Hiển thị các bài đăng có nhãn toi-yeu-vung-tau. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn toi-yeu-vung-tau. Hiển thị tất cả bài đăng

Vũng Tàu cần môi trường sạch và trong lành, một cách kinh doanh chân thật, không chặt chém du khách

Tôi sinh ra lớn lên ở Vũng TàuNơi đây là quê hương, là những gì gần gũi thân quen nhất.
Toàn cảnh thành phố biển Vũng Tàu
Với tôi, mỗi ngày tắm và bơi lội trong dòng nước biển là niềm vui, là hạnh phúc..
Niềm hạnh phúc đó không chỉ dành cho tôi, mà còn dành cho gia đình, người thân, bạn bè và bao nhiêu người dân sinh sống ở Vũng Tàu. Biển và Núi như một phần tất yếu của cuộc sống mà thiên nhiên mang lại cho người dân Vũng Tàu. Đó là niềm tự hào của mọi người khi nói về quê hương mình... một nơi quá được ưu ái sống giữa rừng vàng biển bạc... Một nơi có được kho thuốc quý từ thiên nhiên ban tặng cho người dân Vũng Tàu. Lá phổi xanh từ hai ngọn núi Lớn, núi Nhỏ. . Một kho thuốc quý từ biển đã giúp bao nhiêu con người được khoẻ mạnh, không còn đau nhức, vượt qua được bệnh tật “đột quỵ, đau khớp"...

Tôi vẫn dõi theo thông tin xâm lấn biển để xây thuỷ cung và khách sạn hơn hai mươi tầng. Vũng Tàu thật sự không cần xây thêm khách sạn, vì khách sạn ở Vũng Tàu quá nhiều, quá dư đến những khách sạn còn không có khách lưu trú.

Vũng Tàu cần là MÔI TRƯỜNG
Một môi trường sạch và trong lành.
Không rác, không khói...
Một cách kinh doanh chân thật, không chặt chém du khách...

Thì tự khắc Vũng Tàu sẽ được du khách tìm đến. Còn đầu tư nhiều, phá hoại môi trường, khách chỉ đến vì tò mò, vì khám phá, rồi họ cũng chán, cũng như e ngại vì sự đắt đỏ (vé lên cáp treo gần 400 ngàn)... Tự hỏi có bao nhiêu người lên đó mỗi tuần, chứ đừng nói mỗi ngày. Thì thuỷ cung nếu xây xong cũng chung số phận với Hồ Mây. Vậy xây làm gì để lấn biển, che cảnh quan, che tầm nhìn của mọi người. Tổn hại môi trường sinh thái biển, tạo những dòng cản nguy hiểm cho những người tắm ở bãi Trước. Khu du lịch Hồ Mây có chịu trách nhiệm nổi cho mấy ngàn sinh mạng mỗi ngày ở biển bãi Trước không? Có chịu trách nhiệm những biển đổi khi khách sạn mấy chục tầng xây lên che mất tầm gió của bao nhiêu ngôi nhà ở Vũng Tàu không? Và những chất thải từ Thuỷ Cung, từ khách sạn thải ra đâu... và chắc chắn ghánh chịu chính là môi trường, chính là người dân Vũng Tàu.

Vì một cái lợi nhỏ,
Mà ảnh hưởng môi trường
Ảnh hưởng tập thể lớn
Ảnh hưởng sức khoẻ của bao con người...

Tôi nghĩ mọi người nếu yêu Vũng Tàu. Không chỉ nói, mà hãy làm gì đó thật tế hơn để bảo vệ một môi trường, bảo vệ con người ở Vũng Tàu.

Theo chia sẻ từ facebook Trang Thị Ngọc Mỹ

'Biển của ta' trên mạng xã hội

Lời giới thiệu từ anh Thế Hưng: Trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đăng trên Tạp chí Người Làm báo, nhân sự kiện truyền thông mạng xã hội tham gia mạnh mẽ phản đối hoạt động lấp biển bãi Trước và san gạt núi Lớn, Vũng Tàu. Theo nhà báo Phạm Quốc Toàn, mạng xã hội và báo chí đã có những đóng góp tích cực, xây dựng. Về mặt tích cực này của mạng xã hội, không thể không ghi nhận...
Cảnh biển Bãi Trước của Vũng Tàu

“BIỂN CỦA TA” TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ, tạo ra sự biến đổi truyền thông xã hội sâu sắc. Mạng xã hội ra đời, so với lịch sử phát triển truyền thông chỉ là “đoạn đường ngắn”, nhưng đã phát triển với tốc độ chóng mặt, làm đảo lộn nhiều quan niệm, phương thức hoạt động, ngay trong giới báo chí - truyền thông, làm cho Luật Báo chí trở nên “chiếc áo chật hẹp” đã được sửa đổi, Luật An ninh mạng theo đó đã ra đời, tham gia điều chỉnh mạng xã hội. Mọi thành viên trong xã hội, từ Thủ tướng đến công dân bình thường đều sống chung với mạng xã hội. Trong một cơ quan báo chí, từ Tổng biên tập đến phóng viên, biên tập viên, nhân viên hành chính bình thường sống chung với mạng xã hội và tìm tòi các phương thức ứng xử thích hợp. Thực tế hiển nhiên này, đối với đời sống xã hội đương đại, không thể khác, không ai có thể phủ nhận.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay, ai cũng có thể “hòa quyện” vào thế giới thông tin mạng xã hội. Và hơn thế, ai cũng có thể trở thành phóng viên, biên tập viên đưa tin luận bàn sự kiện; trở thành một chủ thể, mắt xích, cấu trúc, một thành viên của mạng xã hội. Người ta ví von, coi mạng xã hội như một cái chợ trời khổng lồ - hổ lốn trong đó các loại thông tin và đương nhiên có sự luận bàn, sự tương tác trong tổng thể rộng lớn, hay trong từng “Group” chia sẻ, kết nối. Chuyện trên trên dưới biển; trong nước, ngoài nước; chuyện chính trường, đảng phái; anh em, dòng họ, tình yêu gia đình, bếp núc, buồng the; cả chuyện làm ăn, kinh doanh, quảng cáo … hẩm bà lằng dưới mọi lăng kính tùy hứng, không thiếu bất cứ thứ gì.

Một trong những đặc trưng của mạng xã hội, là sự đan xen hai mặt tốt và xấu, trung thực và bịa đặt, xuyên tạc, thậm chí vu khống, bôi nhọ lẫn nhau. Kẻ tung người hứng, vì một động cơ hay sắc thái tình cảm nào đó, nhìn người nhìn việc phiến diện, người ta dễ dàng mạt sát nhau, ném đá nhau, đánh hội đồng không thương tiếc. Cứ nhìn vào tấm gương phản chiếu đó, quả là văn hóa xã hội đang xuống cấp. Giám đốc điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore đưa ra kết luận: “Từ học đường đến mạng xã hội đang là cái vòi bạch tuộc khủng khiếp; Ngày nay, không gian lớp học kết hợp với thế giới bên ngoài cũng đồng nghĩa với giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học. Và tin đồn, tin giả, bịa đặt, xúc xiểm, miệt thị, xúc phạm, bắt nạt học đường cũng không dừng lại ở đó”. Thực tế xã hội ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, không ít học sinh đã rơi xuống hố sâu vì mạng xã hội, không còn gượng nổi, thậm chí do bế tắc nạn nhân đã phải chọn con đường quyên sinh. Người ta không quá lời khi nhận xét: “Cộng đồng mạng đang giết từng người một, người mà họ không hề quen biết. Bàn phím là những con dao, những lời nói được phóng ra lao thẳng vào đối tượng trước mặt, nhưng họ lại lầm tưởng rằng làm như vậy là thẳng thắn, là cá tính”. Văn hóa học đường, sự yên bình nơi trường lớp, sự trong trắng, giàu hoài bão và khát khao hướng tới cái đẹp của tuổi thơ đang đứng trước nhiều thách thức. Bài toán đặt ra là làm cách nào, bằng giải pháp hữu hiệu gì đây để có thể quản lý, hạn chế mặt xấu, mặt tiêu cực của mạng xã hội?
***
Mạng xã hội có không ít thông tin tốt, thông tin hay, trung thực. Có một sự thật là, trong không ít sự kiện, nhờ mạng xã hội mà phát hiện ra sự khó khăn, thiếu thốn nơi này, nơi kia, những hoàn cảnh khó khăn, cần sự cưu mang, trợ giúp của cộng đồng. Qua mạng xã hội, cơ quan chức năng phát hiện ra tiêu cực, tham nhũng, sự lãng phí, suy đồi đạo đức xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, lạm dụng xe công, tai nạn giao thông. Mạng xã hội trợ giúp khá hiệu quả việc tìm người thân, bạn bè, tình xưa … Người sử dụng mạng xã hội cần khai thác nó, đãi cát tìm vàng, lựa chọn những thông tin trung thực để “nạp” thông tin hay cho mình. Đặc biệt, đối với người làm báo, việc sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin, khá hữu ích. Thực tế cho thấy, trong các mùa Giải báo chí quốc gia, một số tác phẩm báo chí giành giải cao, đề tài bài viết lại do tác giả khai thác từ sự khởi nguồn của mạng xã hội. Tác phẩm “Bạo lực trẻ mầm non” xẩy ra tại Đồng Nai (Đài PT-TH Đồng Nai); “Cây cầu Hạnh Phúc” tại vùng cao tỉnh Lai Châu (Báo Tuổi Trẻ Tp. HCM) … là những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt giải A, khởi nguồn từ sự phát hiện thông tin trên mạng xã hội.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một ngày đẹp trời, nhà đầu tư nọ ào ạt cho lấp biển xây dựng dự án Thủy Cung, kèm tổ hợp khách sạn 5 sao 23 tầng (!). Từng đoàn xe tải rầm rộ tập kết đất đá lấp biển Bãi Trước, mặt tiền danh thắng Bạch Dinh - bãi biển danh tiếng có hòn Ngưu - hòn Rù Rì, nơi đã có biết bao mối tình của trai tài gái sắc bén rễ. Mạng xã hội vào cuộc, theo đó xuất hiện “Group Facebook”: Vũng Tàu, thành phố tôi yêu. Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận, trong đó có mạng xã hội và của một số cơ quan báo chí chính thống, giữa tháng 10.2019, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã “lệnh” tạm ngưng lấp biển, tạm dừng dự án Thủy Cung. Sau đó, tỉnh đã có văn bản dừng việc xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp 23 tầng, án ngữ khu di tích Bạch Dinh và mặt tiền biển Bãi Trước.

Những vấn đề báo chí và mạng xã hội nêu về sự “vi phạm” của nhà đầu tư, yêu cầu các cơ quan quản lý xem xét làm rõ, để có giải pháp xử lý. Từ đó, tỉnh BR-VT sẽ có chỉ đạo tiếp theo về Dự án Thủy Cung - Bãi Trước, Tp. Vũng Tàu.

Mạng xã hội cũng đã không ít thông tin, bàn luận về các dự án không phép, dự án tàn phá môi trường, môi sinh biển ở Đà nẵng, Nha Trang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn … Biển của ta - rừng vàng biển bạc! Mạng xã hội và báo chí đã có những đóng góp tích cực, xây dựng. Về mặt tích cực này của mạng xã hội, không thể không ghi nhận.
***
Mạng xã hội là thông tin mang tính toàn cầu, không biên giới. Tuy nhiên, mạng xã hội vẫn hoạt động trong một lãnh thổ quốc gia, quốc gia đó không thể không quản lý mạng xã hội. Một Nhà nước pháp quyền, mọi hành vi trong xã hội, bao gồm cả thông tin mạng đều phải được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, phù hợp với lợi ích - an ninh quốc gia. Chấp hành các điều Luật, xử lý nghiêm mình người sai phạm là một chuyện, điều quan trọng hơn chính là xây dựng “văn hóa mạng xã hội”. Sau Luật Báo chí sửa đổi năm 2016, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua ngày 12.6.2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Cái dở, cái không hay, sự độc hại của mạng xã hội thì ngăn chặn, xử lý - không cho nó lây lan. Cái hay, cái tốt của mạng xã hội thì khai thác, phát huy. Đó là hai mặt biện chứng mà nhà quản lý và người sử dụng mạng xã hội cần chủ động, tỉnh táo, có cách ứng xử đúng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ việc tổ chức thực thi nghiêm túc Luật An ninh mạng, coi đây là giải pháp hữu hiệu phòng tránh các biểu hiện tiêu cực trong sử dụng mạng, thúc đẩy yếu tố hữu ích, tích cực của mạng xã hội. Cùng với việc thực thi pháp luật, điều quan trọng tiếp theo chính là văn hóa ứng xử, trách nhiệm xã hội và nghiã vụ công dân, khi tham gia mạng xã hội. Hãy nói không với “vô học” trên mạng xã hội. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính mình và gia đình mình. Bản lĩnh và tỉnh táo để khai thác mặt tốt, tính ưu việt của mạng xã hội. Bản lĩnh và tỉnh táo để tránh, không a dua, không bị dẫn dắt bởi mặt xấu, độc hại, sự bịa đặt, xuyên tạc ác ý của mạng xã hội.

Xin trích dẫn tâm sự, chia sẻ của một cư dân mạng, diễn viên người mẫu Bùi Thái Bảo Châu - cũng là nạn nhân của mạng xã hội, để kết thúc bài viết ngắn này: “Tôi mong muốn tất cả mọi người đặt mình vào vị trí của người khác, hãy quan tâm cảm xúc của người khác, bởi ngay cả những lời nói, bình luận trên mạng mà bạn nghĩ rằng vô hại, cũng có thể trở thành nguyên nhân cho cái chết của một ai đó. Lời nói tiêu cực có tính sát thương mạnh hơn bạn tưởng”…

Nhà báo Phạm Quốc Toàn
(Tạp chí Người Làm Báo, Hội Nhà báo Việt Nam, 11-2019)

'Làm cái chuyện bao đồng' khi phản đối san biển bãi trước xây thủy cung, khách sạn 23 tầng và bạt núi Lớn xây biệt thự không phép

Tôi cùng nhiều anh chị em có tình yêu với Vũng Tàu lập ra group facebook Vũng Tàu Thành phố tôi yêu & web www.VungTauThanhPhoToiYeu.com, để lên tiếng phản đối việc san biển bãi Trước Vũng Tàu xây thủy cung & khách sạn 23 tầng, bạt núi Lớn Vũng Tàu chưa có phép để xây biệt thự & phá hủy di tích quốc gia trên đỉnh núi.
Tôi tin rằng 99,9% người yêu Vũng Tàu đều phản đối việc làm này với vị trí bãi Trước & núi Lớn, vì tác động của nó rất tệ với mọi góc nhìn, còn 0,01% còn lại có lẽ là phía ủng hộ chủ đầu tư là công ty Cáp treo Vũng Tàu. Dư luận mạnh đến mức UBND tỉnh BRVT có công văn hỏa tốc cho tạm ngưng ngay dự án để xem xét lại.
Chủ tịch BNI Vũng Tàu lên tiếng về việc làm bao đồng của tôi và cộng đồng người yêu Vũng Tàu tranh luận với chủ tịch
Khi tôi làm như vậy thì có vài lời góp ý, ví dụ "Sao anh không tập trung lo công việc của mình mà lo chuyện bao đồng vậy ta?" (ảnh trên), chắc là lo tôi sao nhãng công việc, cũng là ý tốt vậy. Nên nay tôi có mấy điều:

- Thứ nhất, tôi báo cho vị chủ tịch một tổ chức doanh nhân uy tín ở Vũng Tàu đã góp ý (ảnh) là: doanh số, số lượng khách hàng, mạng lưới đại lý...của Dân Trí Soft đang tăng trưởng rất tốt. Và tuyệt vời hơn là khi tôi làm việc tử tế, được lòng cộng đồng, được giới doanh chủ yêu thương nên đơn hàng làm phần mềm tính tiền ngày càng tăng, mà tôi không tốn thêm nhiều tiền làm quảng bá, vì việc làm tử tế là kênh quảng bá số 1 ở thời đại ngày nay rồi. Tôi lại càng có nhiều tiền để làm điều tử tế.

- Thứ hai, hãy an tâm là tôi cũng như anh em ở Dân Trí Soft luôn tập trung cao độ. Vụ phản đối này là tôi dành một phần thời gian mà trước đây gọi là giao lưu mở rộng mối quan hệ, đi từ chapter này đến chapter khác ấy, thì nay tôi tập trung hơn về chất lượng networking nên thời gian tiết kiệm được có thể dùng để làm cái gì đó có ích & thiết thực hơn với cộng đồng, tôi tận dụng thời gian tiết kiệm được.
Có một vài doanh nhân nhắc nhở tôi
- Thứ ba, tôi làm gì cũng rất nhanh, nhanh là bởi hệ thống nội bộ tôi đã xây dựng hơn 10 năm & liên tục cải tiến, luôn được đầu tư hiệu suất hơn, nên tôi chỉ cần lấy ra đúng cái cần và hành động ngay. Về cái group và cái web để phản đối dự án san biển, bạt rừng ấy, tôi chỉ cần 5 giờ để làm xong nền tảng, còn content thì cộng đồng, báo chí đã có đầy đủ rồi.

- Thứ tư, thiết nghĩ làm con người dù ở vị trí nào, dù giàu nghèo, có địa vị hay chỉ phó thường dân như tôi thì cái giá trị sống là quan trọng, tôi chọn "sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", nên thấy điều bất bình, thấy sai mà chỉ im lặng không dám giãi bày, thấy sai nhưng chỉ biết lo cái lợi bản thân mà ngó lơ thì tôi không làm được. Vì ta từ cát bụi mà hình thành và cũng sẽ trở về cát bụi mà thôi, cái mà ta còn để lại dấu ấn trên trần gian này là những giá trị tốt đẹp ta để lại cho đời, tôi thần tượng Bill Gate về những việc giá trị ông làm ở Microsoft & việc ông làm từ thiện vô cùng hiệu quả, tôi cũng thích rửa chén như thần tượng của tôi lắm ::))

Đấy là mấy lời tôi chia sẻ. Và tôi luôn vững tin những người cùng hệ giá trị sống thì sẽ hút nhau, mến nhau, dù có chém nhau xứt đầu mẻ tráng thì cũng sẽ quay về như những người anh em, còn những người khác hệ thì mãi xa nhau, có đến với nhau cũng chỉ là sự giả tạo, tạm bợ.

www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 31/10/2019

Phải chăng group Vũng Tàu Thành Phố Tôi Yêu chỉ là group cải lương, cào bàn phím cho vui?

Đôi dòng chia sẻ về nhận định "Group Vũng Tàu Thành Phố Tôi Yêu chỉ là group cải lương, cào bàn phím cho vui và là những anh hùng cào bàn phím, vì nội quy cấm hành vi kích động bạo động, bạo lực".
Thông báo từ ban quản lý group về nghiêm cấm hành vi comment biểu tình
- Chắc ai cũng biết có những tác phẩm văn chương chỉ qua ngòi bút & ý tứ mà giúp thay đổi số phận con người, kể cả thay đổi giá trị lịch sử. Do đó những ý kiến & lời nói của group không chỉ cào bàn phím đâu đấy, chẳng hạn có nhiều bài viết của group đã lay động một tình yêu nồng nàng về quê hương Vũng Tàu, về con người Vũng Tàu..., có biết yêu thì mới biết gìn giữ.

- Bạo động, bạo lực thường chỉ là cách hành xử của những kẻ yếu, yếu về truyền thông, yếu về pháp lý, yếu về kiểm soát cảm xúc cá nhân. Bạo lực là tổn thất, là mất mát dù cho kết quả là thế nào. Thay vì làm theo cách đó, tại sao chúng ta không đấu tranh bằng tri thức, bằng lập luận "sống và làm việc theo pháp luật", bằng tình yêu thương.

- Group Vũng Tàu Thành Phố Tôi Yêu được ban quản trị lập ra vào ngày 18/10/2019, tức đến nay tròn 18 ngày tuổi, group phát triển thành viên lên con số 2.382, đã có 589 bài viết, 6.272 lượt bình luận & 43.615 cảm xúc, có hơn 1 triệu lượt đọc & ngày càng tăng (ảnh dưới). Những thông tin từ group đã được sàng lọc, đúng nội quy & hữu ích thiết thực nên là nơi cung cấp nguồn tin đáng tin cậy.
Số liệu thống kê hoạt động của group Vũng Tàu - Thành Phố Tôi Yêu
Thay mặt ban quản lý group


NỘI QUY THAM DỰ GROUP

Điều 1: Group dành cho bất kỳ ai có tình cảm yêu mến Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói chung.

Điều 2: Thành viên group không được phép kích động, xúi giục các hành động hướng đến sự bạo động, bạo lực & nghiêm cấm bạo lực vì bạo lực là tổn thất. Các hoạt động giao lưu giữa các thành viên mà không nằm trong sự kiện chính thức của group tổ chức đều không được phép mang danh nghĩa của group. Mỗi thành viên phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi phát ngôn và hành vi của mình trong group, kể cả các hoạt động hợp tác, giao dịch, quan hệ... với nhau.

Điều 3: Thành viên của group phải dùng nick thật, thể hiện thái độ thân thiện, chân tình, các chia sẻ, bình luận cần dùng ngôn từ lịch sự, tôn trọng nhau. Admin/MOD có quyền xóa những bình luận mà theo nhận định là không phù hợp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chung của group mà không cần thông báo hay giải thích lý do.

Điều 4: Group khuyến khích các bài viết, thông tin chia sẻ từ tấm chân tình về tình yêu Vũng Tàu. Group khuyến khích các thành viên đọc bài, like bài, bình luận và cảm ơn tác giả... để chứng tỏ mình còn hoạt động và tôn trọng công sức của người viết.

Điều 5: Admin/MOD toàn quyền quyết định việc kết nạp thành viên mới, sàng lọc và loại bỏ thành viên không phù hợp mà không cần báo trước hay giải thích lý do.

Điều 6: Group không chấp nhận và không duyệt bài của các thành viên quảng cáo “vô trật tự”, spam, không có giá trị. Group có quy hoạch để quảng cáo, cụ thể là khi viết bài, hay bình luận thành viên được ký tên, chức danh, công ty và link bài viết.

Điều 7: Nếu vì bất kỳ lý do nào không còn tham gia group bằng danh dự và lòng chính trực của bản thân, cam kết không bêu rếu, nói xấu hay bình phẩm bằng những lời không đẹp về group, hay bất kỳ Admin/MOD nào trong group.

Đây là cam kết bắt buộc, đồng thời là lời hứa danh dự của mọi thành viên tham dự vào group. Nếu ai không chấp nhận thì nên rời group, nếu đã chấp nhận thì cần tuân thủ các nguyên tắc này.

Ban quản trị group Vũng Tàu - Thành Phố Tôi Yêu

Đôi dòng về dự án thủy cung Vũng Tàu

Vũng Tàu phải nói có vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Bên biển bên núi, hai ngọn núi lớn núi nhỏ là điểm nhấn quan trọng nhất của Vũng Tàu.
Vào mùa khô cây trụi lá, nhìn hai ngọn núi như bức tranh Thủy Mặc, được vẽ bởi những ngòi bút điêu luyện thủy mặc giữa cuộc đời, không thua kém gì những bức tranh phong cảnh được các họa sĩ vẽ nên.

Bãi Trước là không gian sinh hoạt chung của dân Vũng Tàu bao nhiêu đời nay, trong tiềm thức đó là bộ mặt đẹp tự nhiên của thành phố

Dân Vũng Tàu chắc không ai phản đối xây thủy cung hay khách sạn nếu nó ở chỗ khác, như khu Bầu Trũng chẳng hạn, kể cả xây công viên nước ở đấy cũng ok, thậm chí dân còn ủng hộ và cảm ơn doanh nghiệp nhiều nữa. 
Dọc biển Bãi Trước Vũng Tàu khi nhìn từ trên cao
Nhưng Bãi Trước thì không, Bãi Trước là không gian sinh hoạt chung của dân Vũng Tàu bao nhiêu đời nay rồi, trong tiềm thức nó là bộ mặt đẹp tự nhiên của TP Vũng Tàu, không cần trang điểm hay phẫu thuật thẩm mỹ. Thêm nữa, dân còn sợ nay doanh nghiệp này phá núi lấp biển được thì mai mốt các doanh nghiệp khác cũng làm được, riết rồi giống như chuyện người Trung Quốc chắn hết mặt tiền biển ở Đà Nẵng hay Nha Trang, lúc đó dân Vũng Tàu có muốn xuống biển tắm cũng phải qua resort, muốn hóng gió ngắm biển tí cũng phải vào quán cà phê, không chừng buổi sáng buổi chiều muốn đi leo núi thể dục cũng phải mua vé tháng nữa.

Haiii zà, vẫn biết là dự án đã có giấy phép, kể cả việc xây nhà trên núi rồi thì cũng OK, nhưng thiết nghĩ doanh nghiệp muốn kinh doanh phát triển bền vững thì cũng không nên phớt lờ phản ứng của cộng đồng dân cư bản địa. Như dự án lấp biển ở Nha Trang đó, cũng có giấy phép đầu tư phê duyệt rồi mà giờ phải thu hồi khôi phục lại bãi biển, hay ở Quy Nhơn nhà nước phải bỏ tiền ngân sách ra để bứng 3 khách sạn cả ngàn tỉ để trả lại không gian biển cho người dân. Như thế có phải doanh nghiệp vừa thiệt hại, nhà nước thì tốn kém tiền ngân sách, mà môi trường cảnh quan bị xâm phạm cũng chả bao giờ khôi phục lại được như cũ.

Theo chia sẻ từ facebook Leng Van Chi

Thơ: Tình đầu

TÌNH ĐẦU

Em trở về với góc phố rêu phong
Với đường Vi Ba nơi ta từng hò hẹn
Đây hàng cây vẫn đứng im chờ đợi
Một thời là nhân chứng của tình yêu

Anh từng nói núi lớn này là anh
Còn núi nhỏ kia là em đấy nhé
Cả đời này anh vẫn hoài lặng lẽ
Ngắm nhìn em anh chẳng chán tý nào

Những kỷ niệm của những năm nao
Em vẫn ghi đầy trong trái tim nhỏ
Trở lại đây mà lòng em day dứt
Kỷ niệm xưa đã đốt cháy tim em

Thời gian trôi lòng em vẫn khắc khoải
Anh vẫn là.... Tất cả đối với em
Nụ hôn đầu xao xuyến biết bao nhiêu
Em nhớ mãi... Tím cả hoàng hôn anh ạ

Chia sẻ từ facebook Hà Giang

Núi Lớn và núi Nhỏ ở Vũng Tàu

Người dân có quyền lên tiếng khi những quan ngại không có cơ sở để đảm bảo

Dạo này báo chí và dư luận lên tiếng về Dự án thủy cung của Công ty Cáp treo Vũng Tàu nhiều quá, mình cũng không muốn là người đứng ngoài cuộc, bàn quan với những ảnh hưởng đến nơi gọi là quê hương thứ hai này.
Từng làm du lịch, tôi thấy cũng thấu hiểu và chia sẻ với định hướng phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như các doanh nghiệp làm du lịch khi mà thương hiệu du lịch của tỉnh nhà là “đi trước về sau”, nguồn tài nguyên dầu khí ngày càng cạn kiệt và khai thác khó khăn, chưa có một điểm du lịch nào thực sự mang tính dẫn dắt và góp phần nâng tầm hình ảnh du lịch của địa phương.


Dư luận, báo chí đã phân tích rất nhiều về vị ví thực hiện dự án ảnh hưởng thế nào trong sự liên hệ với di tích lịch sử, cảnh quan xung quanh, môi trường, không gian mở cho mọi người và hình ảnh thân quen gắn với bao người dân nơi đây.

Tôi thực sự bận tâm về dự án này về những điều cụ thể như sau:

1. Đã lấy ý kiến, tiếp thu và đánh giá ý kiến, nguyện vọng của người dân chưa?

2. Có biện pháp đảm bảo thực hiện thành công dự án như ký quỹ?

3. Các tác động ảnh hưởng đến môi trường đã được các chuyên gia đánh giá kỹ lưỡng?

4. Sự hài hòa với các di tích lịch sử, không gian khu vực?

5. Có niềm tin về việc triển khai dự án thành công và bài bản hay không khi mà chủ đầu tư vướng vào hàng loạt cái vi phạm?

6. Đằng sau là gì khi hàng loạt các vi phạm đã không bị xử lý hay cho qua?


Cái gì cũng có hai mặt, không thể tuyệt đối và thậm chí là đánh đổi cho cái mới tuy nhiên phải hài hòa và cái giá phải trả là thấp nhất.

Điều tôi lo ngại nhất là dự án triển khai không đến nơi đến chốn, không đủ năng lực để rồi lại thêm một điểm du lịch nhếch nhác, nham nhở và cuối cùng thì không ai chịu trách nhiệm hoặc là chấp nhận khi chuyện đã rồi.

Người dân có quyền lên tiếng khi những quan ngại trên không có cơ sở đảm bảo vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hưởng thụ và bảo vệ của người dân.

Theo chia sẻ từ facebook Hoc Le

Lấn biển Bãi Trước Vũng Tàu là đụng vào đất thiêng!

Việc lấn biển Bãi Trước không những làm mất cảnh quan đẹp nhất của Vũng Tàu, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng như Bảo tàng, di tích danh thắng Bạch Dinh đã được xếp hạng mà còn chôn vùi một nơi thiêng liêng. 
Bãi Trước Vũng Tàu ngày nay
Cách đây đúng 160 năm những người lính của pháo đài Phước Thắng đã anh dũng bắn thần công vào tàu Pháp và sau đó quân, dân ba làng chài Tam Thắng dùng thuyền nhỏ bơi ra biển bất khuất sóng mái giáp la cà với 12 chiến hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần đầu tiên nổ súng xâm lược Nam Kỳ vào ngày mồng 8 Tết Kỷ Dậu (10-2-1859). Thời điểm kỷ niệm 160 năm đã lặng lẽ trôi qua... BRVT và thành phố Vũng Tàu không kỷ niệm, không một hoạt động gợi nhớ ký ức oai hùng, đi đầu đánh Pháp. Dù sự kiện tương tự, 9-2018, ở thành Điện Hải, sông Hàn, thành phố Đà Nẵng đã long trọng kỷ niệm 160 năm thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng, với rất nhiều hoạt động. Và 20 năm trước, năm 1999, Vũng Tàu đã từng long trọng tổ chức 140 năm sự kiện này ngay trước mặt nơi mà bây giờ đang hối hả san lấp lấn biển (bãi Trước Vũng Tàu)...

Một số phân tích về tác động tiêu cực trong việc san núi Lớn và lấp bờ biển bãi trước của dự án Hồ Mây Park và Thủy cung Hòn Ngưu

Hải dành 60 phút để viết nội dung này, mong rằng ai đó sẽ dành ra 6 phút để đọc, nếu không chúng ta sẽ mất 6 năm để xây dựng và 60 năm để sửa sai (mag liệu có sửa được không?!)
MỘT SỐ PHÂN TÍCH VỀ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TRONG VIỆC SAN NÚI LỚN VÀ LẤP BỜ BIỂN BÃI TRƯỚC CỦA DỰ ÁN HỒ MÂY PARK VÀ THUỶ CUNG HÒN NGƯU.

Giá trị khai thác khu vực biển Bãi Trước, Núi Lớn, Hòn Ngưu.

Khu vực Hòn Ngưu nằm tại bãi Trước, ngay phía dưới Bạch Dinh, là khu vực được quy hoạch nghiên cứu cải tạo, khai thác không gian, cảnh quan, mặt nước. Khu vực này có đặc điểm địa chất, địa hình vùng bờ, chế độ sóng, gió, dòng chảy ven bờ, tình trạng xói lở - bồi tụ, tính dễ tổn thương trước Biến Đổi Khí Hậu như sau: Phía núi, ít có nguy cơ bị xói lở do cấu tạo địa chất bền vững, chủ yếu là những đoạn vách dốc đứng hoặc những đoạn dốc đá thấp thoải dần ra phía biển, vật liệu tích tụ lớp bề mặt chỉ là một lớp mỏng hoặc không có, bao phủ bởi hệ thực vật thân thảo và tiểu mộc, cây thân gỗ chỉ còn thưa, ít. Phần chân núi phía biển phía ngoài có độ dốc lớn. Do địa hình đường bờ trực diện với gió Tây Nam vào mùa khô, sóng tác động vào bờ rất mạnh. Tuy do đặc điểm thạch học được cấu tạo chủ yếu bởi các đá xâm nhập thuộc phức hệ Đèo Cả và đá phun trào thuộc hệ tầng Nha Trang có độ bền vững cao nên biến động đường bờ ở khu vực này chủ yếu là hoạt động mài mòn, đồng thời với mức độ tăng dần của mực nước biển do biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đến vùng bờ nếu tiến hành san lấp biển ở các khu vực vùng bờ.

Tình trạng xói lở - bồi tụ đang xảy ra mạnh mẽ do ở Bãi Sau do khu vực này chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc, cấu tạo vùng bờ chủ yếu là cát sức chịu tải kém, rất dễ gây sạt lở do sóng và dòng chảy ven bờ. Các công trình lấn biển gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và môi trường biển do vật liệu xây dựng, do các khối bê tông lớn làm thành kè chắc sóng, các công trình. Đường bờ biển tự nhiên bị thay đổi, dẫn đến sự biến động của dòng chảy gây xói lở ở các vùng lân cận. Nếu công trình lấp biển ở khu vực Bãi Trước thì khu vực Bãi Dâu - Sao Mai và khu vực bãi tấm Bãi Trước khu vực công viên sẽ bị tác động nghiêm trọng do việc thay đổi dòng chảy ven bờ được hình thành do công trình xây dựng nhân tạo tại Hòn Ngưu.

Khu vực này cần có sự nghiên cứu cải tạo, khai thác không gian, cảnh quan, mặt nước phù hợp. Công trình trên núi hạn chế san ủi, gây xói mòn rửa trôi đất do mất lớp cây phủ tự nhiên, đặc biệt là khu vực đất dốc. Nếu không có quy hoạch và quản lý khắc khe sẽ dễ dẫn đến tai hoạ do các công trình xây dựng ven sườn núi gây ra hiện tượng đổ lở, xói mòn, rửa trôi trên vùng núi dốc xuống khu dân cư bên dưới chân núi. Cần hạn chế mật độ và tầng cao công trình.

Về sinh thái, đô thị Vũng Tàu tuy nhỏ nhưng có hệ sinh thái đa dạng phong phú hệ thống Núi Lớn, Núi Nhỏ, bãi biển trải dài bao quanh, hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực Cửa Lấp - Gò Găng - Long Sơn. 

Về văn hoá xã hội: Đô thị Vũng Tàu mang dấu ấn của đô thị du lịch đầu tiên được hình thành và khai thác của Việt Nam, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, trong đó di tích Bạch Dinh là một di tích đặc biệt, cùng với di tích pháo đài Phước Thắng, VIBA NÚI LỚN đã là điểm nhấn đặc biệt cho ngành du lịch bản địa. Di tích văn hoá là cơ sở hình thành nên giá trị ngành du lịch, không thể xâm phạm, vì khi mất đi sẽ không bao giờ xây dựng và phục hồi lại nguyên trạng. Việc xâm lấn hệ sinh thái tự nhiên, các di tích văn hoá lịch sử khi mở rộng xây dựng các công trình trên Núi Lớn, Hòn Ngưu gây ra những mất mát to lớn cho văn hoá địa phương. Phá núi, lấn biển không làm tăng gia trị kinh tế cho ngành du lịch mà còn làm cho tài nguyên cảnh quan đô thị du lịch bị lãng phí. Điều ngành du lịch tỉnh BRVT cần là một “vẻ đẹp mềm” đặc trưng cho đô thị du lịch, cho thành phố biển. Thiết kế không gian và cảnh quan cần hài hoà, thân thiện môi trường và phát huy được vẻ đẹp thiên nhiên của địa phương. Tôn trọng giá trị lịch sử và di tích văn hoá, dựa vào giá trị này để khai thác hiệu quả mới đảm bảo yếu tố khai thác du lịch bền vững.


Xin trích dẫn nguyên văn nhận xét về đô thị Vũng Tàu trong Thuyết Minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch chung TpVT đến năm 2035 được thủ tướng chính phủ phê duyệt - do bộ xây dựng thẩm định như sau “Với cảnh quan tự nhiên và nhân tạo hiện có, Vũng Tàu thực sự đang là một thành phố Đa dạng - Đặc trưng - Đẹp. Tiếp tục bảo vệ và tôn tạo các vùng cảnh quan tự nhiên, cải tạo hiệu quả khu vực đô thị lịch sử, phát triển các khu vực mới với các giải pháp thiết kế đô thị tốt sẽ là công cụ để Vũng Tàu trở thành điểm đến hấp dẫn. Cảnh quan hấp dẫn là một lợi thế so sánh rất lớn của Vũng Tàu so với các đô thị trong vùng”.




Tôi không hề phản đối xây dựng thành phố, nhưng rất cần một đầu óc tổng thể để Vũng Tàu được bình yên

Hải Phòng - danh tên là TP hoa phượng đỏ thì cũng không có phượng nở 4 mùa như Vũng Tàu; Hà Nội - danh tên là tình thi của hoa sữa, thì cũng không có mặt hoa sữa bốn mùa như Vũng Tàu;
Biển Vũng Tàu đẹp lắm ai ơi!
Nhiều loài hoa trái nơi đây bốn mùa hiện diện. Vào mùa du lịch, quán cà phê ven núi, tới 10h hơn mới có cảm giác nóng. Còn như tối về gió mang hương biển se lạnh như vào thu, chỉ cần một áo khoác nhẹ, hay một cái khăn choàng thì có thể lang thang đêm với biển.
Điểm nhấn của Vũng Tàu là biển. Mà biển đẹp thời phải có sự hoang sơ bãi bờ. Gia cố xi măng chỉ dành cho những tâm hồn chỉ biết ăn và ngủ.


Tôi không hề phản đối xây dựng thành phố, nhưng rất cần một đầu óc tổng thể để Vũng Tàu được bình yên...

Lấp biển xây dựng thủy cung, khách sạn 23 tầng ở ngay bãi Trước, nơi được xem là lấn vào vùng đất thiêng của Vũng Tàu, nơi mà hàng triệu người dân & du khách được thỏa thích ngắm nhìn biển xanh, lấn biển ở đây còn gây ra tình trạng xói mòn & ô nhiễm môi trường, đều là tác động xấu. Vậy tại sao không nghĩ xây thủy cung hay khách sạn ở một nơi nào khác phù hợp hơn, lý tưởng hơn vì Vũng Tàu đâu có thiếu đất!  


THƠ TẢ CẢNH VŨNG TÀU 
*** 
Núi Lớn là anh, núi Nhỏ là em
Dân Vũng Tàu gọi thế
và họ tạc bao quanh núi Anh núi Em
một con đường nhỏ
vòng vèo hình trái tim…

Lời đồn thổi dễ đến cả ngàn năm
rằng núi Lớn chỉ yêu mình núi Bé
yêu mải mê đến quên trời quên bể
hòn cuội ngủ quên
tiếng hát biển mòn
bốn mùa nghe yêu thương
rủ rê nhau
ùa về chen chúc,
nên trật tự thời gian
lộn tùng phèo
không còn như Ngọc Hoàng sắp đặt
hoa trái, nắng mưa
chẳng chịu theo mùa…

Lữ khách đến rồi đi
có nghe chăng
Vũng Tàu
muôn thuở tình ca…
Tháng 6.2011

Phải hủy bỏ dự án phá núi, lấp biển ở Vũng Tàu

Bao năm nay người Việt yêu Vũng Tàu, đến Vũng Tàu vì cảnh trí thiên nhiên mỹ lệ, sơn thủy hữu tình và khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm. Có mấy người tới Vũng Tàu vì khách sạn, Resort, nhà hàng, khu giải trí, hay cáp treo?
Nay Vũng Tàu đang bị biến dạng bởi nạn xâm hại môi trường, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm phạm quyền lợi của cộng đồng mà một trong những thủ phạm là Công ty Cổ phần du lịch Núi Lớn-Núi Nhỏ- Cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt là CTVT).

Núi Lớn Vũng Tàu bị bạt để xây biệt thự tại Hồ Mây park
Cáp treo Vũng Tàu đã sai phạm nghiêm trọng và có hệ thống:

- CTVT đã tự động xây dựng 11 công trình không giấy phép, xây dựng 4 công trình chưa có quyết định giao đất, 6 hạng mục công trình không có trong nội dung đồ án quy hoạch.

- Tất cả các công trình mà công ty này đã và đang triển khai xây dựng đều sai lệch vị trí so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.

- CTVT chưa thực hiện theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tự ý san lấp, sử dụng thêm 1.847,9 m2 đất; không nộp tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư; không chi trả tiền bồi thường cho 4 hộ dân. (Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

CTVT đã cào phá nghiêm trọng đỉnh Núi Lớn, lấp biển Bãi Trước để xây biệt thự và khách sạn, biến tài sản của toàn dân thành tài sản cá nhân, xâm hại môi trường và quyền lợi cộng đồng.

Nếu Vũng Tàu không bảo vệ môi trường, không giữ gìn di sản thiên nhiên, cứ để cho bọn cơ hội, bọn quan tham móc ngoặc với gian thương vì tiền xẻ núi, lấp biển xâm hại môi trường, phá hoại cảnh quan thiên nhiên thì tương lai Vũng Tàu sẽ thế nào? Núi, biển sẽ ra sao?

Câu trả lời thuộc về ý thức, trách nhiệm của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, của mỗi người dân Vũng Tàu và những người yêu mến Vũng Tàu.

Theo facebook Phạm Văn Hải

Không có Hồ Mây Park sẽ không có du lịch Vũng Tàu phát triển rực rỡ như ngày hôm nay!?

Lịch sử cho rằng Vũng Tàu là thành phố du lịch đầu tiên của Việt Nam, có từ thời Pháp thuộc. Bao đời nay Vũng Tàu đã đi vào ký ức, văn chương, thơ ca... rất đẹp và thơ mộng đối với hàng triệu triệu người Việt Nam. 
Và nay tại thành phố biển Vũng Tàu có công ty cáp treo Vũng Tàu làm dự án Hồ Mây & tiếp tục nhiều dự án khác để làm cho du lịch Vũng Tàu phát triển "lên đỉnh cao", tại sao lại nói không có Hồ Mây sẽ không có du lịch Vũng Tàu phát triển rực rỡ:


- Một, Hồ Mây park là dự án đầu tiên & duy nhất đến nay có quyền bạt phẳng đỉnh núi Lớn Vũng Tàu xây dựng nhiều công trình khổng lồ, ngẫu hứng để khai thác du lịch. Hơn nữa, vừa rồi Hồ Mây park còn tự cho phép san núi hơn 8.000m2 xây biệt thự nghỉ dưỡng mà chẳng cần quan tâm đến chính quyền & sẽ có nhiều việc khai thác "bất ngờ" hơn nếu dư luận không lên tiếng. Việc bạt núi, hủy hoại môi trường là có một không hai với danh nghĩa phát triển du lịch bền vững, việc này không là Hồ Mây thì chắc chẳng công ty nào làm được. Đó chẳng phải nhờ Hồ Mây park mà du lịch Vũng Tàu phát triển rực rỡ lắm đấy ư!?

Chờ đợi và hy vọng...

Thời gian gần đây lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những “phản ứng” rất nhanh, rất tích cực trước những “vấn đề nóng” được dư luận, báo chí phản ảnh như việc: tạm dừng dự án cải tạo nâng cấp cầu Cỏ May do nâng vốn quá cao; tạm dừng dự án lấn biển bãi Trước xây thủy cung Hòn Ngưu và san gạt núi Lớn ảnh hưởng môi trường cảnh quan thiên nhiên...

Chỉ trong vài ngày đầu tháng 10, tỉnh đã liên tiếp có những công văn chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát và tạm dừng dự án thủy cung Hòn Ngưu và san gạt núi Lớn để đánh giá, xem xét lại toàn diện... Điều này cho thấy lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực an ninh quốc phòng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và phát huy di sản văn hoá, “không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá”!.

Với tinh thần quyết liệt, lắng nghe và cầu thị, hy vọng lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có được thông tin đa chiều mang tính xây dựng, hiến kế giải pháp khả thi trước khi họp đưa ra những quyết định "dừng hẳn hay không” đối với dự án lấp biển bãi Trước xây thủy cung Hòn Ngưu đang bị đông đảo người dân Vũng Tàu kịch liệt phản đối. Biết rằng không dễ để đưa ra một quyết định “vừa lòng tất cả mọi người”, vì còn nhiều vướng mắc và uẩn khúc mà "lịch sử để lại”, không thể khắc phục trong ngày một ngày hai. Nhưng, nếu lãnh đạo tỉnh đương nhiệm bảo vệ được những gì còn sót lại của cảnh quan thiên nhiên bãi Trước và núi Lớn không tiếp tục bị xâm hại thô bạo, thì muôn đời nhân dân ghi nhớ công lao này!

“Thông tin có trách nhiệm trên tinh thần cùng chung tay xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu văn minh, giàu đẹp…” là lời nhắn nhủ của lãnh đạo tỉnh gửi đến tôi và anh em báo chí, tôi luôn ghi nhớ. Vì lẽ đó hơn bao giờ hết, tôi chờ đợi và tin tưởng, hy vọng vụ lấp biển xây thủy cung Hòn Ngưu - san gạt núi Lớn làm biệt thự... sẽ được giải quyết trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, có lý có tình chứ không phải chiều theo cảm xúc “Yêu hay Ghét” mà ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến hình ảnh tươi đẹp của Bà Rịa - Vũng Tàu.

————————————
P/s: Bài viết nêu quan điểm cá nhân, trước thời điểm diễn ra cuộc họp liên quan đến vấn đề trên, thay cho lời chào tạm biệt và miễn bình luận!
Khuyên ai đó: “sai thì sửa, “quay đầu là bờ”, đừng “cố đấm ăn xôi” và ...”ăn mặn để đời con khát nước” !

Theo facebook Thế Hưng SaoMai

Cầu thị và sửa sai

Biển & Rừng núi, di tích lịch sử, môi trường cảnh quan luôn là chủ đề nóng, tại sao nó lại nóng? 
Vì gắn liền với sức khỏe của muôn loàn nói chung, con người nói riêng, để ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người dân sẽ không chấp nhận để cho Doanh nghiệp tự tung tự tác, họ sẽ đấu tranh để sinh tồn, bảo vệ “lá phổi - rừng” đó là quyền cơ bản nhất. Vì vậy doanh nghiệp phải biết lắng nghe và cầu thị, đừng viện dẫn mình được chính quyền cấp phép, không phải cái gì con người cũng làm đúng, đã là người có cái đúng cái sai, quan trọng nhất biết lắng nghe tâm tư nguyên vọng của người dân, khách hàng để sữa. Cái được của Doanh nghiệp chưa thấy, cái mất đã hiện hữu, mất tiền ngày mai kiếm được, mất tình cảm đối với người dân, mãi mãi không lấy được, gọi là mất tất cả.
Với một doanh nghiệp chân chính, lương thiện phải biết “xin tiền trên mỗi người dân, khách hàng, đừng giết người dân để lấy tiền” điều đó trái với đạo lý, trái với lòng người, ắt sẽ không thuận, không thuận với lòng người trời sẽ không tha, đất sẽ không dung, cổ ngữ nói rằng: “Sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, Thiên Đạo hựu chi, phúc lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, Thần linh vệ chi, sở tác tất thành.” (dịch: Người thiện thì người người đều kính trọng, được Đạo Trời bảo hộ, phúc lộc theo đó mà đến, các loại ma tà đều tránh xa, Thần linh bảo vệ, làm gì cũng thành công).
Những điều cấm kị đối với Doanh nghiệp là không được phá Rừng, lấp Biển, hủy hoại Cảnh quan thiên, môi trường, di tích lịch sử, đền chùa, mếu mạo... Ai cũng biết chính môi trường cho con người sự sống, tâm linh cho ta niềm tin, văn hoá cho ta đạo đức, vậy mà nhiều Doanh nghiệp vẫn vướng vào, tại sao họ lại vướng, đơn giản vì đồng tiền mà họ bất chấp, hậu quả để lại rất nặng nề “kẻ thì bị trời đánh, kẻ bị người đánh, họ không có đất để dung thân, từ việc làm sai trái của họ mà ảnh hưởng đến gia đình vợ con - dòng họ - tổ tiên.

Bài học nhãn tiền, còn nóng hổi như đã xẩy ra các địa phương “Đà Nẵng - bán đảo Sơn Trà, Đồng Nai - lấp sông, Hà Nội - phá Rừng phòng hộ, Tp. HCM - Thủ Thiêm...”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cây đắng thốt lên “không để lặp lại bài học xương máu trong tổ chức cán bộ”.

Dự án xây dựng thuỷ cung tại Hòn Ngưu, nếu không có phá rừng, lấp biển, san đồi, thì câu chuyện không có sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, cộng đồng xã hội thể hiện trên báo chí và mạng xã hội trong những ngày qua. Người viết mấy dòng này mong rằng Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên xem lại chủ trương dự án. Có thể ngừng xây dựng, hoặc lấy ý kiến nhân dân điều chỉnh địa điểm. Cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Ban Bí thư về công tác Dân vận của Đảng.

Theo facebook Tịnh Tịnh

Núi Lớn (Tương Kỳ) và núi Nhỏ (Tao Phùng) ở Vũng Tàu

Núi Lớn ở phía Bắc, núi Nhỏ ở phía Nam trung tâm thành phố Vũng Tàu. Núi Lớn, núi Nhỏ như hai anh em làm bình phong che chắn cho thành phố Vũng Tàu, cùng với biển cả bao quanh đã tạo nên nét đẹp độc đáo cho thành phố Vũng Tàu. 
Núi Lớn Vũng Tàu
Núi Lớn, còn gọi là Tương Kỳ, có diện tích khoảng 400ha, đỉnh cao nhất 254m. Sách Gia Định thành thông chí (viết đầu thế kỷ 19) gọi núi Lớn là Thác Cơ Sơn, dáng như rồng xanh tắm biển, đứng nghiểm nhiên dựng làm ngọn nêu để chỉ rõ bờ bến cho tàu thuyền Nam Bắc qua lại, chặn đè sóng gió. Đầu ghềnh Thác Cơ Sơn thường có những con rái cá nên dân gian thường gọi là núi Ghềnh Rái. Sách Đại Nam nhất thống chí (viết giữa thế kỷ 19) nhấn mạnh sự quan yếu của núi “làm bình phong ngoải cửa Cần Giờ”.

Góc chụp núi Lớn và bãi Trước Vũng Tàu
Du khách có thể lên đỉnh núi Lớn tận hưởng không khí trong lành, mát lạnh và thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố Vũng Tàu theo con đường uốn lượn vòng quanh triền núi phía Nam, từ ngã ba đường Lê Lợi và đường Vi Ba. 
Núi Nhỏ Vũng Tàu
Núi Nhỏ, còn gọi là Tao Phùng, diện tích khoảng 120ha, cao 170m. Nếu như núi Lớn tựa dáng con rồng xanh tắm biển thì núi Nhỏ chính là “cái đuôi” của con rồng xanh ấy. 

Có hai đường lên núi Nhỏ. Một đường ở phía Bắc, nối với đường Hạ Long, gần cầu Đá; một đường ở phía Nam, theo 793 bậc tam cấp dẫn lên Tượng Chúa Giê su và trận địa pháo cổ cuối thế kỷ 19.   

Năm 1862, tức 3 năm sau khi đánh chiếm Nam Bộ, thực dân Pháp đã cho xây dựng ngọn hải đăng đầu tiên ở Việt Nam trên núi Nhỏ (tại độ cao 149m). 

Cuối núi Nhỏ về phía Nam là mũi Nghinh Phong. Trước đây, dân Vũng Tàu gọi mũi Nghinh Phong là Ô Quắn. Như cánh tay dài vươn ra biển, ôm bãi Vọng Nguyệt phía Đông và Hương Phong (bãi Dứa) phía Tây, quanh năm Nghinh Phong đón gió. 

Cách mũi Nghinh Phong không xa về phía Đông là Hòn Bà - tên gọi gắn với điện thờ trên đảo. Cũng như nhiều địa danh khác ở Vũng Tàu dù trước đó đã có tên Việt, Hòn Bà đã từng được người Pháp đặt cho cái tên Ile d" Archinard, vốn là tên một viên tướng trong quân đội viễn chinh. Mũi Nghinh Phong, Hòn Bà tạo cho cảnh quan núi Nhỏ thêm kỳ thú. 

Núi Lớn, núi Nhỏ còn bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa như phòng tuyến trận địa pháo của Pháp, Hải đăng Vũng Tàu, Hầm thủy lôi của quân đội Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2, đài ăngten parabol của quân đội Mỹ, Tượng chúa Giêsu, một trong những công trình điêu khắc về Đức chúa trời cao nhất thế giới và rất nhiều đền, chùa… 

Tài liệu này lấy theo sách “Di tích-Thắng cảnh BR-VT” của Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh 

Về dự án 'đào núi và lấp biển' ở Vũng Tàu

Ban đầu, mới nghe về việc lấn biển làm thủy cung ở bãi Trước Vũng Tàu, tôi rất thận trọng trước những ý kiến ủng hộ và phản đối. 
Thâm tâm tôi thì vẫn có nghiêng về phía ủng hộ vì rất mong muốn thành phố có thêm nhiều sản phẩm du lịch. Vì thế, tôi đã đến gặp chủ đầu tư, với hy vọng có những cơ sở pháp lý đúng đắn cũng như tìm lý lẽ thuyết phục cho việc lấn biển. Vì thực tế, một số nước cũng đã lấn biển để làm thủy cung, đơn cử như Dubai.

Cho dù nhiều người nói các dịch vụ ăn theo cáp treo Vũng Tàu trên đỉnh núi Lớn không hấp dẫn, nhưng tôi cũng tự trấn an mình và một số bạn bè rằng, đến thời điểm này, Vũng Tàu chưa có gì quy mô hơn điểm du lịch này.

Ừ thì thôi, nếu lấn biển mà vẫn đảm bảo các vấn đề về môi trường thì cũng cần thiết cân nhắc để đánh đổi để có được sản phẩm du lịch, phát triển tiềm năng thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên, tôi chỉ ủng hộ dự án khi đã có sự phán xét của các nhà khoa học rằng chắc chắn việc lấn biển tác động ít đến cơ thể thiên nhiên của biển Vũng Tàu và có thể tìm ra giải pháp khắc phục.

Trong quá trình tìm hiểu, tôi vẫn lắng nghe các ý kiến trái chiều, cho đến khi biết thông tin núi Lớn bị xẻ thịt để san lấp biển, tôi cảm thấy cơ thể thiên nhiên ở núi Lớn đang quằn quại dưới những nhát cuốc vô cảm của con người. Có người bao biện rằng, chủ đầu tư chỉ xúc trong phần đất được giao. Không phải được giao đất, chủ đầu tư tư muốn làm gì cũng được, đặc biệt là ở vị trí quan trọng như đỉnh núi Lớn, có giá trị cả về mặt an ninh quốc phòng, cảnh quan, môi trường, lịch sử, văn hóa...Có ai nghe được tiếng hồn núi Lớn đang than khóc như tôi không?

Nhưng tôi vẫn không hoàn toàn đổ lỗi cho chủ đầu tư. Để xét công bằng thì họ chỉ có 50% lỗi. Để dự án được phê duyệt, theo lời chủ đầu tư họ đã mất 4 năm. Tôi cho rằng như thế là nhanh, bởi dự án như thế có đến hàng trăm con dấu, không biết bao nhiêu cửa ải. Nếu các cơ quan chức năng, mà cụ thể hơn là cán bộ liên quan đến dự án này, xử lý vấn đề thấu đáo và quyết liệt hơn thì chắc chắn không dẫn đến sự việc đau lòng như hôm nay.

Nếu dự án dừng lại, chủ đầu tư sẽ là thiệt hại nhiều nhất. Nhưng khi các nhà khoa học công tâm cho rằng không thể tiếp tục dự án thì vẫn phải dừng lại, muộn còn hơn không. Việc Nhà nước đền bù cho nhà đầu tư và nhà đầu tư phải khắc phục hiện trạng như thế nào là chuyện của hai bên.

Tôi nghĩ rằng cần có một hội đồng khoa học trong và ngoài nước để thẩm định lại tính khả thi dự án.

Tôi tin rằng, bất kỳ một lãnh đạo thành phố hay lãnh đạo tỉnh đưa ra một quyết định đúng đắn cho dự án “đào núi, lấp biển”, mà đứng về phía quyền lợi chung của thành phố, bảo vệ thiên nhiên, thì sẽ để lại dấu ấn muôn đời ở Vũng Tàu.

Biết đâu, mấy trăm năm sau, người dân còn ca tụng: “Nếu không có ông A,B,C thì bây giờ không còn núi Lớn” (Đó là trường hợp núi Lớn vẫn còn đến mấy trăm năm sau).

Theo chia sẻ từ facebook Minh Lý

Chung tay để gìn giữ thành phố Vũng Tàu mãi 'trong xanh'

Nồng nàn gió Biển

Thả hồn vào biển Vũng Tàu
Bãi Sau, bãi Trước nhuộm màu nước xanh
Ban mai gió thoảng mát lành
Từng tia nắng sớm long lanh vui đùa

Nơi đây chẳng phải phân mùa
Mặc khô, mặc nắng, mặc mưa vẫn về
Biển như lòng mẹ vỗ về
Tung tăng bơi lội, thoả thuê sóng vờn

Nhấp nhô đuổi bắt từng cơn
Xô lên bãi cát dỗi hờn lùi xa
Biển vừa tắm mát cho ta
Biển vừa ru nhẹ lời ca ngàn đời

Vũng Tàu đẹp lắm ai ơi
Nghỉ ngơi hò hẹn tuyệt vời quanh năm..!

(Copy: Thơ Chung Mai)

P/s: Hy vọng rằng những tình cảm của người dân sống và làm việc tại BRVT cùng chung tay để gìn giữ thành phố biển Vũng Tàu mãi "trong xanh".

Chia sẻ từ facebook Toan Tran

Ngẫm và đau về biển - rừng của Vũng Tàu

Từ ngày xưa đến nay rừng đã được coi là tài sản quý báu vào bậc nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người, trong thực tế, rừng đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho mọi loài nói chung, con người nói riêng, ông cha ta đã nhận xét giá trị của rừng qua câu “Rừng vàng, Biển bạc”.
Đỉnh núi Lớn Vũng Tàu được bạt để xây dựng biệt thự
Rừng Núi Lớn của thành phố Vũng Tàu là nơi giữ vai trò điều hoà khí hậu, bảo vệ sự sống, rừng núi cây xanh bạt ngàn bao phủ là lá phổi khổng lồ thanh lọc không khí, cung cấp nguồn dưỡng khí duy trì sự sống toàn bộ thành phố Vũng Tàu. Đặc biệt rừng Núi Lớn Vũng Tàu chắn gió, chắn cát ven biển cho Bãi Trước, rừng Núi Lớn còn giúp cho người dân Vũng Tàu hạn chế được thiên tai. Ngoài ra rừng Núi Lớn là khu bảo tồn thiên nhiên vô giá với hàng ngàn loài chim, loài thú, loài cây có giá trị. Lọt thỏm trong rừng Núi lớn còn có hai khu di tích lịch sử được xếp hạng văn hóa Quốc Gia “Bạch Dinh và Angten Parabol" là nơi người dân địa phương, du khách thường lui tới.

Mãi yêu Vũng Tàu

Rất cần nhiều hơn nữa ý kiến phản biện của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các Cô chú, Anh chị có chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan để có được các luận chứng cụ thể, khoa học, thuyết phục hơn. Trong sự phẫn nộ của dư luận sao tỉnh nhà không rộng rãi công khai minh bạch thông tin, chấp nhận cầu thị lắng nghệ ý kiến tham vấn của các chuyên gia quy hoạch đô thị, kiến trúc sư, chuyên gia môi trường, sinh thái biển, văn hoá xã hội ... tiếng nói phản biện của người dân cần được tôn trọng. Nếu dự án thật sự minh bạch, hãy làm cho mọi sự được công khai rõ ràng.

Tất nhiên du lịch tỉnh nhà rất cần những sản phẩm du lịch để kinh tế du lịch được quy hoạch phát triển. Các sản phẩm du lịch đô thị, du lịch biển là rất cần thiết, nhưng cần hơn là sự MINH BẠCH, tôn trọng giá trị và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng dân cư chứ không phải chỉ vì lợi ích một doanh nghiệp hay một nhóm người. Cộng đồng dân cư tôn trọng những phát kiến, sáng tạo, tư duy MỚI nhưng phải tôn trọng và phù hợp với nền tảng CŨ, vì những thế hệ đã sống, đã chết vì những điều CŨ nhưng giá trị.

Rất nhiều nhân sỹ trí thức đã lên tiếng phản đối, rất nhiều cơ quan truyền thông đã lên tiếng phản đối. Và tất nhiên các cấp chính quyền từ Trung Ương đến địa phương sẽ bắt đầu vào cuộc vì sự phản đối này không phải vô nghĩa.

Người phản đối dự án này có phải do quá rảnh rỗi? Không, họ có thời gian dành cho việc này chỉ vì họ thật sự yêu vùng đất này.

Cơ quan báo chí truyền thông phản đối dự án này có phải vì mục đích nào khác ngoài tìm kiếm sự Minh Bạch.

Nếu nói chúng tôi phản đối dự án này vì một quyền lợi nào đó, thì quyền đó là quyền công dân, quyền tiếp cận biển, quyền gìn giữa điều tốt đẹp cho thế hệ con cháu, quyền lợi về môi trường sinh thái sống ... chứ chúng tôi chưa hề có xung đột quyền lợi kinh tế với chủ đầu tư hay ông A bà B nào trong nhóm kín của chúng cả.

Tôi phản đối vì ông tôi đã sống tại Vũng Tàu, ba mẹ tôi, anh em tôi cũng đã và đang sống tại Vũng Tàu. Tôi mong muốn các con, các cháu và gia đình bạn bè tôi tiếp tục được thụ hưởng những giá trị của cuộc sống tươi đẹp ở vùng đất này, nơi không nên có nạn phá núi, lấn biển, hủy diệt văn hoá như vầy.

Tôi tin và yêu các bác, các cô chú lãnh đạo, sẽ lắng nghe nhân dân, cầu thị và xử lý được các vấn đề thiếu minh bạch trong dự án này.

Tôi gửi kèm theo là những hình ảnh gần đây nhất của vấn nạn rác thải đại dương đã cập vào bờ biển tỉnh ta, nếu cộng đồng dân cư, ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, các hiệp hội và tổn chức ngành nghề không chung tay thì đã không thể dọn sạch hàng trăm tấn rác thải nhanh gọn trong 2 ngày. Và với tôi, dự án này sẽ như một vấn nạn môi trường mới chung tay dọn dẹp. Có thể mệt mỏi nhưng phải dọn, rác để lâu sẽ bốc mùi.