu chủ yếu vì gần, rất tiện cho những dịp nghỉ từ 2-3 ngày, vậy thôi. Tính ra trong khoảng thời gian từ 2005-2017 TP Vũng Tàu hầu như ko có sản phẩm du lịch nào đáng kể ngoại trừ Hồ Mây Park (trong đó sự đi xuống của ngành dầu khí đã ảnh hưởng ko ít đến sự phát triển kinh tế của thành phố biển, và người Vũng Tàu đến thời điểm này mới bắt đầu để ý đến phát triển du lịch). Và cũng chính Hồ Mây Park là công ty duy nhất mang đến cho người dân Vũng Tàu nói riêng và khách du lịch nói chung những sản phẩm có thể nói rất đặc sắc, thậm chí là với thế giới như Nhạc Nước kết hợp mapping, Rạp Full Dome (dạng rạp vòm kết hợp chuyển động) và gần đây nhất là công trình Thuỷ Cung đang thi công.

Điều đáng buồn là công trình Thuỷ Cung mặc dù đã được cấp phép xây dựng đầy đủ nhưng chỉ vì một bộ phận người vì lợi ích cá nhân, trong đó có cả những người mang tiếng là sống tại Vũng Tàu đã sẵn sàng đưa những thông tin sai sự thật gây hoang mang người dân, để rồi bây giờ dự án đã phải tạm dừng chỉ vì 2 chữ “dư luận”.

“Che khuất tầm nhìn Bạch Dinh!?” Chỗ cao nhất của Thuỷ Cung chỉ cao hơn mặt đường 6-10m, còn Bạch Dinh nằm ở vị trí cao 50m. Ko cần nói ai cũng biết là Thuỷ Cung không thể nào gây ảnh hưởng 1 chút đến Bạch Dinh.

Dự án Thuỷ Cung hoàn thành thì ko cần phải nói đến, Chủ Đầu Tư bỏ hàng ngàn tỉ để đầu tư cho một dự án họ sẽ phải mất một khoảng thời gian ko ngắn mới có thể lấy lại vốn, còn du lịch Vũng Tàu sẽ phát triển thêm một tầm cao mới. Nếu ko thay đổi Vũng Tàu sẽ ko bao giờ thoát khỏi tình trạng “du lịch thứ 7”, khách du lịch xuống Vũng Tàu thì sáng tắm biển, chiều đi dạo biển, tối đi ăn đồ biển, sáng hôm sau lục đục về SG.

Nói tóm gọn lại, là người Vũng Tàu, mọi người nên chọn lọc tin tức, đừng để bị ảnh hưởng bởi một bộ phận muốn gây chia rẽ, đưa những thông tin tiêu cực nhằm tư lợi cá nhân, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố Vũng Tàu.

Ông bà mình sống ở Vũng Tàu, ba mẹ mình sinh mình ra ở Vũng Tàu, từ nhỏ đến lớn mình sống ở Vũng Tàu vậy nên chắc cũng được gọi là Người Vũng Tàu.

Là người Vũng Tàu, mình ủng hộ dự án Thuỷ Cung Hòn Ngưu.




Thơ: Tình đầu

TÌNH ĐẦU

Em trở về với góc phố rêu phong
Với đường Vi Ba nơi ta từng hò hẹn
Đây hàng cây vẫn đứng im chờ đợi
Một thời là nhân chứng của tình yêu

Anh từng nói núi lớn này là anh
Còn núi nhỏ kia là em đấy nhé
Cả đời này anh vẫn hoài lặng lẽ
Ngắm nhìn em anh chẳng chán tý nào

Những kỷ niệm của những năm nao
Em vẫn ghi đầy trong trái tim nhỏ
Trở lại đây mà lòng em day dứt
Kỷ niệm xưa đã đốt cháy tim em

Thời gian trôi lòng em vẫn khắc khoải
Anh vẫn là.... Tất cả đối với em
Nụ hôn đầu xao xuyến biết bao nhiêu
Em nhớ mãi... Tím cả hoàng hôn anh ạ

Chia sẻ từ facebook Hà Giang

Núi Lớn và núi Nhỏ ở Vũng Tàu

[Lao Động] Lộ nhiều sai phạm tại dự án lấn biển xây thủy cung khách sạn 23 tầng ở Vũng Tàu

 
Liên quan dự án lấn biển xây thủy cung ở bờ biển TP.Vũng Tàu mà Báo Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp quan trọng để nghe báo cáo về dự án. Tại cuộc họp này, rất nhiều sai phạm của chủ đầu tư đã bị phanh phui khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi về một chủ đầu tư vướng bê bối sai phạm nhưng được chấp thuận triển khai dự án...
Chủ đầu tư còn nợ 18 tỉ đồng

Dư luận địa phương đang rất bức xúc về việc chủ đầu tư đổ đất đá san lấp để triển khai dự án lấn biển xây thủy cung ở bờ biển Vũng Tàu vì lo ngại dự án sẽ gây tác động xấu tới môi trường cũng như cản trở quyền tiếp cận bờ biển của cộng đồng dân cư. Điều lo lắng khác của người dân là chủ đầu tư liệu có đủ năng lực tài chính khi còn nợ tiền của Nhà nước.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức họp nghe các sở ngành báo cáo, cho ý kiến về một số vấn đề trọng điểm trên địa bàn mà dư luận, báo chí quan tâm. Trong đó có vấn đề công trình lấn biển để xây dựng dự án thủy cung Hòn Ngưu của Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu ở biển Bãi Trước, TP.Vũng Tàu.

Theo báo cáo của các ngành chức năng, chủ đầu tư của dự án thủy cung Hòn Ngưu vướng nhiều sai phạm từ đất đai đến xây dựng. Cụ thể, theo báo cáo, Công ty Cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu còn nợ tổng cộng khoảng 18 tỉ đồng tiền thuê đất và tiền chậm nộp. Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, dư luận lo lắng liệu chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án Thủy cung hay chỉ lấn biển rồi để đó. Về tiến độ thực hiện, theo các ngành chức năng, dự án này cũng đã chậm thi công so với giấy phép đầu tư rất nhiều năm.

Về lĩnh vực đất đai, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê 16,7ha đất để làm dự án, trong đó có gần 12ha chưa được cấp giấy tờ. Đáng chú ý, phần Nhà ga cáp treo đang hoạt động có diện tích hơn 1.800m2 là xây dựng trái phép trên đất công; khu vực của dự án thủy cung không nằm trong hành lang bảo vệ bờ biển.

Không chỉ sai phạm dưới bờ biển, ở trên núi Lớn, chủ đầu tư cũng vướng sai phạm. Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, rất nhiều công trình, hạng mục tại dự án này chưa được cấp phép, trong đó có việc san lấp hai khu đất để xây biệt thự trên núi Lớn.

Nhiều lo ngại về một dự án gây nhiều tranh cãi

Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị việc đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển làm thủy cung cần phải thuê tư vấn độc lập, chứ để chủ đầu tư thuê sẽ không khách quan và cần thiết thì nên tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá. Nếu dự án tác động xấu đến môi trường thì dừng dự án.

Trước những quan ngại đó, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục tạm dừng thi công Dự án đến khi nào Dự án thỏa mãn các điều kiện: Khắc phục xong hoàn toàn các sai phạm về đất đai, xây dựng của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần du lịch Cáp treo Vũng Tàu mà các cơ quan Thanh tra, kiểm tra đã kết luận; Kiểm tra toàn diện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; Nhà đầu tư phải chứng minh năng lực, cam kết tiến độ của dự án. Nhà đầu tư và cơ quan chức năng phải hoàn thiện cả ba điều kiện trên, muộn nhất là hết năm 2019 để đầu năm 2020, Ban Thường vụ sẽ xem xét lại. Nếu thấy đủ cơ sở thuyết phục, đủ niềm tin sẽ cho phép tiếp tục triển khai.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Nhu cầu về sản phẩm du lịch của TP.Vũng Tàu rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án thủy cung phải được đánh giá kỹ về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, tác động môi trường. Vì vậy, yêu cầu về quy hoạch phải chuẩn, thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường phải kỹ lưỡng, quan trọng hơn nữa là phải bảo đảm không gian mở của dự án, để không hạn chế quyền của người dân đối với việc tiếp cận không gian tự nhiên vốn có của biển.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét không cho phép xây dựng tổ hợp khách sạn 23 tầng trong dự án thủy cung Hòn Ngưu. Đối với những vi phạm của chủ đầu tư cần xử lý nghiêm, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có quyết định về vấn đề này.

MINH CHÂU

Người dân có quyền lên tiếng khi những quan ngại không có cơ sở để đảm bảo

Dạo này báo chí và dư luận lên tiếng về Dự án thủy cung của Công ty Cáp treo Vũng Tàu nhiều quá, mình cũng không muốn là người đứng ngoài cuộc, bàn quan với những ảnh hưởng đến nơi gọi là quê hương thứ hai này.
Từng làm du lịch, tôi thấy cũng thấu hiểu và chia sẻ với định hướng phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như các doanh nghiệp làm du lịch khi mà thương hiệu du lịch của tỉnh nhà là “đi trước về sau”, nguồn tài nguyên dầu khí ngày càng cạn kiệt và khai thác khó khăn, chưa có một điểm du lịch nào thực sự mang tính dẫn dắt và góp phần nâng tầm hình ảnh du lịch của địa phương.


Dư luận, báo chí đã phân tích rất nhiều về vị ví thực hiện dự án ảnh hưởng thế nào trong sự liên hệ với di tích lịch sử, cảnh quan xung quanh, môi trường, không gian mở cho mọi người và hình ảnh thân quen gắn với bao người dân nơi đây.

Tôi thực sự bận tâm về dự án này về những điều cụ thể như sau:

1. Đã lấy ý kiến, tiếp thu và đánh giá ý kiến, nguyện vọng của người dân chưa?

2. Có biện pháp đảm bảo thực hiện thành công dự án như ký quỹ?

3. Các tác động ảnh hưởng đến môi trường đã được các chuyên gia đánh giá kỹ lưỡng?

4. Sự hài hòa với các di tích lịch sử, không gian khu vực?

5. Có niềm tin về việc triển khai dự án thành công và bài bản hay không khi mà chủ đầu tư vướng vào hàng loạt cái vi phạm?

6. Đằng sau là gì khi hàng loạt các vi phạm đã không bị xử lý hay cho qua?


Cái gì cũng có hai mặt, không thể tuyệt đối và thậm chí là đánh đổi cho cái mới tuy nhiên phải hài hòa và cái giá phải trả là thấp nhất.

Điều tôi lo ngại nhất là dự án triển khai không đến nơi đến chốn, không đủ năng lực để rồi lại thêm một điểm du lịch nhếch nhác, nham nhở và cuối cùng thì không ai chịu trách nhiệm hoặc là chấp nhận khi chuyện đã rồi.

Người dân có quyền lên tiếng khi những quan ngại trên không có cơ sở đảm bảo vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hưởng thụ và bảo vệ của người dân.

Theo chia sẻ từ facebook Hoc Le

Lấn biển Bãi Trước Vũng Tàu là đụng vào đất thiêng!

Việc lấn biển Bãi Trước không những làm mất cảnh quan đẹp nhất của Vũng Tàu, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng như Bảo tàng, di tích danh thắng Bạch Dinh đã được xếp hạng mà còn chôn vùi một nơi thiêng liêng. 
Bãi Trước Vũng Tàu ngày nay
Cách đây đúng 160 năm những người lính của pháo đài Phước Thắng đã anh dũng bắn thần công vào tàu Pháp và sau đó quân, dân ba làng chài Tam Thắng dùng thuyền nhỏ bơi ra biển bất khuất sóng mái giáp la cà với 12 chiến hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm lược Nam Kỳ vào ngày mồng 8 Tết Kỷ Dậu (10-2-1859). Thời điểm kỷ niệm 160 năm đã lặng lẽ trôi qua... BRVT và thành phố Vũng Tàu không kỷ niệm, không một hoạt động gợi nhớ ký ức oai hùng, đi đầu đánh Pháp. Dù sự kiện tương tự, 9-2018, ở thành Điện Hải, sông Hàn, thành phố Đà Nẵng đã long trọng kỷ niệm 160 năm thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng, với rất nhiều hoạt động. Và 20 năm trước, năm 1999, Vũng Tàu đã từng long trọng tổ chức 140 năm sự kiện này ngay trước mặt nơi mà bây giờ đang hối hả san lấp lấn biển (bãi Trước Vũng Tàu)...

Một số phân tích về tác động tiêu cực trong việc san núi Lớn và lấp bờ biển bãi trước của dự án Hồ Mây Park và Thủy cung Hòn Ngưu

Hải dành 60 phút để viết nội dung này, mong rằng ai đó sẽ dành ra 6 phút để đọc, nếu không chúng ta sẽ mất 6 năm để xây dựng và 60 năm để sửa sai (mag liệu có sửa được không?!)
MỘT SỐ PHÂN TÍCH VỀ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TRONG VIỆC SAN NÚI LỚN VÀ LẤP BỜ BIỂN BÃI TRƯỚC CỦA DỰ ÁN HỒ MÂY PARK VÀ THUỶ CUNG HÒN NGƯU.

Giá trị khai thác khu vực biển Bãi Trước, Núi Lớn, Hòn Ngưu.

Khu vực Hòn Ngưu nằm tại bãi Trước, ngay phía dưới Bạch Dinh, là khu vực được quy hoạch nghiên cứu cải tạo, khai thác không gian, cảnh quan, mặt nước. Khu vực này có đặc điểm địa chất, địa hình vùng bờ, chế độ sóng, gió, dòng chảy ven bờ, tình trạng xói lở - bồi tụ, tính dễ tổn thương trước Biến Đổi Khí Hậu như sau: Phía núi, ít có nguy cơ bị xói lở do cấu tạo địa chất bền vững, chủ yếu là những đoạn vách dốc đứng hoặc những đoạn dốc đá thấp thoải dần ra phía biển, vật liệu tích tụ lớp bề mặt chỉ là một lớp mỏng hoặc không có, bao phủ bởi hệ thực vật thân thảo và tiểu mộc, cây thân gỗ chỉ còn thưa, ít. Phần chân núi phía biển phía ngoài có độ dốc lớn. Do địa hình đường bờ trực diện với gió Tây Nam vào mùa khô, sóng tác động vào bờ rất mạnh. Tuy do đặc điểm thạch học được cấu tạo chủ yếu bởi các đá xâm nhập thuộc phức hệ Đèo Cả và đá phun trào thuộc hệ tầng Nha Trang có độ bền vững cao nên biến động đường bờ ở khu vực này chủ yếu là hoạt động mài mòn, đồng thời với mức độ tăng dần của mực nước biển do biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đến vùng bờ nếu tiến hành san lấp biển ở các khu vực vùng bờ.

Tình trạng xói lở - bồi tụ đang xảy ra mạnh mẽ do ở Bãi Sau do khu vực này chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc, cấu tạo vùng bờ chủ yếu là cát sức chịu tải kém, rất dễ gây sạt lở do sóng và dòng chảy ven bờ. Các công trình lấn biển gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và môi trường biển do vật liệu xây dựng, do các khối bê tông lớn làm thành kè chắc sóng, các công trình. Đường bờ biển tự nhiên bị thay đổi, dẫn đến sự biến động của dòng chảy gây xói lở ở các vùng lân cận. Nếu công trình lấp biển ở khu vực Bãi Trước thì khu vực Bãi Dâu - Sao Mai và khu vực bãi tấm Bãi Trước khu vực công viên sẽ bị tác động nghiêm trọng do việc thay đổi dòng chảy ven bờ được hình thành do công trình xây dựng nhân tạo tại Hòn Ngưu.

Khu vực này cần có sự nghiên cứu cải tạo, khai thác không gian, cảnh quan, mặt nước phù hợp. Công trình trên núi hạn chế san ủi, gây xói mòn rửa trôi đất do mất lớp cây phủ tự nhiên, đặc biệt là khu vực đất dốc. Nếu không có quy hoạch và quản lý khắc khe sẽ dễ dẫn đến tai hoạ do các công trình xây dựng ven sườn núi gây ra hiện tượng đổ lở, xói mòn, rửa trôi trên vùng núi dốc xuống khu dân cư bên dưới chân núi. Cần hạn chế mật độ và tầng cao công trình.

Về sinh thái, đô thị Vũng Tàu tuy nhỏ nhưng có hệ sinh thái đa dạng phong phú hệ thống Núi Lớn, Núi Nhỏ, bãi biển trải dài bao quanh, hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực Cửa Lấp - Gò Găng - Long Sơn. 

Về văn hoá xã hội: Đô thị Vũng Tàu mang dấu ấn của đô thị du lịch đầu tiên được hình thành và khai thác của Việt Nam, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, trong đó di tích Bạch Dinh là một di tích đặc biệt, cùng với di tích pháo đài Phước Thắng, VIBA NÚI LỚN đã là điểm nhấn đặc biệt cho ngành du lịch bản địa. Di tích văn hoá là cơ sở hình thành nên giá trị ngành du lịch, không thể xâm phạm, vì khi mất đi sẽ không bao giờ xây dựng và phục hồi lại nguyên trạng. Việc xâm lấn hệ sinh thái tự nhiên, các di tích văn hoá lịch sử khi mở rộng xây dựng các công trình trên Núi Lớn, Hòn Ngưu gây ra những mất mát to lớn cho văn hoá địa phương. Phá núi, lấn biển không làm tăng gia trị kinh tế cho ngành du lịch mà còn làm cho tài nguyên cảnh quan đô thị du lịch bị lãng phí. Điều ngành du lịch tỉnh BRVT cần là một “vẻ đẹp mềm” đặc trưng cho đô thị du lịch, cho thành phố biển. Thiết kế không gian và cảnh quan cần hài hoà, thân thiện môi trường và phát huy được vẻ đẹp thiên nhiên của địa phương. Tôn trọng giá trị lịch sử và di tích văn hoá, dựa vào giá trị này để khai thác hiệu quả mới đảm bảo yếu tố khai thác du lịch bền vững.


Xin trích dẫn nguyên văn nhận xét về đô thị Vũng Tàu trong Thuyết Minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch chung TpVT đến năm 2035 được thủ tướng chính phủ phê duyệt - do bộ xây dựng thẩm định như sau “Với cảnh quan tự nhiên và nhân tạo hiện có, Vũng Tàu thực sự đang là một thành phố Đa dạng - Đặc trưng - Đẹp. Tiếp tục bảo vệ và tôn tạo các vùng cảnh quan tự nhiên, cải tạo hiệu quả khu vực đô thị lịch sử, phát triển các khu vực mới với các giải pháp thiết kế đô thị tốt sẽ là công cụ để Vũng Tàu trở thành điểm đến hấp dẫn. Cảnh quan hấp dẫn là một lợi thế so sánh rất lớn của Vũng Tàu so với các đô thị trong vùng”.




[Phụ Nữ Việt Nam] Dự án lấn biển làm thủy cung tại Vũng Tàu bị chỉ trích phá cảnh quan

 
Dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu lấn biển ở Bãi Trước (TP Vũng Tàu) vừa khởi công đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận vì phá nát cảnh quan khu vực bờ biển, tư nhân hóa bãi biển, ảnh hưởng tới tầm nhìn của di tích quốc gia Bạch Dinh.
Tháng 6/2018, Dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu nằm sát bờ biển Vũng Tàu được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu với quy hoạch chi tiết 1/500. Giấy phép xây dựng với 3 hạng mục được triển khai. Thứ nhất, san lấp mặt bằng gần 16 ngàn mét vuông. Thứ hai, thực hiện đê chắn sóng có tổng chiều dài gần 93 mét. Thứ ba, thực hiện hạng mục đê lấn biển dài hơn 372 mét cùng với bãi tắm nhân tạo dài 214,7 mét.
Hiện dự án này đã thực hiện đổ đất cát để lấn biển. Ảnh: Nguyễn Lưu Sơn
Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu bắt đầu khởi công dự án vào tháng 7/2019 và ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Người dân Vũng Tàu và các chuyên gia cho rằng, cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu thuộc phường 1, TP Vũng Tàu sẽ phá cảnh quan khu vực bờ biển, tư nhân hóa bãi biển, ảnh hưởng đến không gian, tầm nhìn di tích quốc gia Bạch Dinh đã được xếp hạng.

Ông Trần Anh Thiện, Hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định, dự án này hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, tầm nhìn từ hướng di tích Bạch Dinh ra biển.

Còn ông Phạm Chí Thân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngạc nhiên bởi với dự án lấn biển, ảnh hưởng đến cảnh quan và di tích thì cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Tuy nhiên, dự án này các cơ quan cấp phép hoàn toàn không tham vấn ý kiến chuyên gia nào cả.

Tại khoản 1, điều 79, Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo 2016 quy định, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này.

Tính tới thời điểm này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn đang tiến hành rà soát để cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển. Việc các cơ quan chức năng đồng ý cấp phép cho Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu triển khai dự án lấn biển cũng đồng nghĩa với việc bất chấp các quy định của Luật Văn hóa - Di sản, Luật Tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo.

Động thái mới nhất, hiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản khẩn chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp chính quyền địa phương rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án lấn biển. Theo đó, cơ quan công quyền này chỉ đạo Sở xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Vũng Tàu rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án, kiểm tra cụ thể hiện trạng khu vực lấn biển, đề xuất hướng xử lý.

Đinh Thu Hiền

[Lao Động] Phải đảm bảo không gian mở, không hạn chế quyền của người dân

 
Liên quan đến dự án lấn biển xây thủy cung tại TP.Vũng Tàu mà Báo Lao Động đã có bài viết phản ánh, mới đây, ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã họp lắng nghe các sở ngành báo cáo, cho ý kiến về công trình lấn biển để xây dựng dự án thủy cung Hòn Ngưu của Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu ở biển Bãi Trước, TP.Vũng Tàu.
Thiết kế tổng quan dự án xây thủy cung và khách sạn 23 tầng tại bãi Trước Vũng Tàu
Sau khi nghe báo cáo của các sở ngành và ý kiến của các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh - nhấn mạnh, nhu cầu về sản phẩm du lịch của TP.Vũng Tàu là rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án thủy cung phải được đánh giá kỹ về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, tác động môi trường.

Do đó, yêu cầu về quy hoạch phải chuẩn, thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường phải kỹ lưỡng. Quan trọng nữa là phải đảm bảo không gian mở của dự án để không hạn chế quyền của người dân đối với việc tiếp cận không gian tự nhiên vốn có của TP.Vũng Tàu.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét không cho phép xây dựng tổ hợp khách sạn 23 tầng trong dự án này. Do Vũng Tàu có rất nhiều địa điểm để xây khách sạn cao tầng và không nhất thiết phải có khách sạn cao tầng tại dự án lấn biển xây thủy cung. 

HÀ ANH CHIẾN

Tôi không hề phản đối xây dựng thành phố, nhưng rất cần một đầu óc tổng thể để Vũng Tàu được bình yên

Hải Phòng - danh tên là TP hoa phượng đỏ thì cũng không có phượng nở 4 mùa như Vũng Tàu; Hà Nội - danh tên là tình thi của hoa sữa, thì cũng không có mặt hoa sữa bốn mùa như Vũng Tàu;
Biển Vũng Tàu đẹp lắm ai ơi!
Nhiều loài hoa trái nơi đây bốn mùa hiện diện. Vào mùa du lịch, quán cà phê ven núi, tới 10h hơn mới có cảm giác nóng. Còn như tối về gió mang hương biển se lạnh như vào thu, chỉ cần một áo khoác nhẹ, hay một cái khăn choàng thì có thể lang thang đêm với biển.
Điểm nhấn của Vũng Tàu là biển. Mà biển đẹp thời phải có sự hoang sơ bãi bờ. Gia cố xi măng chỉ dành cho những tâm hồn chỉ biết ăn và ngủ.


Tôi không hề phản đối xây dựng thành phố, nhưng rất cần một đầu óc tổng thể để Vũng Tàu được bình yên...

Lấp biển xây dựng thủy cung, khách sạn 23 tầng ở ngay bãi Trước, nơi được xem là lấn vào vùng đất thiêng của Vũng Tàu, nơi mà hàng triệu người dân & du khách được thỏa thích ngắm nhìn biển xanh, lấn biển ở đây còn gây ra tình trạng xói mòn & ô nhiễm môi trường, đều là tác động xấu. Vậy tại sao không nghĩ xây thủy cung hay khách sạn ở một nơi nào khác phù hợp hơn, lý tưởng hơn vì Vũng Tàu đâu có thiếu đất!  


THƠ TẢ CẢNH VŨNG TÀU 
*** 
Núi Lớn là anh, núi Nhỏ là em
Dân Vũng Tàu gọi thế
và họ tạc bao quanh núi Anh núi Em
một con đường nhỏ
vòng vèo hình trái tim…

Lời đồn thổi dễ đến cả ngàn năm
rằng núi Lớn chỉ yêu mình núi Bé
yêu mải mê đến quên trời quên bể
hòn cuội ngủ quên
tiếng hát biển mòn
bốn mùa nghe yêu thương
rủ rê nhau
ùa về chen chúc,
nên trật tự thời gian
lộn tùng phèo
không còn như Ngọc Hoàng sắp đặt
hoa trái, nắng mưa
chẳng chịu theo mùa…

Lữ khách đến rồi đi
có nghe chăng
Vũng Tàu
muôn thuở tình ca…
Tháng 6.2011

Phải hủy bỏ dự án phá núi, lấp biển ở Vũng Tàu

Bao năm nay người Việt yêu Vũng Tàu, đến Vũng Tàu vì cảnh trí thiên nhiên mỹ lệ, sơn thủy hữu tình và khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm. Có mấy người tới Vũng Tàu vì khách sạn, Resort, nhà hàng, khu giải trí, hay cáp treo?
Nay Vũng Tàu đang bị biến dạng bởi nạn xâm hại môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm phạm quyền lợi của cộng đồng mà một trong những thủ phạm là Công ty Cổ phần du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ- Cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt là CTVT).

Núi Lớn Vũng Tàu bị bạt để xây biệt thự tại Hồ Mây park
Cáp treo Vũng Tàu đã sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống:

- CTVT đã tự động xây dựng 11 công trình không giấy phép, xây dựng 4 công trình chưa có quyết định giao đất, 6 hạng mục công trình không có trong nội dung đồ án quy hoạch.

- Tất cả các công trình mà công ty này đã và đang triển khai xây dựng đều sai lệch vị trí so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.

- CTVT chưa thực hiện theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tự ý san lấp, sử dụng thêm 1.847,9 m2 đất; không nộp tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư; không chi trả tiền bồi thường cho 4 hộ dân. (Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

CTVT đã cào phá nghiêm trọng đỉnh Núi Lớn, lấp biển Bãi Trước để xây biệt thự và khách sạn, biến tài sản của toàn dân thành tài sản cá nhân, xâm hại môi trường và quyền lợi cộng đồng.

Nếu Vũng Tàu không bảo vệ môi trường, không giữ gìn di sản thiên nhiên, cứ để cho bọn cơ hội, bọn quan tham móc ngoặc với gian thương vì tiền xẻ núi, lấp biển xâm hại môi trường, phá hoại cảnh quan thiên nhiên thì tương lai Vũng Tàu sẽ thế nào? Núi, biển sẽ ra sao?

Câu trả lời thuộc về ý thức, trách nhiệm của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, của mỗi người dân Vũng Tàu và những người yêu mến Vũng Tàu.

Theo facebook Phạm Văn Hải

[Người Lao Động] Quá bất thường dự án lấn biển Vũng Tàu

 
Những vấn đề liên quan dự án lấp biển làm thủy cung tại Bãi Trước, TP Vũng Tàu "dậy sóng" dư luận những ngày qua tiếp tục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục mổ xẻ
Cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức vào chiều 24-10, do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ trì. Cuộc họp dành nhiều thời gian về dự án lấp biển xây thủy cung Hòn Ngưu của Công ty CP Du lịch cáp treo đang gây bức xúc dư luận.

Nhiều sai phạm

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết liên quan dự án, Công ty CP Du lịch cáp treo phải đóng tiền thuê đất là 13,9 tỉ đồng nhưng chỉ mới nộp 4,3 tỉ đồng. Thời gian qua, công ty này còn bị phạt tiền "chậm" cùng các khoản nợ, trong đó có tiền thuê đất, tổng cộng là 18 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án chậm so với giấy phép đầu tư nhiều năm. Đúng ra, năm 2015 công trình đã phải được đưa vào hoạt động nhưng đến nay vẫn đang triển khai.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận rất nhiều công trình, hạng mục tại dự án này chưa được cấp phép, trong đó có việc san lấp 2 khu đất để xây biệt thự trên núi Lớn. Riêng đối với dự án thủy cung, UBND tỉnh phải rất cẩn trọng trong quy hoạch kiến trúc, hướng nhìn của dự án. Trong điều chỉnh quy hoạch chung của TP Vũng Tàu, rất thận trọng trong việc quy hoạch xây dựng các nhà cao tầng và những công trình lấn biển.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận tại khu vực quy hoạch phát triển du lịch này gồm 10 dự án thành phần, trong đó có một số dự án chậm triển khai, xây dựng trái phép hàng ngàn mét vuông.

Trước thực tế này, một đại biểu gay gắt: "Tại sao chủ đầu tư chưa thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính nhưng lại được cấp phép để triển khai dự án? Cần phải thanh tra toàn diện, làm rõ hồ sơ pháp lý, thủ tục về đất đai của dự án".

Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy TP Vũng Tàu, lưu ý: "Dư luận lên tiếng về việc cụm công trình sẽ phá vỡ cảnh quan di tích cấp quốc gia Bạch Dinh; nghi ngờ năng lực của nhà đầu tư. Trong quy hoạch của Vũng Tàu nếu có lấn biển thì phải chọn những bãi đá ngầm địa chất tốt, không tác hại đến cảnh quan".

Nhiều sai phạm trong dự án lấn biển làm thủy cung tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Chủ đầu tư thiếu năng lực sẽ bị thay

Về hướng xử lý sắp tới, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu phải nhanh chóng khắc phục các sai phạm. Đối với việc xây thủy cung, cần phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học. Có đại biểu cho rằng cần các nhà khoa học khách quan xem xét hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Thành Long, nói lại việc ngày 14-10 UBND tỉnh đã ra văn bản tạm ngưng triển khai thi công dự án thủy cung nhưng sau khi văn bản phát hành, nhà đầu tư vẫn tiếp tục thi công cho đến khi Sở Xây dựng làm việc trực tiếp mới chịu dừng.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh kết luận: "Phải giải quyết vụ việc được hài hòa, giữa yếu tố lịch sử và yếu tố tương lai. Quyết định phải có trách nhiệm. Thứ nhất, cần giải quyết bài toán quy hoạch, thủ tục đất đai đã chuẩn mực chưa, đánh giá tác động môi trường đã đúng chưa? Lấn biển thì phải xem xét ảnh hưởng đến dòng chảy, có giải pháp thi công không làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Người dân đã gửi nhiều ý kiến đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có nhiều luồng ý kiến phải nghiên cứu kỹ. Còn việc nhà đầu tư không có năng lực thì phải thay thế nhà đầu tư khác đủ tiềm lực để triển khai. Ngoài ra, cần làm rõ ngay các sai phạm của công ty…". 
Vũng Tàu "bé tí" mà có tới 3 thủy cung!Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng xung quanh việc dư luận phản ứng mạnh về dự án xây thủy cung, các sở - ngành đã báo cáo về việc chủ đầu tư có những sai phạm. Tuy vậy, thực hiện dự án là chủ trương của tỉnh nên khi xem xét lại thì phải tính toán kỹ. Về quy hoạch các khu thủy cung, chắc chắn chỉ có 1 thủy cung được xây vì "Vũng Tàu bé tí không nên có đến 3 thủy cung".
Bài và ảnh: Xuân Hoàng

[Lao Động] Lấn biển xây thủy cung ở Vũng Tàu: Xem xét không xây khách sạn 23 tầng

 
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét không cho phép xây dựng tổ hợp khách sạn 23 tầng trong dự án lấn biển xây thủy cung ở Vũng Tàu.
Phối cảnh dự án lấn biển xây thủy cung, tổ hợp khách sạn 23 tầng. Ảnh: CTV
Chiều 24.10, Ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức họp nghe các sở ngành báo cáo, cho ý kiến về một số vấn đề trọng điểm trên địa bàn mà dư luận, báo chí quan tâm. Trong đó, có vấn đề công trình lấn biển để xây dựng dự án thủy cung Hòn Ngưu của Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu ở biển Bãi Trước, TP.Vũng Tàu.

Sau khi nghe báo cáo của các sở ngành và ý kiến của các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, nhu cầu về sản phẩm du lịch của TP Vũng Tàu là rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án thủy cung phải được đánh giá kỹ về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, tác động môi trường.

Ông Lĩnh cũng ghi nhận các ý kiến người dân đóng góp cho dự án. Ông nhấn mạnh, việc giải quyết vụ việc cũng phải hài hòa giữa yếu tố lịch sử và yếu tố tương lai, phải nhất quán trong phát triển bền vững song song với bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Do đó, yêu cầu về quy hoạch phải chuẩn, thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường phải kỹ lưỡng. Quan trọng nữa là phải đảm bảo không gian mở của dự án để không hạn chế quyền của người dân đối với việc tiếp cận không gian tự nhiên vốn có của TP Vũng Tàu.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét không cho phép xây dựng tổ hợp khách sạn 23 tầng trong dự án này. Do Vũng Tàu có rất nhiều chỗ để xây khách sạn cao tầng và không nhất thiết phải có khách sạn cao tầng tại đây.

Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục các sai phạm mà cơ quan chức năng đã chỉ ra trong vòng 2 tháng và phải chứng minh năng lực cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án. Về phía cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra lại đánh giá tác động môi trường của dòng chảy khi thực hiện dự án và chậm nhất trong vòng 2 tháng nữa báo cáo Ban Thường vụ cho ý kiến có tiếp tục dự án nữa hay không.

Ông Lĩnh cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh không cấp phép làm các dự án thủy cung khác tại TP Vũng Tàu như báo chí phản ánh. Bởi ông cho rằng Vũng Tàu đang rất cần sản phẩm du lịch như thủy cung. Nếu chủ đầu tư khác chỉ vẽ dự án, chưa thực hiện thì không biết đến bao giờ Vũng Tàu mới có một sản phẩm như vậy.

HÀ ANH CHIẾN

[Báo Đất Việt] Vì sao du lịch tâm linh nở rộ như 'cơn nghiện'?

 
(Góc nhìn văn hóa) - PGS Phạm Trung Lương cho rằng đó là vì mục đích kinh doanh. Xây dựng dự án tâm linh nhưng lại kinh doanh trên lòng tin tín ngưỡng.
Kinh doanh trên lòng tin tín ngưỡng

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho rằng "xây dựng dự án tâm linh đang nở rộ như một cơn nghiện". Ông nói thẳng, có hiện tượng trên là do du lịch tâm linh tại Việt Nam đang bị méo mó, biến dạng về văn hóa, tín ngưỡng.

Núi đá vôi bị xẻ tan hoang để xây chùa ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Tuổi Trẻ
Điểm mặt hàng loạt những dự án đồ sộ được triển khai rộng rãi thời gian qua như: Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đang được triển khai ở xã Lũng Cú, vây quanh Núi Rồng - nơi có di tích cột cờ Lũng Cú - một điểm linh thiêng về chủ quyền biên giới của cả nước gây ra nhiều lo ngại. 

Chỉ cách đó ít ngày, tại Huế, Công ty cổ phần đầu tư Bãi Cả cũng xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép nghiên cứu phương án xây dựng khu du lịch tâm linh ở núi Hải Vân khiến dư luận xã hội ồn ào, bàn tán.

Hay hàng loạt những dự án tâm linh đồ sộ được xây dựng đã và đang chuẩn bị được đưa vào khai thác như Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)... được nói đến nhiều thời gian qua.

PGS.TS Phạm Trung Lương cho hay, ở một số nước theo đạo Phật, mỗi quốc gia chỉ có một trung tâm Phật giáo. Đến những ngày nhất định người dân mới hành hương tới đó, đó được gọi là du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh là phải gắn với đức tin, khát vọng hướng về nguồn cội của con người.

Thông qua du lịch, du khách được trực tiếp tiếp xúc, cảm nhận, trải nghiệm, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tâm linh tín ngưỡng từ trong tiềm thức của mình.

Khi du khách đến đó vì tâm linh cũng sẽ thu hút các dịch vụ tiêu dùng khác, lúc đó là du lịch ăn theo.

"Du lịch tâm linh của các nước thu hút được du khách bởi vì đó là tâm linh. Du lịch tâm linh đúng nghĩa mới linh thiêng", PGS Phạm Trung Lương nói.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua việc xây dựng tràn lan các dự án tâm linh, trong đó bao gồm chùa, tượng phật được xây mới hoặc tu bổ, sửa chữa trên nền chùa cũ khá phổ biến tại hầu hết các tỉnh thành, địa phương.

Có hiện tượng trên, PGS Phạm Trung Lương cho rằng đó là vì mục đích kinh doanh. Xây dựng dự án tâm linh nhưng lại kinh doanh trên lòng tin tín ngưỡng.

Chính vì mục đích kinh doanh là tối thượng nên các dự án đều hướng tới mục tiêu là mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ngay cả lợi ích của nhà chùa, của những nhà sư trụ trì tại các ngôi chùa này cũng có nhiều vấn đề phải xem xét.

"Dư luận nhắc nhiều tới "BOT cổng chùa" cũng không sai vì khi đã đầu tư nhà đầu tư phải tìm nguồn thu. BOT cổng chùa cũng là một cách để thu. Thu từ tiền đóng góp của con nhang, đệ tử, thu từ nguồn công đức cũng là một nguồn thu.

Thậm chí, tôi còn biết nhiều hoạt động kinh doanh ngay trong chùa để tạo nguồn thu, ví dụ, thu tiền từ việc bán các hốc đựng tro cốt người đã khuất. Hoạt động kinh doanh này rõ ràng, nhà chùa thu tiền từ việc bán các hốc đựng tro cốt đó.

Nếu tâm linh theo đúng nghĩa, nhà chùa không bao giờ thu tiền mà chỉ để di ảnh người quá cố để thờ cúng hàng ngày chứ không phải kinh doanh bằng cách bán đồ và thu tiền như vậy", PGS Phạm Trung Lương nói. 

Nhập nhèm nguồn thu, không rõ trách nhiệm

Một lý do khác cũng được PGS Phạm Trung Lương chỉ ra để lý giải cho hiện tượng đua nhau làm dự án tâm linh chính là nguồn thu từ các khoản trong chùa quá lớn, trong khi việc kiểm soát lại buông lỏng dễ nhập nhèm, thất thoát, tiền công chảy vào túi tư.

Nêu lại cậu chuyện của nhà sư Thích Thanh Toàn công khai khối tài sản hơn 300 tỷ sau khi bị phát hiện có sai phạm và được xả giới, hoàn tục, vị chuyên gia cho rằng đó là chuyện bất thường.

Theo vị chuyên gia, các nguồn thu tại các chùa hiện không minh bạch. Nếu xét về mặt tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, quản lý các nguồn thu.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội đã được công nhận thì phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của luật pháp Việt Nam, trong đó có các quy định về mặt quản lý tài chính, các nguồn thu - chi.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, câu chuyện quản lý các nguồn thu tại các chùa đã bị buông lỏng. Rất nhiều câu chuyện bị thất thoát nguồn thu tại các chùa gây bức xúc thời gian qua, việc không kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu là nguyên nhân dung túng cho những nhà sư tha hóa, biến chất như sư Toàn.

Trong đó, có cả những câu chuyện dung túng cho những nhà đầu tư núp bóng tín ngưỡng để đầu tư tâm linh.

Vì lý do này, vị chuyên gia ủng hộ quan điểm của Kiểm toán Nhà nước là phải kiểm soát, kiểm toán công khai các nguồn quỹ công, quỹ chùa để minh bạch các nguồn thu - chi.

Nhập nhèm quỹ đất, thất thu tiền thuế

Ngoài ra, ông cũng đặt câu hỏi về vấn đề sử dụng quỹ đất, cấp đất cho nhà đầu tư xây khu tâm linh theo quy định nào? Ai cấp và tiền thuế thu từ đất được thực hiện ra sao?

PGS Phạm Trung Lương rất băn khoăn trước việc các địa phương sẵn sàng giao cả hàng nghìn héc-ta cho doanh nghiệp làm chùa, xây khu tâm linh thì rất nhanh gọn, dễ dàng nhưng lại không thể giải quyết được quỹ đất cho dân tái định cư. Đây là một nghịch lý.

Ông Còn băn khoăn, việc giao đất cho doanh nghiệp theo cơ chế nào, thu tiền thuế ra sao...? cũng không được quy định rõ ràng, có nguy cơlàm méo mó mục đích phát triển tâm linh, làm thất thoát nguồn lực công rất lớn.

"Chính vì khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh nên đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh. Thực tế chứng minh tại những dự án này, diện tích xây chùa chỉ chiếm một phần, còn lại để dành cho các dự án nghỉ dưỡng.

Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn héc-ta đất cho nhà đầu tư một dự án tâm linh thật quá lãng phí, trong khi, với nguồn lực đất đai đó để dành phát triển kinh tế xã hội, đời sống dân sinh sẽ đem lại lợi ích rất lớn, cần phải xem xét.

Cần lưu ý, đất là sở hữu toàn dân, là tài sản chung phải được tính toán đầu tư một cách hiệu quả nhất, mang lại nguồn lợi lớn nhất cho nhà nước và nhân dân", PGS Phạm Trung Lương nói rõ.

Từ những phân tích ở trên, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng cần phải xem xét lại tính hợp lý và mục đích khi quy hoạch xây dựng các dự án du lịch tâm linh.

Ông nhấn mạnh, du lịch tâm linh không thể bị biến thành công cụ kiếm lợi cho các đại gia, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị phải xem xét lại dòng vốn xây dựng những siêu dự án tâm linh, vì đó là biểu hiện của sự đầu tư bất thường, gây hại cho nền kinh tế.

Lam Nguyễn

Lời bình: tại Vũng Tàu trên đỉnh núi Lớn có tượng Phật Di Lặc lớn chưa có giấy phép vẫn được dựng lên bởi công ty Cáp treo Vũng Tàu (ảnh dưới) để phục vụ kinh doanh cho Hồ Mây park.
Ảnh từ fanpage của Hồ Mây Park

[Phụ Nữ Việt Nam] Đề nghị thanh tra toàn diện Dự án Khu du lịch núi Lớn - núi Nhỏ ở Vũng Tàu

 
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn đề nghị cho Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu lấn biển làm thủy cung nhưng không xây tổ hợp khách sạn 22 tầng. Trong khi đó, nhiều ý kiến đề nghị cần thanh tra toàn diện Dự án.
Hạng mục thủy cung là dự án thành phần của Khu du lịch núi Lớn - núi Nhỏ được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt năm 1999 cho Công ty xây dựng và phát triển đô thị. Toàn bộ dự án rộng hơn 96 ha ở khu Hòn Ngưu, khu núi Lớn - núi Nhỏ, với 10 dự án thành phần xây dựng khu du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trong thời gian 2004 - 2015. Vài năm sau, công ty này được chuyển sang Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu.

Trong kết luận thanh tra các dự án được giao thuê đất ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2018, đã xác định khu du lịch dịch vụ núi Lớn - núi Nhỏ nhiều hạng mục thành phần trong đó có thủy cung chậm tiến độ, vi phạm luật đất đai. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, Sở này đã yêu cầu điều chỉnh dự án nhưng công ty này không thực hiện. Cụ thể, chủ đầu tư dự án lấn chiếm 1.847 m2 ở khu Bạch Dinh phía biển.

Sự việc trở nên phức tạp khi UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu vào năm 2018 cộng thêm phần đất chủ đầu tư lấn chiếm khiến diện tích tăng từ hơn 67.000 m2 lên hơn 69.200 m2, không đúng theo luật đất đai.

Tại cuộc họp của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về dự án này vào chiều qua, 24/10/2019, rất nhiều ý kiến đề nghị cần thanh tra toàn diện dự án, trong đó làm rõ hồ sơ pháp lý về đất đai. Trong đó năng lực tài chính của chủ đầu tư là vấn đề đáng quan tâm khi Công ty cáp treo Vũng Tàu đang nợ tiền thuê đất hơn 18 tỷ đồng.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, rất nhiều công trình Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu xây dựng không phép, trong đó có việc san lấp 2 khu đất xây dựng biệt thự trên núi Lớn.

Ý kiến của ông Trần Song Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc lấn biển ở Hòn Ngưu sẽ mất vùng bờ và có thể ảnh hưởng, tác động lâu dài, vì vậy nên giữ bờ đá hiện hữu, xem xét lại việc đổ đất, đá lấn biển xây thủy cung.

Ở cách nhìn khác, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn đề nghị cho Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu lấn biển làm thủy cung nhưng không xây tổ hợp khách sạn 22 tầng. Các dự án khác không triển khai làm tiếp. Ông Lĩnh khẳng định: “Văn bản tạm dừng dự án của UBND tỉnh có hiệu lực đến khi chủ đầu tư khắc phục các sai phạm về đất đai, xây dựng; các tồn đọng đã được thanh tra, kiểm tra kết luận. Chậm nhất đầu năm sau, hoặc 2 tháng nữa, báo cáo thường vụ Tỉnh ủy nghe, có niềm tin, đủ cơ sở, thuyết phục sẽ đồng ý để chủ đầu tư tiếp tục xây dựng".

Dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu khi hoàn thành sẽ phục vụ 3.000 - 5.000 người mỗi ngày. Trong đó, để xây dựng thủy cung, chủ đầu tư san lấp từ bờ đường Trần Phú ra biển khoảng 200 m, với diện tích lấn biển khoảng 3 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Dự án hiện nay đã dừng lại để thanh kiểm tra toàn bộ. Ảnh: Lưu Sơn
Dự án này đã gây bức xúc trong dư luận, vì phá vỡ cảnh quan, tầm nhìn từ hướng di tích Bạch Dinh ra biển, có thể thay đổi dòng chảy, vi phạm Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo 2016.

Sau khi truyền thông và dư luận lên tiếng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu tạm dừng thi công dự án lấn biển xây thủy cung ở Bãi Trước. Tại văn bản ký ngày 14/10/2019, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công ở phía biển, dừng ngay hạng mục đê kè chắn sóng và san lấp mặt bằng cho đến khi UBND tỉnh có ý kiến khác. Sở Xây dựng cũng phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với Công ty cổ phần du lịch cáp treo Vũng Tàu để rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, tác động đến khu vực xung quanh, đặc biệt là môi trường du lịch. 

Đinh Thu Hiền

[Infonet] Vũng Tàu có rất nhiều chỗ xây khách sạn, sao cứ phải lấn biển để xây?

 
Liên quan đến dự án lấn biển xây nhà hàng khách sạn khiến dư luận bức xúc vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh xem xét không cho xây khách sạn ở đây vì có rất nhiều chỗ để xây khách sạn cao tầng.
Liên quan nhiều vấn đề nóng trong dư luận thời gian gần đây, nhất là dư luận bức xúc trước việc dự án thủy cung Hòn Ngưu lấn biển xây nhà hàng và khách sạn 5 sao của  Công ty CP Du lịch Cáp Treo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp mổ xẻ vào chiều qua 24/10 do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Kề hoạch và Đầu tư cho biết, liên quan khu vực dự án, Công ty CP Du lịch Cáp Treo Vũng Tàu phải đóng tiền thuê đất 13,9 tỉ đồng nhưng chỉ mới nộp 4,3 tỉ đồng, còn nợ 9,6 tỉ.

Thời gian qua, công ty này còn bị phạt tiền "chậm" cùng các khoản nợ, trong đó có tiền thuê đất, tổng cộng là 18 tỉ đồng. Về tiến độ thực hiện, dự án này cũng đã chậm thi công so với giấy phép đầu tư rất nhiều năm. Đáng ra, đến năm 2015 công trình đã phải được đưa vào hoạt động. Thế nhưng, nhà đầu tư vẫn chưa điều chỉnh theo luật Đầu tư… mà vẫn được triển khai (!).

Trong khi đó, báo cáo của ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chỉ rõ, có rất nhiều công trình, hạng mục tại khu vực dự án này chưa có giấy phép. Cụ thể, việc chủ đầu tư đang cho san lấp 2 khu đất để xây biệt thự trên núi Lớn chưa có giấy phép cũng là vấn đề lớn.

Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các sai phạm của chủ đầu tư, đồng thời đánh giá kỹ lại tác động môi trường tại dự án Thủy Cung Hòn Ngưu.
Vị Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đối với dự án thủy cung Hòn Ngưu, tỉnh phải rất cẩn trọng trong việc quy hoạch kiến trúc, hướng nhìn của dự án. Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP Vũng Tàu là rất thận trọng trong việc quy hoạch xây dựng các nhà cao tầng và những công trình lấn biển.